Muốn tăng lương phải tinh giản

Trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội hồi tháng 4 năm nay, đây cũng là vấn đề được đặt ra gay gắt. Theo đó, việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn phải là việc điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương, mà vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện. Nói một cách dễ hiểu thì, muốn tăng lương, cải cách tiền lương thì trước hết phải tinh giản biên chế; Không có ngân sách nào “gánh” nổi bộ máy cồng kềnh hiện nay.

Vẫn chỉ là con số âm
Tinh giản \'công bộc\'

Bộ máy hành chính - sự nghiệp của chúng ta hiện được đánh giá là quá cồng kềnh và kém hiệu quả. Chúng ta đã nhìn thấy sự trì trệ này nhưng bắt đầu giải quyết từ đâu, thì thực sự là khó.

Con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” được cho là chưa thống kê đầy đủ. Việc tinh giản biên chế lâu nay chưa thực sự nhắm tới các đối tượng này. Trong khi đây là giải pháp để tạo nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2016, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là hơn 11.900 người. Trong đó có gần 10.400 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, hơn 1.500 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 14 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 16 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là hơn 5.000 người, nhưng cũng đa số là về hưu trước tuổi.

Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tiến độ tinh giản biên chế hiện nay “khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị”.

Chính vì không thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả, thậm chí bộ máy còn "phình" to hơn nên những lần cải cách tiền lương vừa qua đều xảy ra tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, lương mới đáp ứng được 50% nhu cầu tối thiểu của công chức.

Muốn tăng lương khu vực công, cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc cải cách hành chính, giảm số lượng người hưởng lương ngân sách, tạo nên cuộc cách mạng tương tự “khoán 10” trong nông nghiệp trước đây đang là vấn đề thực sự cần thiết hiện nay.

Khi người lao động không được trả đúng, trả đủ với công sức, trí tuệ đã bỏ ra, đó chính là lực cản kéo lùi sự phát triển. Với khu vực công, thì sách nhiễu, vòi vĩnh dân cũng từ đó mà ra.

http://thanhnien.vn/thoi-su/chao-buoi-sang/muon-tang-luong-phai-tinh-gian-874633.html

/ Đồng Nhân/Thanh Niên