Tôi luôn tin đô thị có linh hồn của riêng nó. Và những công trình biểu tượng dành cho công chúng là một phần của linh hồn ấy.
Linh hồn của đô thị còn được tạo thành bởi những con người đô thị tâm huyết. Tôi nhớ lại câu chuyện ông Võ Quang Tiềm, vốn là một thợ may ở một làng quê tại Huế. Năm 1923, ông khăn gói di cư vào Đà Lạt cùng với nhiều người Huế khác, chính quyền lúc đó đang có chính sách khuyến khích giúp đỡ người nhập cư. Với chiếc bàn máy may và số tiền trợ giúp ban đầu cho cư dân mới, ông không vội nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống mới dễ dàng hơn tại quê hương thứ hai như nhiều người đồng hương, mà cố gắng dành dụm và siêng năng làm việc. Ông nắm bắt cơ hội phát triển ngành nghề mới, tương ứng với số vốn tăng dần. Ban đầu chỉ là một thợ may, rồi trở thành nhà buôn tạp hóa, rồi thành nhà buôn sỉ, rồi tự học để trở thành nhà kinh doanh địa ốc.
Sau vài chục năm, ông Tiềm trở thành người giàu có nhất nhì tại Đà Lạt. Ông là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho quỹ “Tuần lễ vàng” tại Đà Lạt năm 1945. Ông sở hữu nhiều khu phố, khách sạn, vài trăm cơ sở địa ốc tại miền Nam Việt Nam và nước ngoài. Nhiều công trình trong số đó ngày nay vẫn còn tồn tại như những kiến trúc ghi dấu lịch sử thời kỳ đầu phát triển của Đà Lạt.
Tuy giàu có, ông Tiềm không sống vị kỷ, ông quan tâm giúp đỡ nhiều người. Ngày đưa ông về với đất, hàng ngàn người đã đến dự lễ. Đó là một trong những đám tang đông nhất tại Đà Lạt trong nhiều năm.
Ông Tiềm là ông ngoại của tôi, luôn là tấm gương sáng cho tôi trong việc cần biết ưu tiên cái gì làm trước cái gì làm sau ở đời. Tôi nhớ bài học này: khi chưa thành công thì hãy dồn sức cho những công việc quan trọng trước mắt, khoan nghĩ đến chuyện hưởng thụ vội vàng.
Việc Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua dự án xây dựng Nhà hát tại Khu đô thị Thủ Thiêm tại kỳ họp bất thường, khiến tôi không khỏi có mấy suy nghĩ, bởi nó liên hệ đến phương châm của chính tôi ở trên.
Thứ nhất, Nhà hát có phải công trình người dân thành phố cần nhất, và cần ngay bây giờ hay không?
Tôi cho rằng không cần thiết phải xây gấp một nhà hát mà đó sẽ là một việc nên làm trong trung hạn, sau khi chính quyền đã giải quyết xong những nhu cầu cơ bản và cấp bách hơn của người dân. Đó là vấn đề tắc đường, ngập nước, an ninh an toàn, nhu cầu cơ bản về y tế, trường học... Khi những nhu cầu bức bách ổn thỏa, lúc đó người ta sẽ thoải mái hơn trong việc quan tâm đến nghệ thuật. Một siêu đô thị hơn 10 triệu dân chắc chắn cần một trung tâm nghệ thuật có đẳng cấp, nhưng sẽ rất lạc lõng nếu anh đi xe sang, mặc vest, mà phải lội trong nước ngập với tắc đường.
Nếu hỏi thời điểm nào phù hợp để xây nhà hát, thì tôi không thể khẳng định bây giờ, bởi nó phụ thuộc vào tiến độ cải thiện của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị cần kíp cho dân chúng. Tôi chỉ dám chắc rằng TP HCM cần trở thành thành phố đáng sống và sống tốt trước, rồi mới xây nhà hát hoành tráng. Điều này không có nghĩa người dân không cần những giá trị tinh thần, nhưng nó là một tương lai trung và xa, chứ không phải ngay lập tức. Xem xét việc mỗi ngày chúng ta phải trả hàng chục tỷ lãi vay nợ công, nhiều dự án hạ tầng cơ bản chưa đủ tiền hoàn thành, thì việc vội vàng xây mới một nhà hát quy mô, có lẽ chưa phù hợp lắm.
Để biết việc ưu tiên cho dự án này trong thời điểm hiện nay có đủ thuyết phục công chúng hay không, thành phố nên công khai danh sách những dự án ưu tiên dùng ngân sách hàng năm cho người dân biết, bao gồm nhà hát mới. Khi người dân được biết, tham gia ý kiến, cũng là cơ hội để thành phố thuyết phục người dân đồng tình với mình.
