Việc lấy lại sân Chi Lăng không hề đơn giản vì liên quan đến quá trình tố tụng và thi hành án.
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại buổi gặp mặt nói chuyện với các cán bộ hưu trí trung cao cấp là hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên Đà Nẵng, ngày 24/7.
Cũng theo ông Nghĩa, nguyện vọng của nhân dân cũng như lãnh đạo thành phố rất muốn lấy lại sân Chi Lăng vì nơi đây gắn liền với quá trình đấu tranh lịch sử của thành phố. Thế nhưng, việc lấy lại khi đã giao cho nhà đầu tư là không đơn giản.
“Không phải chính quyền nói là chính quyền lấy được ngay. Phải có một quá trình đấu tranh pháp lý nhất định, và quá trình pháp lý đó còn nhiều vấn đề”, ông Nghĩa cho biết.
Ngay cả một số dự án, đất đã giao nhưng chủ đầu tư cũng chậm đầu tư,thì việc lấy lại cũng vướng nhiều quy định của luật như các Luật về đầu tư và luật về quản lý đất đai.
Sân vận động Chi Lăng. Ảnh NLĐ
Ngay cả khi có lòng tin vào quyết tâm của Ban thường vụ cũng như trong khả năng, thì việc đấu tranh cũng cần đúng quy định pháp luật. Quá trình làm phải chặt chẽ, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9, ngày 12/7, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết sân vận động (SVĐ) Chi Lăng đang trong quá trình thi hành án với 14 lô đất “thành 14 mảnh vỡ”.
“Chúng tôi đã báo cáo Thành ủy và HĐND, TP.Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng và lấy lại sân vận động phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, phát triển địa phương”, ông Thơ khẳng định.
Ngay sau đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc chuộc lại sân Chi Lăng chỉ mới là ý tưởng nên địa phương chưa xác định nguồn vốn phải chi trả. Ông khẳng định địa phương sẽ quyết tâm chuộc lại sân vận động Chi Lăng.
"Nguyện vọng của người dân và lãnh đạo thành phố muốn đề xuất Chính phủ lấy lại sân vận động này", ông Dũng nói.
Về câu chuyện trên, trao đổi với Đất Việt, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho biết:
"Đây là tài sản đang trong giai đoạn thi hành án nên địa phương phải tiến hành các bước như xác định chủ sở hữu hợp pháp của 14 lô đất trong sân vận động Chi Lăng, cơ quan nào thụ lý giải quyết vụ việc, quan trọng hơn cả có được sự đồng thuận của các ban ngành hay không?.
Còn Đà Nẵng quyết tâm muốn lấy lại thì vẫn phải làm đúng quy định pháp luật, nếu cơ quan thi hành án đấu giá để lấy tiền thi hành án, thì vẫn phải tham gia như một chủ thể".
Nói cho gọn thì Đà Nẵng muốn mua thì phải có tiền, không có ưu tiên, nên việc mua được hay không tùy thuộc vào nguồn lực địa phương.
Luật sư Hoàng Minh Ngọc - Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết: "Việc thương lượng lấy lại SVĐ Chi Lăng của Đà Nẵng là khá khó khăn vì bản thân họ không có thẩm quyền lấy lại, xin lại.
Chính vì thế, bên cạnh phương án thương lượng, Đà Nẵng nên có thêm phương án chuẩn bị nguồn lực để tham gia quá trình đấu giá thi hành án".
Đà Nẵng muốn lấy lại SVĐ Chi Lăng: Phải có tiền
Thành phố Đà Nẵng phải làm đúng quy trình của pháp luật, còn vấn đề kinh phí để lấy lại còn tùy thuộc nguồn lực ... |
Đà Nẵng thương lượng lấy lại SVĐ Chi Lăng: Cách nào?
Việc Đà Nẵng muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng không thể thương lượng bằng con đường hành chính, dân sự. |