Không yêu trò, đừng làm nhà giáo

Nhà trường cũng như một xã hội thu nhỏ mà ở đó, thầy cô giáo chính là những tấm gương cho học sinh noi theo. Nghề giáo không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn đòi hỏi sự đúng mực trong ứng xử sư phạm

Vụ việc cô giáo Trần Thị Minh Châu, Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM), suốt 4 tháng không nói một lời nào với học sinh (HS) gây ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ trong nhiều ngày qua. Có ý kiến cho rằng bạo lực học đường, những vụ phụ huynh hành hung giáo viên (GV) liên tiếp xảy ra tạo "sang chấn tâm lý" khiến thầy cô… nói ít đi. Nhiều người lại bảo kỷ cương trường học không còn như trước dẫn đến quan hệ thầy - trò, nhà trường và phụ huynh đổ vỡ. Vậy làm thế nào để hàn gắn, để truyền thống tôn sư trọng đạo được phát huy?

Lấy tình thương để cảm hóa

Nhà trường cũng như một xã hội thu nhỏ, là nơi kết nối các mối quan hệ. HS đến trường đi học, ngoài việc được học chữ còn học những kỹ năng khác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Ở đó, thầy, cô giáo chính là những người lớn, những tấm gương cho HS noi theo.

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, GV Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP HCM), cho rằng chính vì mối liên kết đó nên nếu mối quan hệ thầy - trò không mấy tốt đẹp thì quá trình hình thành nhân cách, trí tuệ, cảm xúc của HS sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. "Nghề giáo không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn đòi hỏi sự đúng mực trong ứng xử sư phạm. Đã không yêu nghề, yêu HS thì không nên theo nghề giáo. Mình thương các con thì các con sẽ luôn cảm nhận được" - cô Ngọc bày tỏ.

Các chuyên gia, nhà tâm lý cho rằng dù xã hội có hiện đại đến đâu, GV có chuyên nghiệp đến mấy, bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng nên bắt đầu từ tình thương. Chỉ có tình thương mới cảm hóa được tất cả. Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), chia sẻ: "Chúng ta dạy học vì cái tâm, đối xử với học trò như con, như em thì học trò cũng sẽ thương chúng ta như thế. Cho đi thì sẽ được nhận lại, các em đủ tinh tế để cảm nhận được".

Theo thầy Đức Anh, không ai nghĩ giáo dục khắc nghiệt là tốt, bởi tình thương có sức cảm hóa rất lớn. Bản thân GV phải là người hiểu điều đó rõ nhất để có biện pháp giáo dục đúng đắn. Tất nhiên, tính cách HS không giống nhau nhưng không nên đánh đồng. Chúng ta mắc lỗi rất lớn là giáo dục đánh đồng trong khi mỗi HS là một cá thể riêng biệt với cá tính riêng. Bản thân mỗi GV cũng có cuộc sống riêng, với những nỗi buồn lo, hạnh phúc khác nhau nhưng khi lên lớp thì cần bỏ qua hết. Có như vậy, cảm xúc cá nhân người thầy mới không ảnh hưởng đến học trò" - thầy Đức Anh trăn trở.

khong yeu tro dung lam nha giao

Cô và trò Trường THPT Lương Thế Vinh (TP HCM) trao đổi vui vẻ với nhau trong tiết học Ảnh: TẤN THẠNH

Hàn gắn bằng cách nào?

GV một trường THPT tại quận 3, TP HCM thẳng thắn nêu lên thực tế: Mối quan hệ rời rạc, lỏng lẻo, ăn miếng trả miếng giữa nhà trường - phụ huynh, giữa thầy - trò như những thông tin gần đây là một bước lùi của giáo dục. Truyền thống tôn sư trọng đạo, thương trò như thể thương con mất dần giá trị bắt nguồn từ sự thực dụng và phương pháp quản lý của người lãnh đạo có vấn đề. Không ít cha mẹ đóng tiền cho con đi học thì có nếp nghĩ mặc nhiên giao phó, coi như trả tiền thì món hàng phải nhận được ưng ý, ngược lại thì họ phật lòng.

"Nhưng cũng phải nhìn lại rằng trong những trường hợp vừa xảy ra, vai trò, trách nhiệm của người quản lý lúc này ở đâu? Tại sao hiệu trưởng, GV trong trường ngày ngày gặp nhau mà một GV lên lớp im lặng suốt 4 tháng mà không hay biết? Một người hiệu trưởng không có nổi một lần trò chuyện với HS thì làm sao biết các em đang nghĩ gì" - vị này đặt vấn đề.

Để hàn gắn mối quan hệ giữa thầy - trò, nhà trường và phụ huynh có rất nhiều cách, trong đó đối thoại được nhiều trường áp dụng. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết nhà trường thường tổ chức những lần đối thoại giữa ban giám hiệu với phụ huynh toàn trường. Đây là cách hiệu quả nhất để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thậm chí bức xúc của phụ huynh để giải đáp từng khúc mắc. Nó còn là cách kết nối giữa nhà trường với phụ huynh hiệu quả nhất vì cả hai phía vì một mục tiêu chung là giáo dục con em trưởng thành.