Thứ hai, một nhà hát nhạc giao hưởng đơn lẻ có phải là giải pháp cho vấn đề đời sống tinh thần? Chúng ta cần có một trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bao gồm nhiều công trình biểu diễn lớn nhỏ, chứ không phải chỉ là một nhà hát. Trong số các đô thị lớn trên thế giới, tôi rất ấn tượng với Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln tại New York. Nó nằm trên diện tích 6,6 hecta, với 30 công trình biểu diễn trong nhà và ngoài trời.
TP HCM không cần một trung tâm lớn đến thế, nhưng ít nhất, ta cần quy hoạch một trung tâm nghệ thuật biểu diễn xứng tầm, phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật trung, cao cấp, và phù hợp với việc biểu diễn cả nghệ thuật phương Tây lẫn chèo, cải lương, hát bội... với không gian thiết kế phù hợp trong nhà và ngoài trời. Nó phải là một cụm công trình, phục vụ cho nhu cầu của nhiều thế hệ khán giả. Việc quyết định xây dựng một khu vực như thế tại một vị trí đắc địa, và một bản thiết kế quy hoạch kiến trúc xuất sắc như điển cứu nhà hát Opera Sydney, là cơ hội ngàn vàng để ta biến thành phố Hồ Chí Minh tiến tới một thành phố đẳng cấp, xứng tầm với một siêu đô thị, một điểm đến của thế giới.
Thứ ba, về địa điểm xây dựng công trình, vị trí đề xuất gần Nhà thờ Thủ Thiêm hiện nay chưa phải là vị trí đẹp cho một trung tâm nghệ thuật, nơi nuôi dưỡng đời sống tinh thần tinh hoa của dân cư. Tôi cho rằng nó phải là một vị trí có không gian mở, tiếp giáp trực tiếp với mặt nước, có cây xanh bao quanh, không quá gần các khu dân cư đông đúc và mật độ giao thông dày. Bởi, một dàn nhạc biểu diễn ngoài trời không thể cùng chơi với tiếng còi xe.
Vị trí đẹp nhất cho khu trung tâm biểu diễn nghệ thuật này đáng ra đã có thể là khu Ba Son, nơi ba mặt là sông nước, kết hợp với các công trình bảo tàng và khu văn hóa, gắn liền với việc bảo tồn và phát triển các di sản trong khu cảng lịch sử này cho thế hệ sau. Giá trị của khu đất này có thể ngang tầm với vị trí nhà hát Opera Sydney. Tiếc là nay nó đã bị sử dụng cho dự án bất động sản. Vậy thì vị trí phù hợp thứ hai, nên là một khu đất ven sông phía Thủ Thiêm với không gian đủ rộng, không bị chia cắt với bờ sông bởi đường xe công cộng. Chúng ta cần một nhà hát duyên dáng như lúm đồng tiền trên khuôn mặt thành phố chứ không phải một nốt ruồi to mọc ngay trên mũi.
Vì những lý do trên, đây không nên là một dự án cấp thiết phải quyết định gấp rút ngay ở trong một cuộc họp hội đồng nhân dân bất thường. Nó nên là một vấn đề chung cần được nghiên cứu, thẩm định, trưng cầu dân ý kỹ càng và dựa trên tầm nhìn dài hạn của thiết kế đô thị. Đồng thời, tôi mong Thành phố sẽ lắng nghe người dân trước khi quyết định những dự án công cộng, bao gồm các trung tâm nghệ thuật, bờ sông, công viên...
Trái tim của đời sống tinh thần phải là một thiết kế đặc biệt, tạo ra bản sắc đô thị, một biểu tượng tại một vị trí đắc địa được chính người dân chọn lựa.
Tại sao không xây bệnh viện, trường học mà làm nhà hát 1.500 tỉ đồng?
Nhiều bạn trẻ tỏ ra bất ngờ trước tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, Nhà hát vũ kịch ở quận ... |
20 năm hiện thực ý định xây Nhà hát Giao hưởng của TP HCM
Thành phố từng định xây nhà hát ở 23 Lê Duẩn (quận 1) nhưng cuối cùng dùng tiền bán khu đất này để làm công ... |
Xây dựng nhà hát là cơ hội để sửa sai những tồn tại ở Thủ Thiêm
“Quyết định xây dựng nhà hát vào thời điểm giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm là một sự trùng hợp. Đây cũng là thời ... |