Tại Nhà tù Phú Quốc, lính Mỹ đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo với hàng chục kiểu tra tấn dã man đối với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Trước ngày 30.4.1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Mỹ - Ngụy xây dựng trại giam tù binh với tên gọi “Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” để giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng không may bị chúng bắt.
“Chuồng cọp” kẽm gai tra tấn người tù được làm ngoài trời, trên nền cát. Tù nhân bị nhốt vào đây sau khi bị lột bỏ quần áo, phải đứng, nằm, ngồi, lom khom, bị bỏ đói và phơi nắng, mưa suốt nhiều ngày liền. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Tròn 40 năm, đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những biểu tượng anh hùng, bất khuất, kiên trung sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tái hiện toàn cảnh khu trại giam Nhà tù Phú Quốc, với nhiều lớp hàng rào dây thép gai dày đặc bao quanh các phân khu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, từng đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, thành kính thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, đang yên nghỉ nơi đây. Thắp nén hương trên mộ phần đồng đội, cựu tù Phú Quốc đến từ tỉnh Thanh Hóa, bác Hàn Long Biên chia sẻ: “Trở lại Phú Quốc sau 40 năm chiến thắng trở về, tôi rất đỗi vui mừng, nhưng cũng không cầm được nước mắt. Vui vì được trở lại thăm nơi mình bị địch bắt đọa đày, tra tấn, tận mắt nhìn thấy sự đổi thay, phát triển của Phú Quốc hôm nay. Buồn không cầm được nước mắt vì nhớ đến đồng đội năm xưa đã ngã xuống. Họ đã cùng tôi chiến đấu kiên trung, bất khuất đến hơi thở cuối cùng và cùng hát vang bài ca cách mạng “Phú Quốc ơi vùng lên” do tôi và một đồng đội đã hy sinh sáng tác trong những năm tháng bị giam cầm. Thắp nén nhang cho anh em, đồng chí đang yên nghỉ nơi đây mà không nói được thành lời.”
Một hình thức tra tấn tù binh: tù nhân bị trói, treo người lên rồi bị đánh bằng roi và vồ gỗ. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Từ năm 1941 - 1944, thực dân Pháp đã đưa tù nhân ra đảo Phú Quốc thiết lập 3 trại tù, giam cầm khoảng 1.000 người và sau đó giải thể. Tháng 6.1953, Pháp tái lập Trại giam tù binh Căng Cây Dừa (còn gọi là Trại giam Cây Dừa) lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, diện tích khoảng 40 ha, giam giữ các chiến sĩ, cán bộ kháng chiến cả ba miền Bắc, Trung, Nam và lúc đông nhất lên đến 14.000 tù binh. Và khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, việc trao trả tù binh được tiến hành, trại giam bị xóa bỏ.
Hình thức tra tấn tù binh dã man đốt lửa dưới bụng. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Cuối năm 1955, trên nền Trại giam Cây Dừa - Phú Quốc, Mỹ - Ngụy tiếp tục lập một trại tù với tên gọi Trại Huấn chính Cây Dừa (còn gọi là Nhà lao Cây Dừa) giam giữ gần 1.000 tù binh, tù chính trị và đến tháng 3.1957 thì chấm dứt hoạt động. Năm 1967, chúng xây dựng lại, lấy tên là Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc để giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất Việt Nam. Diện tích trại giam khoảng 400 ha, phân ra 12 khu, với gần 500 nhà giam. Giai đoạn 1967 - 1973, lúc cao điểm tại trại giam này, địch bắt, giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Bọn chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo với hàng chục kiểu tra tấn dã man, tàn bạo hòng khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng đến mức mọi người gọi nơi đây là “Địa ngục trần gian”.
Tù nhân bị trói, treo người lên rồi bị đánh bằng roi và vồ gỗ. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Bác Lương Quang Hồng ở thành phố Hồ Chí Minh - cựu tù Phú Quốc bị giam cầm từ tháng 5.1968 đến tháng 3.1973, nhớ lại: “Gồng mình trước những đòn tra tấn của địch gần như không còn con đường sống, nhiều anh em, đồng chí may mắn thoát chết, trong đó có tôi. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.”
Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc - Di tích Quốc gia đặc biệt hôm nay nhuộm thắm máu đào của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng ngã xuống và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cộng sản đã vượt qua cái chết, tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến thắng 30.4.1975. Di tích lịch sử này có giá trị lịch sử to lớn, gắn liền với vận mệnh dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi thắp sáng lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những người chiến sĩ cộng sản mưu trí, dũng cảm, kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi người dân Việt Nam.
