Khi quy hoạch đánh đố và làm khó người dân

Khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khiến nội thành TP.Hà Nội như thỏi nam châm hút dân vào nội đô. Tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng khiến cuộc sống ngột ngạt cũng từ đó mà ra.

Ngày 2.11, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội “Cần phát triển thành một siêu đô thị thông minh, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chặt chẽ, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…”.

Việc xây dựng các nhà cao tầng trong nội đô khiến các đoạn đường trong nội thành Hà Nội ngày càng ùn tắc. Trong ảnh là đường Lê Văn Lương tắc nghẽn giờ cao điểm. Ảnh: THÔNG CHÍ

Dân bức xúc, chuyên gia bất ngờ!

Trong vòng vài tháng trở lại đây, hàng loạt thông tin về các điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội được đưa ra, từ đồ án điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại giao đoàn tăng mật độ nhà cao tầng khiến cư dân căng băngrôn phản đối, đến đồ án cải tạo ga Hà Nội quy hoạch 6 khu nhà cao tầng mọc trên đất ga Hàng Cỏ khiến tất cả từ người dân đến chuyên gia đều bất ngờ.

Điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng

Vào tháng 5.2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Có ô đất điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%.

Hầu hết các ô đất điều chỉnh đều nâng tầng lên gấp 2 hoặc gấp 3, từ 5 tầng lên 15 tầng, 7 tầng lên 27 tầng, hoặc ô đất có chức năng đất đầu mối kỹ thuật, không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng.

Vơí điều chỉnh này, vào giữa tháng 10, cư dân khu Ngoại giao đoàn liên tục căng băngrôn phản đối. Tại cuộc họp với cư dân, ông Nguyễn Đỗ Quý - Phó Tổng Giám đốc Hancorp (Chủ đầu tư khu Ngoại giao đoàn) - khẳng định, việc điều chỉnh là đúng quy trình và được UBND TP phê duyệt. Với lý lẽ này của chủ đầu tư, cư dân khu đô thị này nêu ý kiến, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải có tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân.

Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: P.V

Bà Đỗ Thị Hương Chà - Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo - thừa nhận, 10 người được mời cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch là cư dân thuộc Tổ dân phố số 1, không phải cư dân mua nhà sinh sống trong khu Ngoại giao đoàn, chưa đúng đối tượng. Đến đây, đại diện cư dân cho rằng, việc điều chỉnh này rõ ràng sai quy trình và yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc làm lại.

Tuy nhiên, tham dự cuộc đối thoại với cư dân ngay từ đầu nhưng thời điểm cư dân phản ứng gay gắt với điều chỉnh quy hoạch thì đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã lẳng lặng rời khỏi cuộc họp.

Có Luật mà cố tình làm sai

Vào giữa tháng 9.2017, đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP.Hà Nội thông qua, xin ý kiến các bộ, ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng. Đồ án này đã đưa ra phân vùng chức năng với hàng loạt khu sẽ được xây dựng tại đây như: Khu tài chính, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới, khu nghỉ dưỡng đô thị… với các công trình cao từ 40-70 tầng (chiều cao từ 100-200m).

Việc các khối nhà mọc lên sừng sững cao tới 70 tầng ngay nội đô lịch sử Hà Nội (đường vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố) đã làm dậy sóng phản biện trong giới kiến trúc sư. Với Báo Lao Động, ngay từ khi đồ án công bố đã có hàng loạt bài đưa ý kiến các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư lên tiếng phản đối. Trong đó, Báo Lao Động đặt thẳng nghi vấn có bàn tay vô hình lợi ích nhóm mượn quy hoạch ga nuốt đất vàng.

Dư luận không sững sờ sao được, khi chỉ cách đây hơn một năm, vào tháng 4.2016, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành quy định rõ khu vực ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m) đồng thời, các công trình cao tầng phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

Trước đó, hàng loạt các văn bản có tính pháp lý cao hơn như Luật Thủ đô, Quy hoạch chung TP.Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt cũng từng nêu rõ, hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô lịch sử, từng bước giãn dân ra khỏi nội đô… “Đã có Luật, họ không làm theo Luật thì không còn gì để nói” - ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) - nói với PV Báo Lao Động về đồ án cải tạo ga Hà Nội.

PHÓ CHỦ NHIỆM UB PHÁP LUẬT QUỐC HỘI TRƯƠNG MINH HOÀNG: Không để lợi ích nhóm ảnh hưởng đến quy hoạch!

