Trước nhiều vấn đề gây tranh cãi về kỳ thi THPT quốc gia, Thường vụ Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Chiều 8/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, tiếp thu ý kiến của đại biểu, từ chỗ chỉ sửa, bổ sung một số điều, cơ quan soạn thảo đã mở rộng phạm vi sửa toàn diện Luật Giáo dục.
Bà Phóng đề nghị đại biểu cho ý kiến nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục phổ thông mà đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.Ảnh: Trung tâm thông tin của Quốc hội.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho hay, kỳ thi THPT quốc gia hiện có hai luồng ý kiến. Luồng thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn của học sinh. Luồng thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp để giảm áp lực, tốn kém. Cơ quan thẩm tra ủng hộ luồng quan điểm thứ nhất, giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình với phương án giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nếu muốn tốt nghiệp phải học ngay từ lớp 10. Do vậy không vì tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt tới gần 98% mà bỏ thi. Tôi ủng hộ nên thi”, ông Giàu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh “học là phải thi, nếu không khó đảm bảo chất lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng kỳ thi THPT quốc gia hai trong một như hiện nay là chủ trương hoàn toàn đúng, nếu có vấn đề thì phải “uốn chỉnh”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt hàng loạt câu hỏi: Vì sao phải tổ chức thi tốt nghiệp? Tổ chức thi mà 98% đỗ, 2% trượt thì có nên chăng? Nếu bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng dạy và học THPT sẽ thế nào? Bộ Giáo dục có dám khẳng định không thi thì chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo? Bà Hải cho rằng nếu không đảm bảo được sự nghiêm túc thì loại ngay phương án bỏ thi.
Cho rằng kỳ thi tuyển sinh đại học như trước đây là nghiêm túc nhất, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cân nhắc phương án thứ ba tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học. “Người ta vẫn tiếc nuối kỳ thi đại học. Việc này cần thận trọng cân nhắc, có thời gian lấy ý kiến người dân”, bà Hải nói.
Lùi thời gian thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 7
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, Luật Giáo dục rất quan trọng, tác động tới mọi đối tượng xã hội. "Nếu trước đây ta có thể thông qua luật ở hai kỳ họp, nhưng nay nhiều chính sách mới nên phải thông qua ba kỳ họp. Kỳ họp tới tiếp tục lấy ý kiến, sau đó tổ chức hội nghị tiếp thu và thông qua ở kỳ họp thứ 7 đầu năm 2018", ông Lưu nói.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Uông Chu Lưu đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá các kỳ thi trước đây, tham khảo kinh nghiệm thế giới để đưa ra phương án, “chứ giáo dục mà thay đổi thường xuyên thì không tốt. Cũng như sách giáo khoa mà năm nào cũng đổi là không tốt”.
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Ngọc Thành.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề cần xin ý kiến nhân dân, chuyên gia để có quyết sách đúng, trúng. “Kỳ họp thứ 6 này quyết hơi sớm, chưa chín, cá nhân tôi cho rằng nên lắng nghe tiếp để tìm ra giải pháp thấu đáo”, ông Phúc nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 với nhiều tiêu cực ở một số tỉnh, người dân rất quan tâm tới Luật Giáo dục sửa đổi. "Cử tri cần một nền giáo dục có tính ổn định chứ năm nào cũng thay đổi tùm lum lo lắm. Sách giờ năm nào cũng đổi tốn tiền lắm. Nói chung Luật Giáo dục phải cho qua sau ba kỳ họp cho chắc chắn”, bà nói.
Lắng nghe tất cả góp ý, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xin tiếp thu các ý kiến. Cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, ông Nhạ xin lùi trình dự án luật sang kỳ họp thứ 7 để chuẩn bị.
Chốt lại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: “Kể cả ở kỳ họp thứ 7 chưa thống nhất thì dự luật có thể phải lùi sang kỳ họp thứ 8. Còn một phiên họp Thường vụ trước kỳ họp thứ 6, lúc đó sẽ quyết định cho lùi hay không. Còn từ giờ tới lúc đó Chính phủ vẫn tiếp tục chuẩn bị”.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù một số bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.
Chủ tịch QH: Luật Giáo dục (sửa đổi) lùi lại để lấy ý kiến nhân dân
Cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự luật cần giao cho Chính ... |
Xin Bộ trưởng GD&ĐT đừng biến môi trường giáo dục thành nơi làm ăn kinh tế
Liên quan đến nội dung sửa đổi bổ sung luật Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT đã đề xuất đưa cụm từ "giá dịch vụ ... |
Bộ GDĐT nói gì sau khi đề xuất thay “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” không được đồng thuận?
Bộ GDĐT vừa có phản hồi sau khi đề xuất đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo” gây xôn xao nghị ... |