Gần 3 năm qua, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã qua 7 lần góp ý, điều chỉnh nhưng đến giờ dự thảo vẫn là dự thảo.
Sự chậm trễ, kéo dài quá lâu này không chỉ làm cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải sốt ruột mà vô tình tạo ra lợi thế cho một vài DN hưởng lợi. Chính vì vậy mà vừa rồi, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam mới có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86.
Một trong những nội dung của dự thảo bị dư luận đặt dấu hỏi lớn nhất chính là sự thiếu nhất quán trong việc định danh Grab là loại hình gì.
Sở dĩ phải định danh Grab là loại hình gì xuất phát từ việc Bộ GTVT cho ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 về ban hành "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng". Kế hoạch này được ban hành theo đề xuất của Công ty TNHH GrabTaxi (nay là Công ty TNHH Grab). Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án 24 đã bộc lộ rất nhiều bất cập liên quan đến loại hình hoạt động của Grab. Theo Đề án 24, Grab là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; chủ trì việc "Cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động cho lái xe được DN, HTX ủy quyền giao kết hợp đồng vận tải". Các DN vận tải, tài xế Grab kết nối với khách hàng thông qua "hợp đồng vận tải điện tử".
Thế nhưng, trên thực tế, Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hoạt động vận tải mà đã điều hành trọn vẹn một quy trình vận hành của DN taxi. Giữa tài xế và hành khách cũng không tồn tại cái gọi là "hợp đồng vận tải điện tử" như Đề án 24 đặt ra. Ngoài ra, Đề án 24 cũng tạo ra sự thiếu công bằng trong cạnh tranh, nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Mặc dù có rất nhiều khiếm khuyết về chính sách trong Đề án 24 nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ GTVT lại kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thí điểm, đến nay đã hơn 3 năm. Không chỉ được kéo dài thời gian thí điểm, Grab còn mở rộng địa bàn thí điểm từ 5 tỉnh, thành (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh) lên 15 địa phương. Điều này gây ra mâu thuẫn ngày càng trầm trọng giữa Grab và các DN kinh doanh vận tải, nhất là DN taxi.
Để chấm dứt sự mâu thuẫn giữa Grab và các DN vận tải, đồng thời chấm dứt tồn tại sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh vận tải, trong khi chờ Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 86, Bộ GTVT nên chấm dứt Đề án 24.
Trong một nhà nước pháp quyền, không thể có tình trạng bất bình đẳng về chính sách giữa các DN. Nếu xác định Grab là đơn vị kinh doanh phần mềm thì DN này không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật kinh doanh vận tải và "trả" về Bộ Công Thương quản lý. Ngược lại, Grab và những DN hoạt động tương tự Grab phải được định danh là kinh doanh vận tải và khi đó phải bình đẳng với các DN kinh doanh vận tải.
Kim Phượng
Grab được SoftBank rót thêm 1,5 tỷ USD, quyết thắng Go-Jek ở Indonesia
Grab sẽ đầu tư một phần đáng kể trong số vốn vừa huy động được vào thị trường Indonesia, sân nhà của đối thủ lớn ... |
Lần đầu Grab công bố số tiền rót vào Việt Nam sau 5 năm
Grab cho biết từ khi vào Việt Nam năm 2014 đến nay đã đầu tư hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, hãng này không công ... |
Grab cán mốc doanh thu 1 tỷ USD
CEO Anthony Tan cho biết, kế hoạch của Grab năm nay là bắt tay các đối tác lớn và mở rộng thêm dịch vụ. |