Nghệ thuật ngoại giao khiêm nhường của Kim Jong-un

Lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa thể hiện sự thẳng thắn và khiêm tốn khi tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc.

nghe thuat ngoai giao khiem nhuong cua kim jong un
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng hôm qua. Ảnh: Reuters.

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook đã nghỉ tại nhà khách chính phủ Paekhwawon, nơi từng đón tiếp nhiều nguyên thủ và quan chức cấp cao nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xin lỗi vì địa điểm này "khá cũ kỹ so với khách sạn ở những nước phát triển", theo Korea Times.

Kim cũng từng khuyên Moon nên tới Triều Tiên bằng máy bay bởi đường sá tại quốc gia này có chất lượng thấp. Trước đó, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin một người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc kể lại rằng Kim Jong-un đã khóc vì kinh tế đất nước yếu kém trong bộ phim tài liệu chiếu cho các quan chức hồi tháng 4.

Giới phân tích nhận định Kim Jong-un tỏ ra tôn trọng người khác một phần vì muốn xây dựng hình ảnh một lãnh đạo thẳng thắn và cởi mở, khác với cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông. Họ cũng cho rằng những bài phát biểu của Kim Jong-un thể hiện nỗ lực phá vỡ thế cô lập và thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước.

"Thời đại của Kim Jong-un khác với cha của ông ấy. Kim Jong-il sinh ra khi Triều Tiên thịnh vượng hơn so với Hàn Quốc và trưởng thành trong giai đoạn vinh quang của đất nước. Tuy nhiên, Kim Jong-un, lãnh đạo 35 tuổi từng trải nghiệm cuộc sống tại một đất nước tư bản trong thời gian ở Thụy Sĩ, lại chứng kiến sự tụt dốc của quốc gia", Kim Hyung-deok, chủ tịch Trung tâm Hòa bình và Thịnh vượng Hàn Quốc, cho biết.

Kim Hyung-deok nói thêm rằng Kim Jong-un đang cố chuyển đổi chính sách từ phát triển hạt nhân sang cải cách kinh tế. "Chủ nghĩa tư bản đang ngày càng lớn mạnh ở Triều Tiên và Kim nhận thức được sự thay đổi này. Vì vậy, ông ấy muốn khôi phục nền kinh tế nghèo nàn của đất nước bằng cách đẩy mạnh quan hệ và thu hút đầu tư từ Hàn Quốc", Kim Hyung-deok giải thích.

"Việc một lãnh đạo thẳng thắn nói về khuyết điểm của nền kinh tế nước nhà là điều vô cùng khác thường", một chuyên gia về kinh tế Triều Tiên giấu tên cho biết. "Những phát biểu khiêm nhường của Kim Jong-un đối lập với quan niệm của Kim Jong-il".

"Trong bài phát biểu đầu năm 2017, Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên vẫn còn nhiều thiếu sót bất chấp những nỗ lực nhằm cải thiện đời sống người dân của ông. Phát biểu này cho thấy sự khiêm tốn của Kim", chuyên gia nhận định.

Sau phiên họp hôm qua tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo Hàn - Triều đã thống nhất các biện pháp phi hạt nhân hóa bán đảo, bao gồm "đóng cửa vĩnh viễn" một số cơ sở phóng tên lửa với sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế. Hai bên cũng đạt được một loạt thỏa thuận quân sự như thiết lập vùng đệm rộng 10 km quanh Đường ranh giới quân sự (MDL), ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận pháo binh và bộ binh cấp trung đoàn.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng nhận lời mời tới Seoul của Tổng thống Hàn Quốc. Nếu chuyến đi này diễn ra, Kim Jong-un sẽ là lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ khi bán đảo bị chia tách hơn 70 năm trước.

nghe thuat ngoai giao khiem nhuong cua kim jong un Nghệ thuật ngoại giao Kim Jong-un: Từ hăm dọa đến cái ôm nồng ấm

Hình ảnh Kim Jong-un niềm nở, thân thiện khi gặp lãnh đạo Trung - Hàn đối lập hoàn toàn với những hăm dọa, công kích ...

/ VnExpress