Xin Bộ trưởng GD&ĐT đừng biến môi trường giáo dục thành nơi làm ăn kinh tế

Liên quan đến nội dung sửa đổi bổ sung luật Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT đã đề xuất đưa cụm từ "giá dịch vụ đào tạo” thay cụm từ “học phí” khiến dư luận dậy sóng.

Trước đó, bộ GTVT có thay đổi tên gọi “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT” gây xôn xao dư luận. Vậy phải chăng, bộ GD&ĐT cũng đang "học tập" theo bộ GTVT đánh đố người dân?

Tuy nhiên, phát biểu của ngài Bộ trưởng càng khiến dư luận hoang mang. Ông Nhạ khẳng định, đây không phải là việc đổi tên giống như từ “trạm thu phí” thành "trạm thu giá”, mà là thực hiện theo luật.

Tức “học phí” có nội hàm khác và “giá dịch vụ đào tạo” có nội hàm khác, hai vấn đề này khác nhau. Nội dung này đang được bàn và phải đưa ra cách gọi “thuận và phản ánh đúng bản chất” nhất.

Như chúng ta vẫn thấy, xưa nay giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu ở nước ta, luôn là đối tượng được khuyến khích sáng tạo đổi mới. Thế nhưng, ngành giáo dục có đang thực sự “đổi mới” theo hướng tích cực phát triển đi lên trong việc đào tạo hiền tài?

xin bo truong gddt dung bien moi truong giao duc thanh noi lam an kinh te

Vấn đề "giá dịch vụ giáo dục" đang vấp phải làn sóng phản ứng.

Thật máy móc khi áp dụng không đúng hoàn cảnh, thật máy móc nếu Bộ vẫn nhất quyết giữ cách gọi “giá dịch vụ đào tạo”, thay vì gọi là học phí cho thuận và không ngại phản ứng từ dư luận.

Người dân chỉ hiểu đơn thuần là thu tiền theo giá dịch vụ hoặc thu phí theo giá dịch vụ đó, chứ không có khái niệm nào là “thu giá dịch vụ” cả. Giá dịch vụ chỉ là một bảng giá, giữa ngữ nghĩa đã hoàn toàn khác nhau. Người bình thường cũng có thể hiểu được điều đó.

Nội hàm của “học phí” rất ngắn gọn và súc tích đó chính là trả phí cho việc học. Thế nhưng khi đưa ra cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” cho thấy sự lệch lạc về nghĩa, hiểu sai tiếng mẹ đẻ, sai cả chủ trương đường lối của Nhà nước.

Không thể biến đào tạo thành dịch vụ, không thể coi việc đào tạo nhân tài cho đất nước thành công cụ để kinh doanh.

Chẳng lẽ, vì thế mà nhà trường có thể tăng cũng có thể giảm “giá dịch vụ đào tạo” hay sao? Đổi tên “phí” thành “giá” thực chất là điển hình cho việc đánh tráo khái niệm nhằm mục đích “tận thu” đối với sinh viên.

xin bo truong gddt dung bien moi truong giao duc thanh noi lam an kinh te

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Chúng ta cũng không thể nhầm lẫn giữa giáo dục chân chính và giáo dục thương mại. Từ xưa đến nay, giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu, có Nhà nước hỗ trợ.

Nếu thu đúng, thu đủ giá dịch vụ tức là Nhà nước đầu tư cho giáo dục cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đầu tư tất cả các khoản khổng lồ mà sâu xa thì đó chính là thuế của dân đóng. Tại sao lại có thể ngang nhiên nói thu đủ giá dịch vụ được?

Tại sao ngành giáo dục lại có thể dùng khối tài sản lớn của Nhà nước đầu tư, mà thực chất là của nhân dân, rồi coi giáo dục cũng là một thứ dịch vụ. Nói cách khác, tư duy của giáo dục không thể bị đánh đồng với bản chất của một con buôn.

Một nền giáo dục văn minh là nền giáo dục hạ học phí ở mức thấp nhất, thậm chí là miễn phí học phí. Thay vì chỉ chăm chăm hướng đến thu “giá dịch vụ”, tại sao chúng ta không hướng tới một nền giáo dục phi lợi nhuận?

Tư lệnh ngành giáo dục, ngài nên chú trọng dồn công sức cho việc phát triển nhân tài, trường học, các cấp... thay vì biến môi trường giáo dục thành nơi làm ăn kinh tế, bởi như vậy giáo dục sẽ không phát triển đi lên được.

Không phải lĩnh vực ngành nghề nào cũng thương mại hóa hết được, không phải cái gì muốn cũng quy ra "giá", "thu giá" rồi "giá dịch vụ" được.

Không biết sắp tới có xuất hiện thêm một loại "giá” nào nữa hay không…?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Thục Nguyên

/ http://www.nguoiduatin.vn