Không mở mỏ sắt Thạch Khê: Những lý do chính đáng

Dự án sắt Thạch Khê chưa đảm bảo về vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn sơ sài và chưa phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị.

Năng lực tài chính chưa đảm bảo

Nhiều tờ báo đưa tin, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê, khi nào có đủ các điều kiện mới thực hiện.

Chiều 10/8, thông tin với Đất Việt, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định kiến nghị trên bắt đầu được tỉnh đưa ra từ tháng 12/2016.

Theo ông Thắng, dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia. Khai thác mỏ sắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh.

Tuy vậy, quá trình triển khai thời gian qua còn nhiều bất cập, quy mô dự án rất lớn, vị trí sát biển, thời gian khai thác mỏ dài nhưng các báo cáo, trình tự thực hiện về đầu tư xây dựng đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, giải pháp huy động vốn và đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội thì mới chỉ quan tâm đến tài chính của dự án. Ngoài ra báo cáo đánh giá tác động môi trường còn sơ sài; chưa phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị.

khong mo mo sat thach khe nhung ly do chinh dang
Hà Tĩnh không muốn mở mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh minh họa

Về năng lực của nhà đầu tư, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, các cổ đông của Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) mới góp được 1.809 tỷ đồng/2.033 tỷ đồng số cần phải góp để đủ vốn đối ứng 30% cho dự án, còn thiếu 224,137 tỷ đồng. Hơn nữa, trong 1809 tỷ đồng vốn góp thì hiện tại chủ yếu là tài sản cố định.

Trong 5 cổ đông của TIC, chỉ có TKV góp đủ vốn huy động, cổ đông Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long góp thiếu 10,023 tỷ đồng với cam kết góp đủ khi dự án khởi động trở lại, 3 cổ đông còn lại không thực hiện nghĩa vụ góp đủ vốn cam kết.

Hơn nữa Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án. Bản thân Tập đoàn TKV cũng đang gặp nhiều khó khăn nên mặc dù TKV và Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long khẳng định sẽ góp thay 3 cổ đông trên khi dự án khởi động trở lại nhưng vốn vẫn là vấn đề đáng lo.

“Thực tế cho thấy tiềm lực tài chính của các cổ đông đang là vấn đề lớn so với yêu cầu về năng lực của chủ đầu tư khi triển khai dự án, trong khi theo tính toán dự án mặc dù đang còn thiếu nhiều hạng mục chưa đưa vào tổng mức đầu tư đã cần huy động 14.517,2 tỷ đồng (6777,4 tỷ đồng cho giai đoạn 1 và 7739,8 tỷ đồng cho giai đoạn 2)”, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Báo cáo ĐTM sơ sài, hiệu quả dự án chưa cao

Về tính pháp lý của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phía Hà Tĩnh cho hay, dự án đã được phê duyệt (ĐTM) tại quyết định số 1753 ngày 23/9/2013 của Bộ TN-MT và được cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước sau đó.

Tuy nhiên từ khi báo cáo ĐTM được phê duyệt đến nay đã hơn 3 năm, nhiều văn bản pháp luật làm căn cứ pháp lý để phê duyệt hiện nay đã hết hiệu lực thi hành. Một số nội dung của báo cáo ĐTM còn chung chung, sơ sài, phần kiến nghị đề xuất chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường.

Vì vậy, cần xem xét, rà soát lại sự phù hợp và việc áp dụng các văn bản pháp luật về môi trường trong triển khai thực hiện trong trường hợp dự án được khởi động lại.

Ngoài ra, theo ông Thắng, trong báo cáo ĐTM xác định có nhiều độc tố. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường phù hợp với từng giai đoạn triển khai dự án, nhất là trong việc đổ thải, lấn biển và xả nước thải ra môi trường.

Đặc biệt, phải có cam kết về tài chính để thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp này.

“Công ty cần xây dựng phương án lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động giám sát các số thông số như: Lưu lượng, pH, COD, SS; các kim loại nặng như: Fe, Pb, Cr, Mn. Kết quả quan trắc tự động phải kết nối với Sở TN-MT, Bộ TN-MT để theo dõi, giám sát nhằm phục vụ công tác giám sát chất lượng môi trường tại khu vực khai thác quặng, nhất là khu vực xả thải.

Đối với quan trắc chất lượng nước biển, nguồn nước tiếp nhận cần đánh giá, nghiên cứu kỹ các điểm xả thải ra sông Thạch Đồng, ra biển Thạch Hải. Đây là vấn đề hệ trọng, đặc biệt sự cố môi trường biển vừa qua đã là bài học lớn cho các cấp, các ngành; vì vậy, cần xem xét bổ sung các vị trí quan trắc ở bên phải và bên trái điểm xả thải để quan trắc tổng thể”, văn bản của Hà Tĩnh nêu rõ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, chủ đầu tư mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ thể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.

Với những hạn chế trên, Hà Tĩnh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung dự án. Đồng thời làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội; phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương; đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước và việc đánh giá và các phương án, giải pháp tổng thể, cụ thể về bảo vệ môi trường...

“Khi chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung trên thì đề nghị chưa khởi động lại dự án; đồng thời quy định thời hạn cụ thể của việc rà soát, đánh giá hoàn thiện các nội dung liên quan của dự án”, đại diện Hà Tĩnh nhấn mạnh.

/ Nguyễn Hoàn/baodatviet.vn