\'Mã vạch\' tài sản

Những ngày qua, hội trường Quốc hội nóng ran với nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu đóng góp để sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy còn một số góc nhìn khác nhau, song đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí quan điểm cần truy đến cùng tài sản tham nhũng, tài sản bất minh để có thể thu hồi về tối đa cho ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc tài sản bất minh đâu có quá khó mà lâu nay các cơ quan chức năng cứ loay hoay không thể xử lý, khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại nặng nề.

Nói ngân sách nhà nước bị thất thoát nhiều là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội: Chỉ trong vòng 10 năm, số tiền thất thoát do tham nhũng lên tới gần 60.000 tỷ đồng, 400 ha đất, trong khi các cơ quan chức năng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng, 219ha đất. Vậy là chỉ có khoảng 7,8% số tiền thuế của dân được thu hồi từ các đối tượng tham nhũng.

Với kết quả trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không thể chữa trị tận gốc căn bệnh tham nhũng đang ngày càng lây lan nhanh trong xã hội như một loại virus.

Làm sao có thể răn đe, trấn áp, phòng ngừa khi mà đối tượng tham nhũng bị phát hiện lại chỉ bị “rút kinh nghiệm sâu sắc”, khiển trách, cảnh cáo, luân chuyển hay thậm chí là cách chức, còn khối tài sản kếch xù do tham nhũng mà có thì không thể thu hồi?

Đó chính là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy một bộ phận không nhỏ người có chức, có quyền “mạnh dạn” hơn trong quyết tâm... tham nhũng.

Chính bởi tài sản tham nhũng được sẽ thành của riêng, không ai, không cơ quan nào có thể động đến, nên nhiều người đã xác định “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, tức là cứ tham nhũng nếu chẳng may bị phát hiện thì cùng lắm là hỏng đời mình, nhưng vợ con lại tha hồ sung sướng.

Còn nếu hành vi tham nhũng không bị phát hiện thì họ coi đó là “lộc” để có thể bòn rút khoản tiền thuế mà người dân đóng góp từ mồ hôi nước mắt. Mà rủi có bị phát hiện thì cũng chưa chắc đã phải đi tù, chưa chắc đã mất hết, nếu biết dùng chính tiền tham nhũng được để chạy chọt, luồn đúng “cửa” thì cùng lắm cũng chỉ bị buộc bằng sợi dây rút kinh nghiệm dài mãi, hoặc luân chuyển sang chức vụ mới tương đương.

Chẳng phải trên thực tế có khá nhiều cán bộ giữ những trọng trách ở trung ương và ở địa phương khi bị phát hiện có sai phạm với những tài sản bất minh cũng chỉ rút kinh nghiệm, luân chuyển, cùng lắm là cách chức đó sao?

Trên diễn đàn Quốc hội cũng có một số đại biểu đưa ra ý kiến hết sức thẳng thắn rằng, sợi dây rút kinh nghiệm như một “bảo bối” mà khá nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị dùng nó để xuê xoa, bỏ qua, hay nói một cách huỵch toẹt ra là tha bổng cho người vi phạm.

Và cũng bởi sợi dây rút kinh nghiệm dài vô tận rút mãi không hết nên vấn nạn tham nhũng mới không thể ngăn chặn, đẩy lùi trong thời gian qua.

Có đại biểu Quốc hội còn đặt vấn đề một cách gay gắt rằng, vì sao khối tài sản bất minh trị giá tới hàng trăm tỷ đồng mà chỉ cần giải thích có nguồn gốc từ nuôi lợn, chạy xe ôm, buôn chổi đót... cũng được các cơ quan chức năng chấp nhận, không tiếp tục truy xuất nguồn gốc. Nếu nuôi lợn mà giàu thế thì nước ta đã ở trong top các nước phát triển rồi.

