Nếu Triều Tiên tiếp tục tìm cách tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), sẽ có một cuộc chiến tranh nổ ra...
Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham |
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới tuần trước tuyên bố ông thất vọng vì Trung Quốc không gây sức ép kiềm chế Triều Tiên ngừng thử tên lửa đạn đạo và Mỹ đã hết kiên nhẫn.
Cũng trong tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này đã có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào tại Mỹ sau vụ thử ICBM mới nhất.
Nước Mỹ đã phản ứng và các quan điểm cũng khác nhau, ngày 1/8, Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham, một người theo chính sách ngoại giao "diều hâu" phát biểu trên chương trình Today Show của đài NBC: Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thà tham chiến để tiêu diệt Triều Tiên còn hơn cho phép nước này phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa.
Nếu ông Trump buồn lòng vì chính sách bạc nhược của Mỹ trước đây đã ưu đãi thương mại khiến Trung Quốc thu về hàng trăm tỉ đô la tạo đà cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến Mỹ khó thỏa thuận, áp đặt yêu sách lên Triều Tiên thì ngài Nghị sĩ Graham thẳng thừng bộc lộ quan điểm diều hâu: "Họ (các chính quyền Mỹ tiền nhiệm) đã trì hoãn và đùn đẩy suốt 20 năm. Nếu Triều Tiên tiếp tục tìm cách tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), sẽ có một cuộc chiến tranh nổ ra... Ông ấy (Tổng thống Trump) đã nói thẳng với tôi, nếu có một cuộc chiến để ngăn chặn ông ta (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un), thì nó sẽ diễn ra ở đó (Triều Tiên)... nếu có hàng nghìn người chết, thì họ sẽ chết ở đó (Triều Tiên)."
Đương nhiên, trong tình trạng căng thẳng như vậy, ngài Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phải mềm dẻo hơn để xoa dịu dư luận. Cùng ngày ngài Nghị sĩ diều hâu bực dọc trên truyền hình, ngoại trưởng Mỹ lên tiếng cam kết rằng Washington sẽ không tìm cách lật đổ chế độ tại Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng cảnh báo Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình tên lửa hạt nhân.
Phát biểu với các phóng viên về những nỗ lực ngoại giao nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng, ông Tillerson khẳng định Washington sẵn lòng đàm phán với Bình Nhưỡng nếu ban lãnh đạo của nước này chấp nhận giải giáp vũ khí.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ, không tìm cách thúc đẩy tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, không tìm cớ để đưa quân đội vượt qua vĩ tuyến 38 lên phía Bắc và chúng tôi đang cố gắng chuyển thông điệp này đến người Triều Tiên. Chúng tôi không phải là kẻ thù, không phải mối đe dọa với các bạn, nhưng các bạn đang đặt ra mối đe dọa không thể chấp nhận với chúng tôi và chúng tôi phải đáp trả."
Tuy nhiên, ông Tillerson có cách tiếp cận ngoại giao hơn khi nói: "Chúng tôi chắc chắn không đổ lỗi cho người Trung Quốc về tình hình ở Triều Tiên. Chỉ người Triều Tiên mới phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện nay, nhưng tôi tin rằng Trung Quốc có quan hệ đặc biệt và duy nhất, do hoạt động kinh tế đáng kể cũng như ảnh hưởng với chế độ Triều Tiên theo cách thức mà không nước nào có thể làm được".