Vụ sập cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) vào tối 19-1 đến nay chứ có ai chịu trách nhiệm, ngoài... tài xế.
Lỗi thuộc về tài xế đã rõ khi cố tình phóng xe ben có tổng tải trọng hơn 15 tấn lưu thông qua cây cầu có tải trọng chỉ 3,5 tấn đang trong tình trạng "răng rụng".
Nhưng không chỉ tài xế hay chủ xe mà lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 và Sở Giao thông Vận tải TP HCM phải nhận lãnh trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không ai dũng cảm lên tiếng.
Cần biết là dự án xây dựng cầu Long Kiển mới do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư, được UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 20-1-2007. Quy mô cầu Long Kiểng mới dài 318 m, rộng 15 m, khổ thông thuyền 5 x 30 m, tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Dù đã tròn 11 năm phê duyệt điều chỉnh dự án, cầu Long Kiển mới nay vẫn còn nằm trên giấy và điều gì phải đến đã đến...
Có chút may mắn khi vụ sập cầu này không gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Tuy vậy, câu chuyện tiếp theo được đặt ra là rất lớn, thể hiện cái tầm và cái tâm của nhà quản lý đối với sự an nguy của dân chúng. Đã bao nhiêu lần kêu cứu và cảnh báo khản giọng, người dân sinh sống hai đầu cầu Long Kiển vẫn sống chung với cây cầu chờ sập mỗi ngày trong sự im lặng một cách lạnh lùng của cơ quan chuyên trách giao thông vận tải. Và phải chờ đến khi cầu sập, người có trách nhiệm cao nhất của Sở Giao thông Vận tải - giám đốc Bùi Xuân Cường - mới có mặt và công bố những thông tin "vàng ngọc": dự án xây cầu Long Kiển đang triển khai phần đấu thầu, chờ UBND huyện Nhà Bè bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ khởi công vào quý II/2018, hoàn thành sau 18 tháng.
Nói thẳng, nếu nhà ông giám đốc sở ở bên kia cầu Long Kiển và hằng ngày ông buộc phải qua lại cây cầu thót tim như thế thì tình hình nay đã khác, khác xa. Nói thật, nếu ông và các đồng sự nhiệt tâm hơn thì số phận cầu Long Kiển (và bao cây cầu ọp ẹp khác) đã không tồi tệ đến vậy.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, toàn TP đang có ít nhất 30 cây cầu đang yếu như cầu Long Kiển. Từ nay đến năm 2020 sẽ được sửa chữa, xây mới. Tại sao không làm ngay từ bây giờ mà phải 2-3 năm sau? Trong chừng ấy thời gian, cầu cũ chờ... sập, cầu mới chờ... xây và chẳng lẽ để người dân chờ... chết? Thành phố hiện đại, văn minh và nghĩa tình mà để thảm trạng ấy kéo dài như vậy sao?
Nhất định phải có những điều chỉnh hợp lý và kịp thời. Không thể tiến lên đô thị thông minh (smart city) khi mà giao thông đô thị còn những mảng u ám như thế. Hiện đại cỡ nào mà tính mạng người dân không được bảo đảm thì chẳng ý nghĩa mấy, đó là chưa nói đến sự tương phản khó coi khi một bên nào là monorail, tramway, BRT tiên tiến, tân thời còn một bên là cầu ván, cầu tre, cầu sắt ọp ẹp, chênh vênh...
Không thể ai khác, "tư lệnh" về giao thông vận tải của TP phải chịu trách nhiệm chính về thực trạng này.
Từ vụ sập cầu, nói rộng ra nhiều chuyện... sập khác: sập công trình, sập trường học... Tại sao phải chờ đến khi có tai nạn thì cơ quan quản lý mới ra tay? Như vụ sập sàn phòng học Trường Đống Đa ở Đà Lạt vào chiều 26-8-2017 khiến 11 học sinh rơi xuống, bị thương. Phải sau vụ ấy, tỉnh Lâm Đồng mới chỉ đạo kiểm tra, rà soát tổng thể và chuyển trường để an toàn cho học sinh; đồng thời, sửa chữa những cơ sở giáo dục xuống cấp...
Bởi vậy, chẳng ai mong thấy tai nạn xui rủi nhưng thực tế cho thấy rằng đến khi nào có vụ tai nạn gây sập nghiêm trọng thì dân chúng mới có cơ hội thấy trách nhiệm của nhà quản lý đang ở đâu, tới mức nào...!
NÓI THẲNG: Sở thuế và phận dân
Trụ sở chi cục thuế cũ còn sử dụng được nhưng đã xây trụ sở mới, hoành tráng hơn. Tiền dân ai xót? |
NÓI THẲNG: Bộ GTVT chữa cháy nhưng sợ tốn nước!
Đó là thực trạng đang diễn ra tại trạm thu phí BOT Nam Bình Định đang gây bức xúc dư luận, liên quan việc điều ... |