Robot thăm dò Curiosity của NASA phát hiện carbon hữu cơ tồn tại trên sao Hỏa, mở đường cho hành trình tìm kiếm sự sống ở hành tinh đỏ.
Robot Curiosity khoan lỗ sâu 5 cm trên lớp đá sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
NASA công bố bằng chứng thuyết phục đầu tiên về sự hiện diện của các phân tử hữu cơ lớn trên bề mặt sao Hỏa trong buổi họp báo diễn ra vào 1 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam tại trụ sở chính ở Washington DC, National Geographicđưa tin. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, những kiểm tra trước đây hé lộ dấu vết của vật chất hữu cơ, nhưng chất clo tìm thấy trong bụi sao Hỏa khiến việc lý giải kết quả trở nên phức tạp.
"Khi bạn làm việc với một vật phi thường như robot thăm dò sao Hỏa, thiết bị phức tạp nhất từng được đưa vào vũ trụ, có vẻ như chúng tôi đang thực hiện những gì từng được cho là bất khả thi trước đây. Tôi làm việc với một đội tuyệt vời và chúng tôi đã phát hiện rất nhiều thứ trên sao Hỏa", trưởng nhóm Jennifer Eigenbrode, nhà nghiên cứu hóa sinh ở trung tâm Goddard của NASA, chia sẻ.
Dữ liệu mới nhất từ robot Curiosity cho thấy hồ nước từng lấp đầy miệng hố Gale của sao Hỏa chứa những phân tử hữu cơ phức tạp cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Dấu vết của phân tử vẫn được lưu giữ ở các hòn đá giàu lưu huỳnh thu thập từ trầm tích hồ. Lưu huỳnh có thể giúp bảo vệ vật chất hữu cơ ngay cả khi hòn đá tiếp xúc với bức xạ và chất tẩy trắng như perchlorates.
"Đây là một phát hiện quan trọng", Samuel Kounaves, nhà hóa học ở Đại học Tufts kiêm cựu trưởng nhóm trong dự án thiết bị đổ bộ Phoenix Mars của NASA, cho biết. "Có những địa điểm đặc biệt gần bề mặt, nơi phân tử hữu cơ được bảo quản tốt".
Ngoài carbon cổ đại, robot Curiosity còn tìm kiếm vật chất hữu cơ tồn tại trên sao Hỏa ngày nay. Thiết bị thăm dò kiểm tra khí quyển sao Hỏa theo định kỳ từ khi đáp xuống bề mặt hành tinh. Cuối năm 2014, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu này phát hiện methane, phân tử hữu cơ đơn giản nhất, có trong khí quyển của hành tinh đỏ.
Sự có mặt của methane trên sao Hỏa gây bối rối cho nhóm nghiên cứu, bởi hợp chất này chỉ tồn tại vài trăm năm. Điều này có nghĩa một nguồn nào đó trên sao Hỏa liên tục bổ sung methane. "Đây là loại khí đáng ra không nên có trong khí quyển sao Hỏa", nhà khoa học Chris Webster ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, nhận định.
Ngoài ra, từ các quan sát của robot Curiosity, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động của khí methane khá kỳ lạ. Năm 2009, họ báo cáo có những cột phun ngẫu nhiên hàng nghìn tấn methane mà họ không thể giải thích. Theo Webster, sao Hỏa sản sinh khí methane theo mùa. Mỗi mùa hè, nồng độ methane trong khí quyển sao Hỏa lại tăng khoảng 0,6 phần tỷ.
"Nhiều phân tử trong khí quyển Trái Đất không có nồng độ biến động theo mùa, do đó việc hành tinh có sự thay đổi hóa học theo mùa là khác biệt rất lớn. Đây là một phát hiện gây kinh ngạc", Eigenbrode nói.
Webster và cộng sự nghi ngờ khí methane có nguồn gốc từ sâu dưới lòng đất, và nhiệt độ biến động trên sao Hỏa đã đẩy luồng khí lên bề mặt. Vào mùa đông, khí methane có thể được lưu giữ bên trong những tinh thể băng gọi là clathrates. Tinh thể clathrates có thể tan chảy vào mùa hè và giải phóng khí methane.
"Chúng tôi thực sự không dám chắc khí methane chúng tôi quan sát được ở hiện tại có phải là sản phẩm của sự secpentin hóa hay không (phản ứng hóa học giữa đá chứa sắt và nước lỏng) hay đến từ hoạt động của vi khuẩn dưới đất sâu. Hay đó là thứ được lưu trữ từ thời cổ đại và đang được giải phóng dần dần?", Michael Mumma, nhà khoa học ở trung tâm Goddard của NASA, người phát hiện cột khí methane trên sao Hỏa, cho biết.
"Phát hiện vô cùng thú bị, nởi nó chỉ ra sao Hỏa ngày nay là một hành tinh còn hoạt động", nhà khoa học hành tinh Bethany Ehlmann ở Viện công nghệ California, nhận xét. "Nó không phải là hành tinh chết lạnh lẽo. Có thể nó đã tiến gần đến ranh giới của sự sống".
Nhóm nghiên cứu sẽ cần đưa tới sao Hỏa thiết bị đủ mạnh để tìm kiếm dấu vết của sự sống về mặt hóa học. Tàu vũ trụ ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, dự kiến hạ cánh xuống sao Hỏa năm 2020, có thể khoan sâu hơn 1,8 mét vào lớp đất đá nguyên thủy và kiểm tra mẫu vật bằng bộ thiết bị trên tàu. NASA cũng lên kế hoạch triển khai thiết bị thăm dò sao Hỏa mới vào năm 2020 để thu thập mẫu đất và gửi về Trái Đất.
Hiện nay, dự án ExoMars đang có những bước tiến lớn. Tàu Trace Gas Orbiter tiến vào quỹ đạo sao Hỏa cuối năm 2016 đang thu thập dữ liệu cho phép các nhà khoa học lập bản đồ khí methane trên sao Hỏa và xác định nguồn gốc của nó.
Thông điệp của NASA dễ khiến người ngoài hành tinh hiểu nhầm Chiếc đĩa vàng giới thiệu về nhân loại được NASA gửi vào vũ trụ trên tàu Voyager 1 và 2 có thể gây nhầm lẫn ... |
NASA tạo điểm lạnh gấp 10 tỷ lần chân không vũ trụ Thiết bị vừa được NASA đưa lên trạm ISS sẽ tạo ra điểm lạnh gấp 100 triệu lần khoảng không vũ trụ bằng tia laser ... |