Lại có thêm hai thợ lò vừa bị mắc kẹt dưới lòng đất.
Lỗi máy tính gây náo loạn hơn 100 sân bay khắp thế giới |
Mắc kẹt trong thang máy, đôi nam nữ nhập viện |
Giá hầm lò vỉa 6, phân xưởng khai thác than 3, Công ty than Dương Huy, huyện Cẩm Phả, Quảng Ninh bị đổ lúc 5 giờ sáng 29/9, khiến hai anh Nông Văn Bổng (35 tuổi) và Lưu Văn Nhâm (26 tuổi) bị chìm trong đất đá. Họ đang làm việc giờ cuối của ca ba, tức đã làm việc cả đêm.
Tôi nghe tin, cảm thấy buồn và lo lắng. Đến chiều 29/9, thi thể anh Nhâm đã được đưa ra ngoài. Vị trí anh Bổng bị vùi lấp cũng đã được xác định.
Người vùng mỏ đều biết xác xuất sống sót của những sự cố như thế này là vô cùng nhỏ. Đây là vụ tai nạn thứ hai của công ty than Dương Huy trong năm nay.
Quảng Ninh đứng thứ năm trên toàn quốc về số vụ tai nạn lao động và số người chết trong năm 2016. Trên địa bàn vùng than Quảng Ninh, 20 vụ tai nạn, 23 người đã bị thiệt mạng trong năm qua.
Thợ hầm lò dù có mức lương cao gần gấp đôi công nhân làm trong nhà máy công nghiệp tại Quảng Ninh, khoảng 13-15 triệu đồng/tháng, nhưng người dân Quảng Ninh gần như đã không mặn mà với nghề được mệnh danh “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” như trước đây nữa.
Tôi mới xuống hầm lò cách đây 2 tháng. Sau khi ăn cơm cùng thợ lò với trứng và thịt lúc 6 giờ sáng, chúng tôi vào “khu đời sống” của mỏ thay quần áo, mũ bảo hộ, lấy đèn pin, bình khí, ủng. Từng nhóm người bước vào khoang máy trực đứng vận tải xuống mức âm 300m để xuống các lò chợ khai thác than mỏ Hà Lầm. Nhiệt độ oi bức đã chuyển thành mát lạnh.
Trong đường hầm chính rộng khoảng 3-5m, tôi phỏng vấn một thợ lò. Khi chúng tôi đang nói chuyện, bất ngờ tiếng nổ mìn dưới mỏ. Lần đầu tiên thấy đất dưới chân mình rung chuyển, mặt tôi tái đi. Anh thợ lò cười: “Yên tâm, vị trí này an toàn lắm rồi”.
Nếu đã trải qua cảm giác ấy, bạn sẽ không có gì ngạc nhiên, khi lãnh đạo ngành than mới đây kêu khó tuyển được công nhân.
Ngay cả chính những người con đất mỏ cũng còn không mặn mà với ngành than oai hùng một thời nữa. Quảng Ninh đang rời xa ngành than, nhưng để đi đâu thì nhiều người dân… chưa biết.
Tại một hội thảo mới đây về thu hút thợ lò, một kết quả khảo sát cho biết dư luận còn định kiến với ngành than. Họ cho rằng thợ lò làm việc nặng nhọc và độc hại. Đó là yếu tố khiến nhiều công ty than khó khăn trong việc chiêu sinh thợ lò. Các trường đào tạo thợ lò của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đang lay hoay đi “đãi cát tìm vàng” ở tận các tỉnh xa hơn để chiêu sinh: Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái và miền trung. Giữ chân thợ lò cũng là một thách thức lớn của nền công nghiệp “vàng đen” đã một thời vang bóng.
Ngành than đang đối mặt với khó khăn là bài toán tiêu thụ sản phẩm. Độ tồn kho của TKV khoảng hơn 10 triệu tấn, tập trung ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí.
Than Việt Nam không thể cạnh tranh với than nhập khẩu do giá thành cao hơn nhưng chất lượng lại kém hơn. Từ một quốc gia xuất khẩu than, đến năm 2013, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than với sản lượng tăng dần, lên đến 13,3 triệu tấn trong năm 2016, vượt xa so với các kế hoạch đề ra trước đó. Dự báo sản lượng nhập khẩu than sẽ tiếp tục tăng cao khi các nhà máy nhiệt điện lớn hoàn thành và đi vào hoạt động mà giá than của TKV không thể giảm.
Giá thành than của TKV đã tăng bình quân 4-5%/năm trong giai đoạn 2012 - 2014.
Ngành than Việt Nam có quy mô manh mún, điều kiện địa chất phức tạp. Mặc dù có công nghệ tiên tiến nhưng điều kiện để áp dụng, triển khai công nghệ lại bị hạn chế bởi tính quy mô.
Giá than của TKV không thể giảm bởi chi phí khai thác, nhân công, vận hành tốn kém trong khi giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than trong nước. Đó là lý do TKV không thống nhất được giá có lời với các khách hàng lớn của mình.
Cẩm Phả sinh ra chỉ có một ý nghĩa tồn tại với than, chưa bao giờ có ý nghĩa tồn tại thứ hai là ngành kinh tế nào khác. Từng gia đình, từng con người ở mảnh đất này gắn bó với than. Một tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ Cẩm Phả cũng có thể nói với bạn về những khó khăn của ngành than. Bây giờ, than chất đống, rất nhiều mái nhà của mảnh đất này đang loay hoay với tương lai.
Ngành kinh tế bóc tài nguyên lên để bán từng đưa Quảng Ninh lên đầu tàu mũi nhọn nay nay rơi vào bế tắc, bởi mô hình kinh doanh không còn phù hợp.
Các giải pháp để đẩy than đi đang được bàn cả năm nay. Lối ra là tìm kiếm các đơn đặt hàng, giảm giá thành. Muốn giảm giá thành chỉ còn cách đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ khai thác than để tăng năng suất và chất lượng khai thác... Câu chuyện lại quay về con gà - qủa trứng.
Tỉnh Quảng Ninh và TKV đã nhiều lần bàn bạc mổ xẻ các vấn đề tìm mọi cách gỡ nút thắt cho ngành than. Một giải pháp mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là chuyển dịch kinh tế vùng từ “nâu” sang “xanh”. Tức từ nghề than sang làm du lịch, với hy vọng sự phụ thuộc vào ngành than sẽ bớt đi.
Và các nhà đầu tư bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng đang kéo vào những di sản nơi này… trong sự e dè của người đất mỏ.
Chỗ đứng nào cho họ trong nền kinh tế xanh đang được hứa hẹn kia?
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/noi-buon-vung-than-3649003.html