"Hội chứng" con cưng

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng bản thân thầy cô giáo đang bị tác động, chi phối bởi 2 cách ứng xử của phụ huynh. Thứ nhất là nhiều phụ huynh có tư trưởng "khoán trắng" con em mình cho nhà trường, thầy cô dù thời gian HS ở trường chỉ bằng 1/3 thời gian trong ngày của các em. Thứ hai là do "hội chứng cưng con" nên một số phụ huynh có thái độ, ứng xử không phù hợp, xúc phạm thầy cô bất cần tìm hiểu nguyên nhân. Những vụ việc bắt cô giáo quỳ 40 phút ở Long An, đánh GV tập sự mang thai ở Nghệ An là do hội chứng này, tác động tiêu cực đến GV. Vì vậy, theo thầy Phú, dù chuyện gì xảy ra các bên cũng nên ngồi lại với nhau để giải quyết từng chuyện, đừng chống đối nhau.

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM:

Mất đi sự trân quý, thiêng liêng

Mối quan hệ thầy - trò ngày càng lỏng lẻo, giống như một bên bán chữ và một bên mua chữ, mất đi sự trân quý, thiêng liêng. Truyền thống người Việt xưa nay là tôn sư trọng đạo, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng là thầy. Người xưa có câu: "Lương sư hưng quốc", tức là thầy có tốt thì quốc gia mới hưng thịnh và phát triển. Nhưng ngày nay, cuộc sống của người thầy không được bảo đảm, nghề không nuôi nổi mình. Người thầy còn tất tả lo cho cuộc sống thì còn đâu thời gian chia sẻ, nắm bắt tâm tư tình cảm của HS…

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phải giao tiếp, tương tác với học sinh

Hành vi, ứng xử của cô giáo Trần Thị Minh Châu là không đáp ứng được chuẩn mực sư phạm và đạo đức nhà giáo. Một hành vi thiếu chuẩn mực như vậy kéo dài trong thời gian khá dài mà tổ bộ môn, lãnh đạo nhà trường không biết để ngăn chặn là điều đáng tiếc.

Trong dạy học, GV luôn phải giao tiếp, tương tác với HS bằng lời nói, cử chỉ ánh mắt để nhận biết được thái độ, phản ứng của các em nhằm điều chỉnh cách thức truyền đạt của mình. Nếu GV không còn cảm hứng dạy học, thiếu kỹ năng và hiểu biết nguyên tắc dạy học mà tiếp tục ở trong ngành sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhà trường cần yêu cầu GV tự đánh giá bản thân, tìm hiểu lý do, động cơ của các hành vi phản cảm để xử lý đúng và rút kinh nghiệm cho các GV khác.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Bài học cho ngành giáo dục

Một GV không thể im lặng tới 4 tháng khi lên lớp, không giảng bài, không trò chuyện với HS. Tôi không hiểu nổi tại sao lại như thế? Dù cô Trần Thị Minh Châu được đánh giá là GV có chuyên môn nhưng việc cô hành xử như vậy trong lớp học là sai hoàn toàn. Nếu thái độ của HS là vô lý, không hợp tác với thầy cô thì cô giáo phải báo cáo hiệu trưởng để tìm cách khắc phục.

Vụ việc cô Châu cũng là bài học nhắc nhở chung cho các nhà trường, cho cả ngành giáo dục. Trường học nào cũng sẽ có chuyện GV, HS không hợp nhau nhưng chuyện này không khó để khắc phục. Nếu cô giáo đó không dạy được thì phải chuyển qua một GV khác giảng dạy, nhà trường đâu chỉ có một GV dạy toán.

Nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục:

Chúng ta đang làm sai nhiều thứ

Tại sao mối quan hệ thầy - trò, nhà trường - phụ huynh ngày càng tổn thương, đổ vỡ? Đó là vì họ không còn niềm tin ở nhau. Họ nghi ngờ, thất vọng lẫn nhau. Đứa trẻ không đạt được mong muốn học tập, phụ huynh không đạt được mong muốn khi con được giáo dục ở nhà trường.

Chúng ta đang làm sai nhiều thứ. Học trò bị áp lực bởi thầy cô, thầy cô áp lực bởi quản lý, quản lý bị áp lực bởi thành tích… Sở dĩ có tình trạng này là vì chúng ta chưa xác định được mục tiêu giáo dục là gì? Một đứa trẻ có thể đầy kiến thức, chữ nghĩa trong đầu nhưng vẫn có thể quay qua đánh thầy, bất hiếu với cha mẹ. Đó là bởi cái thiếu nhất của giáo dục hiện nay chính là giáo dục, nghĩa là vừa giáo vừa dục. Nhưng hiện nay, thầy cô giáo mới chỉ tròn vai là dạy học thôi.

Đ.Trinh - Y.Anh ghi

khong yeu tro dung lam nha giao Vụ dôi dư hơn 500 giáo viên: Cục Nhà giáo họp kín với huyện

Đoàn công tác của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi họp ...

khong yeu tro dung lam nha giao “Ai sủa trong lớp?”: Không tin nổi…

Không thể tưởng tượng nổi, đó là lời của một giáo viên (GV) đứng trên bục giảng, nói với học sinh của mình. Nhưng đó ...

khong yeu tro dung lam nha giao Bạo lực giáo viên gia tăng, trường học như cái chợ: Ai bảo vệ nhà giáo?

Sau vấn nạn bạo hành bác sĩ, đến lượt giáo viên - một nghề vẫn được xem là cao quý - đang phải đối mặt ...

/ https://nld.com.vn