Làm rõ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG trong thời điểm này là cần thiết và cho thấy sự cương quyết làm tới cùng các vấn đề.
Tốc độ kiểm tra sẽ nhanh hơn
Trung ương vừa có chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định đây là một chỉ đạo hết sức cần thiết vào thời điểm này.
Theo ông Thịnh, từ tháng 8/2016, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện dự án này, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên sau gần 1 năm, vẫn chưa có kết luận gì cụ thể từ đoàn kiểm tra khiến người dân bày tỏ nhiều nghi ngại rằng dự án này có điều gì khuất tất đằng sau.
“Vì sao sau gần 1 năm mà Thanh tra Chính phủ chưa có kết luận gì cụ thể? Tại sao có sự chậm trễ này? Liệu rằng việc này có vấn đề gì đằng sau hay không?
Khi Trung ương nhắc lại vần đề lần này, chứng tỏ sự kiên quyết rất lớn của người đứng đầu, thể hiện quyết tâm làm đến cùng và nhanh nhất thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Nó cũng minh chứng cho lời khẳng định chống các hiện tượng tiêu cực, thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản của nhà nước. Chắc chắn với chỉ đạo này thì tiến độ thanh tra, kiểm tra sẽ được đẩy mạnh hơn, đảm bảo tính minh bạch công khai và thậm chí xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan, có sai phạm trong vụ việc”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Chỉ đạo làm rõ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG trong thời điểm này cho thấy sự cương quyết làm tới cùng các vấn đề của Trung ương |
Một vấn đề khác PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhắc đến là số tiền Mobifone bỏ ra để sở hữu 95% cổ phần của AVG.
Ông Thịnh cho hay, theo thông tin được đăng tải công khai trên nhiều tờ báo, Mobifone đã chi ra 8.890 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu AVG, tương ứng mức giá xấp xỉ 25.800 đồng/cổ phần.
“Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, giá trị thực của AVG không thể như giá 2 bên thống nhất với nhau. Người ta đặt nghi vấn giá đã được chốt cao hơn gấp nhiều lần vì những mục tiêu, lợi ích của một nhóm hay một cá nhân nào đó.
Rất nhiều người đã đưa ra tính toán, truyền hình trả tiền của AVG với những chi phí lắp đặt hệ thống đầu DVD cũng như với mạng lưới, nội dung chương trình mà AVG triển khai thì giá thấp hơn nhiều lần so với giá bán. Cái đó là điều đầu tiên chúng ta cần phải xem lại theo luật kinh tế.
Thứ hai, cần phải làm rõ xem đằng sau vụ mua bán cổ phần AVG có những vấn đề ẩn khuất giữa 1 số cá nhân, tổ chức hay không? Theo tôi những phương thức này không mới nhưng nó vẫn qua mắt được những người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp nhà nước”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Làm rõ 2 mục tiêu lớn
Tiếp tục phân tích, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thương vụ mua bán giữa Mobifone và AVG, các cơ quan có trách nhiệm phải làm rõ 2 điểm: mục tiêu mua cổ phần hóa và giá trị cổ phần.
Theo ông Thịnh, nếu chúng ta làm một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch thì hoàn toàn có thể tìm ra những vấn đề đằng sau 2 vấn đề trên.
“Tôi xin nhắc lại là dư luận đã đặt ra vấn đề giá trị thực trong bản hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy giá lên cao hơn. Ở đây nếu Mobifone cổ phần hóa được và đẩy ra thị trường thì rõ ràng sẽ chính thức hóa được giá trị của doanh nghiệp. Từ đó phần lợi ích thu được có thể rơi vào túi của các cá nhân hoặc các nhóm lợi ích và việc này sẽ được hợp thức hóa.
Và khi có quyết định thanh tra thì việc cổ phần hóa bắt buộc phải dừng lại. Chúng ta hi vọng sẽ sớm nhận được các văn bản mang tính chất công khai, minh bạch đằng sau những vụ việc của AVG”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong trường hợp cơ quan chức năng sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra kết luận có sai phạm trong thương vụ mua bán giữa Mobifone và AVG, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị phải xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể theo quy định của pháp luật để tránh những tiền lệ xấu về sau.
“Việc mua bán này nếu trái luật và nghi vấn thổi giá là chính xác thì chúng ta có rất nhiều cách xử lý.
Cụ thể, nếu có thổi giá thì dứt khoát phần chênh lệch đó phải có nhóm người hoặc cá nhân nào đó được hưởng. Việc này làm méo mó và trái với nguyên tắc về quản lý kinh tế. Trước hết, chúng ta cần thu hồi lại những giá trị mà các nhóm lợi ích chia nhau, tránh thất thoát nguồn tài sản của nhà nước.
Tiếp đến là xử lý thật nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc mua bán này.
Chúng ta có thể xem xét để đưa việc này trở thành vụ án điểm về mua bán, sát nhập các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc thổi giá trước cổ phần hóa trong nền kinh tế hiện nay”, ông Thịnh nêu quan điểm.