Chuyện phải đặt chỗ trước ở các nhà hàng là bình thường, nhất là đối với những nơi có menu đặc biệt. Nhưng có những nhà hàng “chảnh” đến mức bạn phải đợi vài tuần, vài tháng, thậm chí một năm mới có chỗ.
Và có khi phải đợi... cả đời mà chưa chắc đã được thưởng thức. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Kiên nhẫn và tất nhiên là phải có tiền - đó là những “điều kiện cần” để có thể được sắp bàn tại những nhà hàng này. Còn “điều kiện đủ”, cũng là điều khó nhất - đó là câu OK của các chủ nhà hàng. Schwa (Chicago, Mỹ) và Urasawa (California, Mỹ) là hai cái tên nằm cuối danh sách những nhà hàng “khó khăn” nhất bởi khách phải đặt chỗ trước từ 3 tuần đến 1 tháng. Nếu Schwa, của ông chủ đồng thời là đầu bếp nổi tiếng Michael Carlson, thu hút khách bởi các món Mỹ đầy sáng tạo thì người ta vẫn kiên nhẫn chờ được vào Urasawa với thực đơn 29 món Nhật dù giá cao ngất ngưởng, khoảng 600 USD/người.
Trong khi đó, nhà hàng Takazawa (Tokyo, Nhật Bản) bị “ghét” có tiếng dù luôn nằm trong danh sách những nhà hàng ngon nhất thế giới. Để thưởng thức món ăn tại đây bạn phải đợi ít nhất 2 tháng vì Takazawa tôn vinh sự kết hợp có một không hai giữa ẩm thực Pháp và Nhật trong khi chỉ có 2 bàn với tổng cộng 10… ghế. Cũng mang phong cách Pháp, nhà hàng The French Laundry (California) 3 sao Michelin “mở cửa” cho khách đặt chỗ trước 2 tháng, tuy nhiên đặt được hay không thì còn tùy và đa phần đều rơi vào danh sách chờ.
Ông Damon Baehre |
Nhà hàng Rao’s |
Cũng tầm thời gian đợi 2 - 3 tháng như thế, nhà hàng Noma (Copenhagen, Đan Mạch) mở hệ thống nhận đăng ký vào ngày 6 mỗi tháng, xác suất “trúng” thì khá cao vì có hơn 20.000 cuộc gọi vào ngày hôm đó. Sở dĩ có lúc danh sách chờ của Noma lên đến 60.000 bởi bếp trưởng Rene Redzepi chỉ sử dụng nguyên liệu Bắc Âu cho thực đơn đặc biệt của ông, chẳng hạn như bánh mì nướng nhím biển, gan cá tuyết nấu sữa caramen, bò “trộn” kiến.
Nhà hàng Noma |
Khi xứ Catalonia (Tây Ban Nha) trở thành “điểm nóng” với những căng thẳng về chính trị thì El Celler de Can Roca cũng “nóng” không kém khi giới sành ăn đang nghĩ ra mọi phương cách để có thể đặt bàn ở nhà hàng vốn được tạp chí Restaurant xếp hạng số 1 năm 2015. Chu kỳ của nhà hàng này là 11 tháng, nghĩa là cứ sau 11 tháng kể từ ngày (chính xác là nửa đêm) nhà hàng này mở cửa hệ thống đặt bàn, khách mới có thể “chen chân” vào danh sách chờ. Chuẩn bị đầu năm 2018, nhà hàng chỉ có 56 bàn này mới nhận khách cho chu kỳ mới và nếu may mắn đặt được bàn thì phải đợi đến cuối năm 2018 mới được... ăn.
Cũng cùng hạng “khó” với El Celler de Can Roca là nhà hàng Talula’s Table (Pennsylvania, Mỹ) đặc trưng bởi các món ăn địa phương. Đường dây nóng ngày nào cũng mở lúc 7 giờ sáng và nếu bạn may mắn là người đầu tiên gọi đến thì bạn phải chờ đúng 1 năm sau mới có bàn. Tuy nhiên, những ai bị hụt thì cũng nên thường xuyên theo dõi website của nhà hàng này để điền vào chỗ trống khi có người hủy.
Nhà hàng Talula’s Table |
Một món của nhà hàng Takazawa. Ảnh: TELEGRAPH |
Tuy nhiên, độ “chảnh” của những nhà hàng trên đều không thể sánh được với Damon Baehrel (New York), Club 33 (công viên Disneyland, California) và nhất là Rao’s (New York). Club 33 mở cửa năm 1967 mặc dù ban đầu ông Walt Disney muốn nơi đây dành riêng cho các nhà đầu tư. Để được thưởng thức bên cạnh chuột Mickey, khách phải đóng phí tham gia là 25.000 USD, phí thường niên là 10.000 USD rồi mỗi lần ăn thì tính hóa đơn riêng. Giá cả ở trên trời là thế, vậy mà muốn trở thành thành viên phải đợi hơn 14 năm. Lần mới nhất Club 33 mở cửa đón nhận thành viên mới là năm 2012 và kết quả là danh chờ có đến 800 người.
Còn với Damon Baehrel, nhà hàng mang tên của ông chủ cũng là người trực tiếp đứng bếp, nằm ở tầng hầm của ngôi nhà ông Baehrel chỉ đủ chỗ cho 20 người. Họ chỉ nhận đặt bàn qua email mà quản lý email này cũng chỉ có 1 một người nên chẳng có gì khó hiểu khi bạn phải đợi ít nhất 10 năm.
Và Rao’s - “kẻ hãnh tiến” nhất mà ai cũng biết thì có lẽ chỉ nên đọc cho biết vì không có cách nào để đặt bàn ngoại trừ bạn có mối quan hệ tốt với những người nổi tiếng cỡ cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton hay ca sĩ Madonna để được giới thiệu. Nhà hàng ẩm thực Ý này từng lọt vào khung hình cùng diễn viên Leonardo DiCaprio trong bộ phim The Wolf of Wall Street. Và điều thú vị của Rao’s là “bán vé theo mùa” như kiểu bóng chày ở Mỹ, tức là khách phải trả tiền trước nguyên năm. Ví dụ, một bàn cho 4 người mỗi tối thứ 6 lúc 8 giờ là 25.000 USD/năm.