Lần đầu tiên trong vòng 4 thập niên, Quốc hội Mỹ mở phiên điều trần về quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống.
Một số nhà lập pháp lo ngại về khả năng ra lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ. REUTERS |
Theo AFP, phiên điều trần diễn ra ngày 14.11 với sự tham gia của các thượng nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Chủ trì phiên điều trần là Chủ tịch ủy ban Bob Corker, một nhân vật thuộc đảng Cộng hòa nhưng nhiều lần công khai chỉ trích Tổng thống Donald Trump.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, Quốc hội Mỹ tranh luận về vấn đề này.
Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ có quốc hội có thể tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, với vai trò là tổng tư lệnh, tổng thống Mỹ có đặc quyền ra lệnh tiến hành cuộc tấn công hạt nhân mà không cần có sự cho phép của nhánh lập pháp.
Mặc dù tất cả đều đồng ý rằng tổng thống có toàn quyền bảo vệ đất nước trong trường hợp bị đe dọa, tuy nhiên ông Corker nhấn mạnh lệnh tấn công hạt nhân của tổng tư lệnh một khi được đưa ra sẽ không có cách nào rút lại.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy thì tỏ ra lo ngại rằng nếu tổng thống thiếu bình tĩnh và thiếu tính toán thì có thể đưa ra lệnh tấn công hạt nhân không phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia.
Những lo ngại này khiến giới nghị sĩ đặt ra những tranh luận về thẩm quyền và tiến trình triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ. Theo AFP, cuộc điều trần diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và bản thân Tổng thống Trump cùng nhiều lần đưa ra phát ngôn gây lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Mặc dù băn khoăn về đặc quyền của tổng thống trong tình hình mới, nhưng một số chuyên gia cũng thận trọng rằng sự thay đổi về mặt lập pháp có thể khiến quá trình ra quyết định của tổng thống bị chậm lại trong trường hợp bị đe dọa. Điều này tiếp tục đặt ra vấn đề làm sao để xác định mức độ bị đe dọa tới mức đủ để Mỹ tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu.
Chuyện chưa kể về dàn xe hộ tống Tổng thống Trump ở Việt Nam
Đoàn xe hộ tống Tổng thống Trump dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 có quy mô nhỏ hơn so với dàn xe của Tổng ... |
Vì sao Trump đổi cách gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Sử dụng khái niệm "Ấn Độ - Thái Bình Dương", chính quyền Trump muốn đề cao vai trò của Ấn Độ trong chiến lược kiềm ... |
Chiến lược mới của Tổng thống Trump: Mới rõ nét ở phần thương mại
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ san sẻ trách nhiệm nhiều hơn cho 3 nước Nhật - Australia - Ấn ... |
https://thanhnien.vn/the-gioi/lo-tong-thong-thieu-binh-tinh-thieu-tinh-toan-thuong-vien-my-dieu-tran-quyen-tan-cong-hat-nhan-900214.html