Nghiệp báo

Trong kinh Tăng chi Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Ở nơi khác Thế Tôn dạy: “Mắt tai mũi lưỡi thân và ý là nghiệp cũ. Các hành động thân khẩu ý trong hiện tại là nghiệp mới”.

Lời khẩn cầu trong đêm
Tu là buông mà không phải bỏ
Niệm Phật có nghĩa là…

Như thế con người là hợp thể ngũ uẩn[1] do nghiệp tác thành. Nghĩa là con người đẹp hay xấu, khổ hay vui, giàu hay nghèo, thông minh hay ngu dốt… sai khác nhau là mỗi người tạo nghiệp khác nhau. Vậy nghiệp là động lực chi phối, quyết định đời sống của một con người. Nói đến nghiệp là nói đến nghiệp thiện và nghiệp ác trong vòng sanh diệt và quá trình luân chuyển của con người được xem như một dòng sinh diệt, diệt sinh nối tiếp nhau không gián đoạn. Do đó ta đã tạo tác nhiều nghiệp ở quá khứ khác nhau nên dẫn đến các kết quả định và bất định khác nhau. Chính vì vậy mà nghiệp có rất nhiều loại và diễn trình từ nhân đến quả cũng rất phức tạp. Điều thiết yếu là khi tìm hiểu giáo lý về nghiệp, ta phải lấy sức mạnh của nghiệp và sự liên lạc giữa nghiệp nhân và nghiệp quả.

Nghiệp thường được định nghĩa là những hành động có tác ý của thân khẩu ý, tức là những việc làm cố ý, có tính toán hay trong tâm khởi lên những ước muốn, những giục vọng nào đó có tính cách thường xuyên và cố gắng thực hiện cho bằng được. Đó là những việc làm, những ý nghĩ thiện hay bất thiện được lặp đi lặp lại, tạo nên sức mạnh chi phối tự thân và hoàn cảnh. Còn hành động không có tác ý gọi là hành động duy tác.

Nghiệp báo là nghiệp nhân và quả báo. Nghiệp nhân là nguyên nhân của nghiệp, tức những hành động thiện ác đã thực hiện trong quá khứ. Quả báo là những kết quả do những nghiệp nhân đã tạo, tức là kết quả sướng hay khổ tương ứng với nghiệp thiện hay ác. Trong số nghiệp mà con người tạo ta có rất nhiều loại như biệt nghiệp, cộng nghiệp, định nghiệp, bất định nghiệp, hữu lậu nghiệp, vô lậu nghiệp… Ở đây chỉ nêu một số nghiệp căn bản.

* Phân loại theo tính chất:

- Hắc nghiệp: Là nghiệp đen tức nghiệp ác.

- Bạch nghiệp: Là nghiệp trắng, tức nghiệp thiện.

- Hắc nghiệp, bạch nghiệp: Là nghiệp đen và nghiệp trắng, tức thiện ác lẫn lộn.

- Bất hắc bất bạch nghiệp: Là nghiệp không đen không trắng, tức nghiệp không thiện không ác, hay nghiệp vô lậu. Đó là hành động duy tác của bậc Thánh.

* Phân loại theo thời gian:

- Hiện pháp thọ nghiệp: Nghiệp gây trong đời này, thọ trong đời này.

- Sinh thọ nghiệp: Nghiệp gây trong đời này, trong trong đời kế tiếp.

- Hậu thọ nghiệp: Còn gọi là bất định nghiệp. Đó là nghiệp

gây trong đời này nhưng trổ quả trong nhiều đời sau khi hội đủ điều kiện.

- Vô hậu nghiệp: Nghiệp không thể trổ quả, tức không đủ yếu tố để phát khởi.

* Phân loại theo công tác:

- Sinh nghiệp: Nghiệp chi phối sự tái sinh.

- Đoạn nghiệp: Nghiệp cát đứt dòng sinh nghiệp.

- Trì nghiệp: Nghiệp duy trì sự sinh tồn của chúng sinh từ lúc ra đời cho đến lúc lâm chung.

- Chướng nghiệp: Nghiệp làm trở ngại sinh nghiệp.

* Phân loại theo sức mạnh:

- Cực trọng nghiệp: Nghiệp rất nặng, như tạo tội ngũ nghịch, bị đọa vào địa ngục vô gián, nên gọi là vô gián nghiệp.

- Tập quán nghiệp: Đó là thói quen tác thành cá tính con người.

- Tích lũy nghiệp: Nhiều nghiệp dồn chứa lại.

- Cận tử nghiệp: Nghiệp hiện khởi lúc sắp lâm chung.

Trong bốn loại nghiệp phân loại theo sức mạnh đều có năng lực chi phối sự đầu thai, trong đó cận tử nghiệp là yếu tố quyết định nhất.

Khi có nghiệp nhân thì có quả báo. Quả báo tuy đa dạng nhưng có thể chia làm hai loại: Quả bảo đối đãi và quả báo tự tâm.

* Quả báo đối đãi: Còn gọi là quả báo ngoại giới. Hễ làm tổn hại cho người hay vật dù cố ý hay không cố ý, biết hay không biết, thì người hay vật tất nhiên muốn làm tổn hại lại. Quả báo này tùy nghiệp nhân nặng hay nhẹ mà có loại chuyển được, có loại không chuyển được.

* Quả báo tự tâm: Đây là quả báo dựa trên tác ý mà quyết định. Có khi cùng một việc làm mà kết quả tốt xấu, thiện ác khác nhau.

- Trường hợp vô tâm: Một người bình thường làm một việc lành hay dữ mà vô tâm thì không có kết quả về tự tâm. Nếu sau đó ăn năn hối tiếc thì theo chỗ hối tiếc ấy mà huân tập nơi tự tâm. Trái lại một người bản tánh là lành, luôn luôn làm việc lành, một cách vô tâm thì quả báo về tự tâm rất lớn, cũng như một người bản tính thuần ác mà làm việc ác một cách vô tâm thì quả báo vẫn về tự tâm.