Thực tế là vậy, song khi soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cơ quan chủ trì lại vẫn chỉ đưa ra hình thức xử lý người khai báo không đúng, còn việc truy xuất nguồn gốc tài sản bất minh lại vẫn được bỏ ngỏ như hiện nay.

Điều này khiến không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra ngạc nhiên và băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo luật cần quy định rõ các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm điều tra, xác minh những khối tài sản khổng lồ mà chủ nhân của nó không thể giải trình nguồn gốc, để từ đó đưa ra kết luận là tài sản đó là hợp pháp hay do tham nhũng mà có. Nếu xác định đó là tài sản tham nhũng thì phải lập tức thu hồi trả lại ngân sách nhà nước.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, để truy đến cùng nguồn gốc tài sản là vô cùng khó và khó thực hiện được. Xin thưa ngay rằng đó chỉ là sự biện bạch khiên cưỡng khó có thể chấp nhận.

Tại sao không thể truy xuất nguồn gốc tài sản của cán bộ khi mà chúng ta vẫn yêu cầu kê khai tài sản hàng năm? Nếu kê khai tài sản thực chất thì việc kiểm soát tài sản của cán bộ đâu có quá khó?

Chẳng hạn, trước khi được bổ nhiệm vào một vị trí công tác có khả năng tham nhũng, người được bổ nhiệm buộc phải khai báo tài sản hiện có (bao gồm cả của bản thân, vợ, con...), sau đó nếu phát hiện có tài sản lớn hình thành nhanh chóng thì yêu cầu giải trình, nếu không giải trình được tức là tham nhũng và đương nhiên là phải tịch thu.

Còn nữa, trong quá trình giữ vị trí lãnh đạo, nếu được bố, mẹ, vợ, con, người thân tặng, cho, hoặc có sự dịch chuyển tài sản lớn cũng lập tức phải khai báo bổ sung, nếu không khi phát hiện cũng sẽ bị coi đó là tài sản tham nhũng phải sung công quỹ.

Nếu làm chặt như vậy thì làm sao có chuyện “quên”, “khai sót” tài sản như một số cán bộ ở các tỉnh, thành phố, kể cả ở Trung ương như thời gian vừa qua.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hành lang pháp lý cần phải chặt và “rắn”. Lấy ví dụ, một cán bộ trong thời gian đương chức được ông bà nhạc cho một khối tài sản trị giá lớn, nhưng do “bận trăm công nghìn việc”, nên quên mất không khai báo bổ sung khối tài sản nói trên, thì cũng cần xem xét tịch thu sung công quỹ.

Tóm lại, mỗi cán bộ có chức, có quyền, có khả năng tham nhũng đều cần phải có “mã vạch” tài sản. Nói một cách dễ hiểu là trước khi anh ngồi vào một cái “ghế” nào đó thì buộc phải “trưng” ra tất cả tài sản mà anh có, nếu anh “quên” thì sẽ bị tịch thu. Đó được coi là mã vạch tài sản ban đầu.

Trong quá trình công tác nếu có dấu hiệu tham nhũng chỉ việc “quét mã vạch” đã lưu trước đó, nếu tài sản phát sinh không giải trình được tức là tham nhũng, cần phải thu hồi tài sản và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới có thể kiểm soát tài sản cán bộ và phòng, chống tham nhũng.

ma vach tai san Thu hồi tài sản bất minh: Nếu kẻ tham nhũng vẫn \'lời\'

Phải cho người tham nhũng thấy được, họ đã tham nhũng là sẽ bị phạt, bị lỗ. Phải tịch thu, kê biên hết toàn bộ ...

ma vach tai san Tố cáo sao phải viết \'đơn\'!

Theo ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc tố cáo các hành vi vi phạm ...

ma vach tai san \'Lò chống tham nhũng không nên đốt dàn trải\'

Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, "cái lò chống tham nhũng phải được gia cố để giữ nhiệt, nhưng không nên đốt dàn trải".

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ma-vach-tai-san-386688

/ Lê Anh Đức/daidoanket