Vấn đề lập quy hoạch rồi điều chỉnh nhưng sự điều chỉnh này không đúng quy định, sai quy trình, gây ra những hệ luỵ về quy hoạch sau điều chỉnh như quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông, thiếu trường, bệnh viện… Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội - cho hay:

- Vào năm 2018, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội sẽ thực hiện giám sát nội dung Luật Thủ đô, trong đó có vấn đề quy hoạch. Khi giám sát sẽ nghe báo cáo xem có sai sót đến đâu, trách nhiệm thuộc về ai thì đề nghị người đó phải có giải trình làm rõ trách nhiệm. Ví dụ, quy hoạch nhà thấp tầng lại xây thành cao tầng hơn phải làm rõ xem như thế nào. Nếu phá vỡ quy hoạch thế nào thì khi thẩm tra sẽ có kết luận, có kiến nghị đề xuất.

Việc điều chỉnh quy hoạch gây quá tải hạ tầng dẫn tới hàng loạt hệ luỵ như tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng. Tuy nhiên trách nhiệm của người phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không được nhắc đến. Vậy, theo cá nhân ông, cần phải quy định rõ trách nhiệm của người đặt bút ký quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch?

- Trách nhiệm thuộc về ai thì phải chỉ cho rõ, tôi cũng rất mong phải làm rõ như vậy. Như trước đây đã có quy hoạch tổng thể rồi, nhưng giờ làm sai để phát sinh thì trách nhiệm người giám sát đến đâu? Có khi người đứng đầu họ ký với chừng mực cho phép, nhưng chủ đầu tư cố tình thực hiện sai, hoặc quá trình giám sát không chặt dẫn đến sai sót, bởi vậy có thể trách nhiệm có khi không hoàn toàn ở người ký. Vậy thì Uỷ ban Pháp luật Quốc hội sẽ giám sát chỉ ra sai ở chỗ nào. Đương nhiên, nếu cố tình ký sai quy hoạch thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Gần đây dư luận đặt vấn đề có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong quy hoạch. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Không loại trừ. Có thể có lợi ích cho một nhóm người nào đó hoặc theo cách tư duy nhiệm kỳ để mà ký. Bởi vậy khi giám sát phải chỉ ra, nếu phát hiện có lợi ích nhóm sẽ có cách xử lý trực tiếp đến con người cụ thể, nếu sai là tập thể thì cũng phải xử lý.

- Xin cảm ơn ông!

ĐỨC THÀNH thực hiện

Có thể khởi kiện người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch!

Rất nhiều điều chỉnh quy hoạch khi thực hiện gây ra hàng loạt hệ luỵ nhưng người dân hoàn toàn không được biết. Theo Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong trường hợp người dân phải chịu tác động tiêu cực do điều chỉnh quy hoạch gây ra thì hoàn toàn có thể khởi kiện chính bản thân người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch.

Vậy việc điều chỉnh có được phép? Nếu được phép sửa đổi quy hoạch thì phải tuân thủ những điều kiện nào?

- Phải hiểu, nhiều khi quy hoạch không đáp ứng được thực tiễn vì vậy phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải tuân thủ nguyên tắc thông báo rộng rãi cho người dân khu vực có điều chỉnh quy hoạch được biết và phải lấy ý kiến người dân về sự điều chỉnh này. Mặt khác, khi điều chỉnh phải bảo đảm nguyên tắc không được làm tăng mật độ xây dựng so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Nếu việc điều chỉnh này gây ra những hệ luỵ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân như lâu này dư luận nhắc đến như: Tắc đường, thiếu trường, không gian công cộng thì ai chịu trách nhiệm?

- Theo Luật Quy hoạch thì cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó phải có trách nhiệm giám sát quy hoạch và chịu trách nhiệm. Trong Luật không quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi ký quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đây cũng là bất cập cần sửa đổi.

Vậy trong trường hợp người dân trong vùng điều chỉnh quy hoạch khi phát hiện ra những điều chỉnh quy hoạch sai quy định phải làm thế nào?

- Theo tôi, người dân nên nêu ý kiến bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tới các cơ quan giám sát như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Quốc hội. Trong trường hợp chứng minh được rõ ràng việc lập quy hoạch sai quy định gây tác động xấu tới đời sống sinh hoạt, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện người ký quyết định quy hoạch ra Toà hành chính.

THÔNG CHÍ thực hiện

17.000 tỷ xây mới trụ sở: Các bộ ngành đòi phân lô, xây riêng

Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời lên ...

Bộ Giao thông lo ngại quá tải hạ tầng với quy hoạch ga Hà Nội

Bộ Giao thông kiến nghị TP Hà Nội rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số tăng 220% so với ...

Bộ GTVT lưu ý gì ở đồ án ga Hà Nội?

Hàng loạt lưu ý vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chính thức đưa ra trong văn bản góp ý với UBND TP.Hà ...

https://laodong.vn/xa-hoi/khi-quy-hoach-danh-do-va-lam-kho-nguoi-dan-574003.ldo

/ Theo T.Chí-C.Nguyên/báo Lao động