- Trường hợp hữu tâm: Một người cố ý làm việc lành với dụng ý mưu cầu danh lợi thì quả báo đối đãi vẫn là lành, nhưng sự huân tập ở tự tâm là ác. Trái lại một người vì trách nhiệm cầm cân công lý tuy cố ý kết tội kẻ khác đúng theo luật pháp, nhưng chỗ huân tập tự tâm vẫn là lành. Tuy có làm tổn hại cho người có tội nhưng với mục đích làm cho họ thức tỉnh quay về nẻo thiện và giúp cho xã hội được ổn định. Lại nữa khi làm một việc như thế xong rất vui mừng muốn làm thêm nữa, thì quả báo lành gia tăng gấp bội.

Tìm hiểu về nghiệp báo thì phải biết những tiêu chuẩn thiện ác, những gì thiện phải làm và những gì ác nên tránh. Thông thường những gì làm cho ta và người an lạc, thanh tịnh, tự tại, giải thoát là thiện và ngược lại, những gì hợp với nhận thức sáng suốt, hợp lý, có tính vô thường, vô ngã là thiện và ngược lại; những gì giúp cho mình và người có lợi, hạnh phúc là thiện và ngược lại.

Tạo nghiệp lành thì quả báo lành là lẽ tất nhiên. Nhưng lỡ gây nghiệp dữ, sau đó ăn năn hối lỗi mãnh liệt, tạo những nghiệp nhân trái lại thì lực ác kia sẽ bị đánh bạt đi và khỏi chịu quả báo dữ. Bởi nghiệp là cái gì có tính chất chủ quan[2] do con người tạo ra, thì cũng do chính con người đoạn trừ. Nên conn người có sự chủ động trong việc phát khởi, duy trì hay dứt bỏ nó. Hơn nữa nghiệp thiện ác là do ý chấp thủ[3] thiện ác mà không phải do hành động thiện ác làm nên. Khi ý đã rời chấp thủ thì bây giờ nghiệp không có nhân duyên để thành lập và tồn tại.

Theo tông Duy thức[4], con người tạo tác bất cứ làm việc gì thì những việc ấy trở thành hạt giống ươm vào tàng thức[5] (nghiệp nhân), khi hội đủ điều kiện nhân duyên thì chúng đơm bông kết trái trên mặt đất ý thức (quả báo). Như vậy muốn dứt nghiệp báo là nhân sanh tử luân hồi, một mặt chúng ta không tạo nhân hữu lậu[6], mặt khác làn cho chủng tử trong tàng thức không có điều kiện phát khởi bằng cách nhiếp tân thanh tịnh, nhờ những phương pháp tu tập như niệm Phật, trì chú, tham thiền. Khi mức độ giác tỉnh của ta đủ mạnh thì tất cả lậu hoặc được đoạn tận sự giải thoát được thực hiện. Bấy giờ tất cả nghiệp đều có thể được chuyển hóa.

Qua sự tình bày ở trên, chúng ta thấy nghiệp là một động lực chi phối, ảnh hưởng phần lớn quyết định đời sống hạnh phúc hay bất hạnh của chúng ta. Do đó muốn được an vui sung sướng chúng ta phải chọn việc thiện mà làm.

Nghiệp báo do chính con người tạo ra, mà không phải do một vị thần linh nào ban phát. Vì vậy con người có quyền làm chủ vận mạng của mình, hoàn toàn tự do lựa chọn cho mình một đời sống theo ý muốn. Và con người có thể thay đổi hoàn cảnh khó khăn đen tối hiện tại, hướng đến một tương lai tươi sáng, nếu tự mình có đầy đủ ý chí. Hơn nữa nghiệp đã tạo ra, về phương diện tâm lý chỉ được xem là có mặt khi chúng ta còn chấp thủ ngã, còn tự đồng hóa mình với nó, khi đã tỉnh giác, không thấy có tự ngã, không thấy mình có trong nghiệp hay nghiệp có trong mình thì sự có mặt của nghiệp được xem như không có. Và khi sự giác tỉnh viên mãn, vượt lên thiện ác thì tất cả là thực tại như thực sanh không diệt, không đến không đi. Đây là điểm tối quan trọng trong giáo lý nghiệp của đạo Phật.

--------------------------------


[1] Ngũ uẩn: Còn gọi là ngũ ấm, đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhưng ngũ ấm ngoài năm yếu tố nói trên, nó còn có ý che đậy, chướng ngại sự sáng suốt.

[2] Chủ quan: Theo ý kiến cảm tưởng riêng của mình, tức à suy nghĩ việc làm do mình chủ động, có tính cá nhân.

[3] Chấp thủ: Đối với các khổi vui, các nghiệp thiện ác chỉ là hư vọng mà không hiểu lại chấp là thực có, cho là ta, là của ta, rồi khăng khăng nắm giữ.

[4] Tông Duy Thức: Còn gọi là tông Pháp tướng. Tông này lấy pháp môn vạn pháp làm chủ.

[5] Tàng thức: Còn gọi là tạng thức, tức a-lại-da thức, là thức thứ tám. A-lại-da dịch là tạng, có nghĩa là chứa đựng tất cả các chủng tử.

[6] Hữu lậu: Lậu là tên khác của phiền não. Sự vật có chứa phiền não nên gọi là hữu lậu. Mọi vật ở thế gian đều là pháp hữu lậu. Còn những sự thể lìa phiền não gọi là pháp vô lậu.

/ Sách 30 bài pháp cho người tại gia