40 năm qua, tỉnh Kiên Giang tập trung tìm kiếm, thu thập tài liệu, hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc; gìn giữ, tu bổ các di chỉ còn lại, phục dựng hiện trạng dấu tích đã mất; khai quật, tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về di tích lịch sử Trại giam Phú quốc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học và các cựu tù Phú Quốc, khẳng định giá trị to lớn của Di tích Nhà tù Phú Quốc trong lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam. Hiện nay, trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc, các hạng mục nhà trưng bày hiện vật, nghĩa trang tù binh, đài tưởng niệm liệt sĩ đã được tu bổ, tôn tạo; khu trụ sở tiểu đoàn quân cảnh, khu làm việc của bộ chỉ huy trại giam, khu Trại giam B2 được phục dựng gần như nguyên gốc.
Dùng đèn cao áp soi thẳng vào mắt cho đến hỏng con ngươi. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Ngày 27.3.2015, tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 14 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước, trong đó có Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện công tác tu bổ, phục dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Quốc, tiến hành xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây và 11 bia ghi dấu địa điểm 11 khu giam còn lại của di tích, nhằm thể hiện nhiều hơn nữa giá trị lịch sử quý giá của di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên trung, bất khuất cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời giới thiệu một cách sinh động về ý chí đấu tranh giành, giữ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới.
Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc là điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến đảo ngọc Phú Quốc. Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Quốc cho biết: Hàng năm, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc đón khoảng 10.000 đoàn khách trong nước và quốc tế, với hàng trăm ngàn lượt người. Nhiều cựu tù trở về đây không cầm được nước mắt vì nhớ thương đồng đội. Nhiều bạn trẻ nghiêng mình kính phục lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng. Du khách nước ngoài đến thăm di tích ngày càng đông hơn. Học sinh ở các trường học trên đảo và nhiều nơi trên cả nước thường đến đây tìm hiểu lịch sử một thời đấu tranh oanh liệt với kẻ thù của cha anh. Từ năm 2013, huyện Phú Quốc tổ chức lễ giỗ hàng năm tại Di tích Nhà tù Phú Quốc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thực hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Đường hầm vượt ngục được các chiến sỹ cách mạng “tù nhân” dùng những mảnh thìa, mảnh sắt để đào. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Đứng chân trên đất đảo Phú Quốc sau 40 năm chiến thắng trở về, trong ký ức của những cựu tù còn đó những hình ảnh đau thương, mất mát không gì bù đắp được, bùi ngùi, xúc động trước anh linh đồng đội đang yên giấc, nhưng tất cả họ đều tự hào, phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển của Phú Quốc. Bác Hàn Long Biên, bác Lương Quang Hồng và nhiều cựu tù Phú Quốc khác đều chung nhận xét: “Phú Quốc hôm nay phát triển ngoài sức tưởng tượng của những cựu tù chúng tôi. Sân bay quốc tế, bến cảng, cáp ngầm xuyên biển đưa điện quốc gia ra đảo, đường cao tốc Nam - Bắc đảo, khu đô thị mới, khu du lịch… được đầu tư xây dựng hiện đại. Nhà cửa, phố xá, đô thị sung túc khang trang, sạch đẹp. Khách du lịch đến đông vui. Các thế hệ lãnh đạo của huyện Phú Quốc, của tỉnh Kiên Giang, đang nỗ lực xây dựng Phú Quốc đẹp giàu như hôm nay, không phụ lòng những chiến sĩ cách mạng anh dũng hy sinh trên đất đảo này và nhiều người khác đã góp một phần máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt trong đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Nhiều cựu tù, đồng đội chúng tôi năm xưa rất muốn trở về thăm lại Phú Quốc”.
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ cuối): Lễ truy điệu Bác Hồ tại khám Chí Hòa ngày 7/9/1969
Các chị chỉ cho chúng tôi nơi đã đặt bàn thờ Bác Hồ và trong lễ truy điệu Bác ngày 7/9/1969 thì mọi người đứng ... |
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 4): Lời kể của những cựu nữ tù chính trị
Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, tổ chức thi xem ai thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn trong ... |
Những câu chuyện ở "lò bát quái" Chí Hòa (Kỳ 3): Vụ xử bắn Ngô Đình Cẩn
Trong lịch sử Khám Chí Hòa từ khi xây dựng cho tới năm 1975 đã có hai vụ xử bắn được thực hiện ngay trong ... |
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 2): Sự thật về một viên cai ngục
Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” ... |
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 1)
Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao ... |