Khi người lớn không gương mẫu

Hôm qua, ngày 11/10, trên toàn thế giới đã diễn ra khoảng 500 sự kiện hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái. Tại Việt Nam, được sự hỗ trợ Tổ chức Plan international, UBND huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và Trao quyền cho trẻ em gái”.

Tại diễn đàn, hàng trăm trẻ em tiểu học, trung học cơ sở, đã tham gia đối thoại với lãnh đạo huyện.

Các em được thể hiện khả năng diễn thuyết trước đám đông về những kiến thức, hiểu biết về quyền của trẻ em, về vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em và cách phòng tránh những nguy cơ.

Nhiều thắc mắc của các em về nhiều nhóm vấn đề đã được lãnh đạo các bộ ngành giải đáp, trả lời, đồng thời đưa ra những định hướng, cam kết cho việc thúc đẩy sự an toàn của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái tại các không gian công cộng.

Bảo vệ quyền trẻ em là một trong những nhiệm vụ luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư về nguồn lực cũng như nhân lực. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em.

Từ đó đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và luật pháp quốc gia, như Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phổ cập giáo dục, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... được ban hành hay sửa đổi đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi của trẻ em.

Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016 đã ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em, được Hiến định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Song bên cạnh những thành tựu đạt được công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện tồn tại không ít thách thức đó là tình trạng trẻ bị bóc lột lao động, xâm hại tình dục...

Đặc biệt sự tha hóa về đạo đức trong một bộ phận các em nhỏ ngày càng có dấu hiệu gia tăng và phức tạp.

Nếu như trước đây, nói đến bạo lực trường học là đề cập các hành vi nóng nảy, sai trái, thiếu kiềm chế của các học sinh nam với nhau thì nay, nữ sinh cũng hành hung, đánh đập nhau ngày càng phổ biến, đặc biệt là tình trạng đánh hội đồng.

Điều đáng buồn là thái độ hờ hững, vô tâm của những học sinh chứng kiến, chỉ đứng xem thậm chí nhiều em còn thích thú ghi hình, cổ xúy thay vì can ngăn.

Không chỉ dừng lại là hành động đánh nhau trong hoặc ngoài lớp học, bạo lực học đường ngày nay còn có một hình thức mới, đó là thóa mạ nhau trên mạng xã hội, khiến vấn đề này càng trở nên đáng sợ hơn khi chúng đeo bám các học sinh về tận nhà trở thành nỗi ám ảnh của không ít các em học sinh.

Hiện có nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội thường “đánh hội đồng” một số cá nhân là học sinh, làm các em bị tổn thương nặng nề về tinh thần.

Trong cả nước đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm cũng chỉ vì đánh hội đồng trên mạng ảo. Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày); cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Trong khi đó, Trung tâm Kỹ năng sống Hoàn Năng dẫn số liệu của một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu trên học sinh 5 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cho biết trung bình 10 học sinh thì có 7 em ở độ tuổi 12-17 trải nghiệm với bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực.

Bạo lực học đường - vì đâu nên nỗi? Bên lề Diễn đàn, trò chuyện với nhiều em học sinh, thật bất ngờ khi chính các em đã hồn nhiên và thẳng thắn cho rằng: Bạo lực học đường bắt nguồn từ chính suy nghĩ và hành động của người lớn.

Để dẫn chứng, nhiều em cho biết, nhiều lần chứng kiến các bạn cãi lộn, đánh nhau thay vì can thiệp, các em chọn cách im lặng vì bố, mẹ dặn làm thế để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Có không ít bạn đánh nhau cũng chỉ vì muốn được bố mẹ chú ý, quan tâm. Thậm chí nhiều em cho biết, bố, mẹ bảo nỗi nhục nhất là để cho bạn bắt nạt...Nghe có vẻ chua xót nhưng đây là một thực tế.

Lâu nay, các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm đến kết quả học hành của con cái, ít quan tâm đến việc các em nghĩ gì, cần gì, phải xử sự như thế nào đối với bạn bè.

Chính sự buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục ở cả phía nhà trường và gia đình cộng với sự du nhập của văn hóa lai căng không chọn lọc đã kéo theo những hệ lụy, những câu chuyện buồn như hiện nay.

khi nguoi lon khong guong mau Nữ sinh cấp 2 bị hành hung, xé áo: Xử lý nóng

"Sau khi kiểm tra cụ thể vụ việc phòng sẽ yêu cầu nhà trường tiến hành xử lý nghiêm đối với những học sinh vi phạm ...

khi nguoi lon khong guong mau 10 dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường

Thường xuyên mất đồ hay nhịn đi vệ sinh tới khi về nhà là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể là nạn nhân của ...

khi nguoi lon khong guong mau Bị đuổi học vì dọa tấn công a xít bạn học trên Facebook

Một trong những đại học lâu đời nhất Scotland đã kỷ luật nặng hàng loạt sinh viên vì đe dọa tạt a xít vào mặt ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/khi-nguoi-lon-khong-guong-mau-382424

/ Lê Minh Long/daidoanket.vn