Huân chương Bắc đẩu Bội tinh Tổng thống Syria vừa trả cho Pháp

Coi Assad là lãnh đạo mới có thể đem đến nhiều cải cách, Pháp quyết định tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho Tổng thống Syria năm 2001.

huan chuong bac dau boi tinh tong thong syria vua tra cho phap
Một huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ảnh: rafu.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 19/4 trả lại huân chương Bắc đẩu Bội tinh mà Pháp đã trao cho ông năm 2001. Giải thích lý do, Assad nói rằng ông không muốn đeo huân chương từ "một nô lệ của Mỹ", sau khi Pháp tham gia cùng Mỹ và Anh không kích Syria ngày 14/4 để đáp trả việc Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

Bắc Đẩu Bội tinh là huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp được Napoleon Đại đế lập ra năm 1802 để tặng thưởng những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Mỗi năm khoảng 3.000 người được trao tặng phần thưởng này, trong đó có khoảng 400 người nước ngoài. Huân chương có 5 bậc, trong đó hạng nhất chỉ có 75 chiếc.

Các bộ trưởng Pháp có trách nhiệm xác định những người xứng đáng được tuyên dương thông qua gợi ý từ các nghị sĩ, thị trưởng, chủ lao động, lãnh đạo công đoàn hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Hội đồng Huân chương sẽ đánh giá xem những người được đề cử có xứng đáng được nhận giải thưởng không.

Không có tiêu chí cố định nhưng hội đồng thường xem xét các yếu tố như người đó có thể đã làm việc xuất sắc trong một lĩnh vực hay phục vụ lợi ích cộng đồng thay vì cá nhân. Những người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ, chẳng hạn như quân nhân, lính cứu hỏa, cứu hộ và cảnh sát cũng được vinh danh bằng hình thức này.

Người nước ngoài có thể trao tặng huân chương nếu họ có đóng góp cho Pháp hoặc ủng hộ những giá trị Pháp bảo vệ chẳng hạn như nhân quyền, tự do báo chí hay nhân đạo. Pháp cũng trao huân chương cho các nguyên thủ, lãnh đạo nước ngoài theo đuổi chính sách đối ngoại phù hợp với lợi ích của Pháp. Các nguyên thủ nước ngoài đến thăm Pháp thường được trao huân chương như một cách để tăng cường quan hệ ngoại giao.

Những người bị kết tội hình sự hoặc có bất kỳ hành động nào không đáng tin cậy hay gây tổn hại đến lợi ích của Pháp có thể bị tước huân chương. Chỉ có tổng thống Pháp mới có quyền tước huân chương của người nước ngoài.

Quan hệ trắc trở

Pháp và Syria có lịch sử quan hệ lâu dài. Syria từng là nhà nước ủy trị của Pháp trong hai thập niên sau Thế chiến I. Sau khi Syria độc lập vào tháng 4/1946, quan hệ hai nước khá tốt đẹp nhờ bối cảnh lịch sử và giao lưu văn hóa.

Tháng 6/2000, sau khi Tổng thống Syria Hafez al-Assad qua đời, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã tham dự tang lễ của ông, trở thành người đứng đầu chính phủ phương Tây duy nhất làm vậy.

Bashar al-Assad lên nắm quyền sau khi bố mình qua đời. Ông từng học tại Bệnh viện mắt Western Eye ở London và sau đó vào học viện quân sự ở Homs. Phương Tây khi đó kỳ vọng ông là một "làn gió mới" và nhà cải cách tiềm năng mang đến những thay đổi chính trị cho Syria.

"Chirac khi đó dường như đặt nhiều hy vọng rằng sự bắt đầu của thế hệ lãnh đạo mới sẽ dẫn đến những tiến bộ cho Trung Đông", cây bút Julie Boulet viết trên trang Worldcrunch.

huan chuong bac dau boi tinh tong thong syria vua tra cho phap
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Paris năm 2001. Ảnh: AFP.

Khi thăm Pháp năm 2001, ông Assad được ông Chirac trao huân chương Bắc đẩu Bội Tinh hạng nhất. Tuy nhiên, động thái này không được công bố. 8 năm sau, đại sứ quán Syria ở Pháp mới hé lộ việc này.

Quan hệ Pháp - Syria tụt dốc khi sau khi cựu thủ tướng Lebanon bị ám sát tại Beirut tháng 2/2005. Ông Chirac cho rằng chính quyền Syria đứng sau vụ việc và nước này bị Paris cô lập ngoại giao.

Hy vọng của phương Tây về Assad cũng bị dập tắt khi ông này được cho là đã đàn áp bạo lực người biểu tình Mùa xuân Arab, dẫn đến cuộc nội chiến Syria. Pháp kêu gọi Assad từ bỏ quyền lực và viện trợ quân sự cho lực lượng đối lập. Tháng 8/2013, khi chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học ở Ghouta, Paris kêu gọi quốc tế phản ứng quân sự nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối hành động.

Khác với Obama, Trump đã có cách phản ứng mạnh mẽ hơn sau khi chính quyền Syria bị cáo buộc tấn công hóa học khiến hàng chục người chết ở Douma ngày 7/4. Mỹ cùng với Anh và Pháp đã phóng 105 tên lửa để tấn công ba cơ sở mà họ cho là liên quan đến vũ khí hóa học ở Syria. Chính quyền Assad nhiều lần bác bỏ dùng vũ khí hóa học và lên án cuộc tấn công của liên quân là vi phạm luật pháp quốc tế.

Pháp ngày 16/4 thông báo kế hoạch tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Assad. Tuy nhiên, trước khi Paris kịp đưa ra thông báo chính thức, Assad đã trả lại huân chương cho Pháp. "Kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011, Assad đã đi theo một chiến lược nhất quán: không bao giờ thỏa hiệp, dù chịu áp lực nhẹ hay nặng đến thế nào". Roula Khalaf, biên tập viên của FT viết.

Phương Vũ

huan chuong bac dau boi tinh tong thong syria vua tra cho phap Pháp muốn tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Tổng thống Assad

Chính phủ Pháp lên kế hoạch tước phần thưởng cao quý nhất nước này trao tặng cho Tổng thống Syria cách đây 17 năm.

/ VnExpress