Liên quan tới vụ VinaSun kiện đòi GrabTaxi bồi thường 41 tỉ đồng, tòa án lại vừa triệu tập GrabTaxi đến tòa. Tuy nhiên, đại diện GrabTaxi cho rằng, sẽ cử đại diện tới tòa như giấy triệu tập. Và chỉ coi đây là buổi làm việc, trao đổi giữa tòa và các bên có liên quan đến vụ tranh chấp, và không phải là một phiên xét xử.
Tòa án nhân dân TPHCM Xử vụ taxi Vinasun kiện Grab hồi tháng 2 vừa qua.
Cách đây 2 tháng (7.2.2018), phiên tòa của Tòa án nhân dân TPHCM xử sơ thẩm vụ tranh chấp, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Cty Ánh Dương-VinaSun), đơn vị sở hữu thương hiệu taxi VinaSun đối với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) kết thúc mà không phải bằng một bản án.
Thẩm phán Lê Công Toại - chủ tọa phiên tòa - đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đợi kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ từ Sở GTVT, Sở KH-ĐT TPHCM và Bộ GTVT theo yêu cầu của Tòa án nhân dân TPHCM.
Quyết định của tòa cũng nói rõ, các bên liên quan có thể kháng cáo, kháng nghị Quyết định tạm đình chỉ xét xử trong 7 ngày. Nhưng điều này không xảy ra.
Tại phiên xử hồi tháng 2.2018, phía VinaSun là nguyên đơn nói rằng, các tài liệu kiểm toán thể hiện, lợi nhuận năm 2016, quý I và II.2017 của doanh nghiệp này bị mất 75 tỉ đồng. Tổng số thiệt hại do GrabTaxi gây ra cho VinaSun trong năm 2016, quý I và II.2017 số tiền trên 41 tỉ đồng và yêu cầu tòa tuyên buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại.
Phía GrabTaxi cho rằng, để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, VinaSun phải cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ. Đối với cáo buộc cho rằng GrabTaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, phía bị đơn lập luận rằng, Cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ GTVT.
GrabTaxi cũng nói VinaSun chưa cung cấp được quyết định của cơ quan quản lý về giao thông vận tải về hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi.
GrabTaxi hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi đệ trình.
Trong một lần đề cập tới vụ kiện vào ngày 27.4, ông Tạ Long Hỷ (Phó Tổng giám đốc VinaSun) nói: “Sau hai năm đằng đẵng đấu tranh đòi công bằng, cuộc chiến với GrabTaxi sắp đến hồi kết. Bây giờ, VinaSun tự tin đứng vững trên hai chân của mình và bắt đầu chiếm lại thị trường”.
Được biết, sau 2 tháng đình chỉ, Tòa án nhân dân TPHCM đã có giấy triệu tập GrabTaxi đến tòa này vào ngày 4.5 tới. Theo đại diện GrabTaxi, đơn vị này sẽ cử đại diện tới tòa như giấy triệu tập.
Trao đổi với phóng viên, đại diện GrabTaxi cho biết, Grab Việt Nam đã nhận thông báo Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục thụ lý tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Chúng tôi sẽ cử đại diện tới tòa vào ngày 4.5.2018 theo như giấy triệu tập. Chúng tôi hiểu rằng, theo giấy triệu tập, đây chỉ là buổi làm việc, trao đổi giữa tòa và các bên có liên quan đến vụ tranh chấp, và không phải là một phiên xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tòa và các cơ quan chức năng có liên quan”.
Liên quan việc liệu Grab có vi phạm các quy định như phía Vinasun cáo buộc hay không, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này không thuộc phạm vi xử lý của vụ kiện mà thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Để làm rõ các khái niệm kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là khi thương hiệu taxi công nghệ “nhảy” vào thị trường Việt Nam, cần phải xây dựng khuôn khổ cho việc triển khai thực hiện dịch vụ xe hợp đồng điện tử và công việc này thuộc trách nhiệm của nhà chức trách.
Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện nay Grab và Uber tham gia hoạt động kinh doanh taxi tại Việt Nam nhưng bị ràng buộc ít điều kiện hơn so với các hãng taxi truyền thống.
Chính vì thế, những đơn vị kinh doanh taxi truyền thống cảm thấy bất công là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất sự việc, thấy rằng, Việt Nam chưa có luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi công nghệ, chứ không phải họ vi phạm pháp luật.
“Sau thời gian thí điểm, đến nay họ vẫn được hoạt động, có nghĩa rằng họ không vi phạm pháp luật. Nếu có thể phía doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nên phản ánh, khiếu nại hay khởi kiện cơ quan chức năng, chứ không phải đi khởi kiện Grab hay Uber”, ông Liên nói.
VinaSun cáo buộc Grab cạnh tranh “không lành mạnh” như thế nào?
Báo cáo tài chính mới nhất, năm 2017 Vinasun chỉ đạt được 73% kế hoạch doanh thu. Hãng này dự báo doanh thu năm 2018 tiếp tục giảm 1.000 tỉ đồng.
Số liệu từ báo cáo tài chính, doanh thu và lợi nhuận kinh doanh của VinaSun năm 2017 đạt 2.937 tỉ đồng, giảm 1.582 tỉ đồng so với năm 2016 (giảm 35%) và chỉ đạt 73% kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ đạt 189 tỉ đồng, giảm gần 40% so với 2016 và chỉ đạt 92,37% so với kế hoạch. Số xe đầu tư trong năm 2017 là 567 chiếc, giảm 41.57% so với 2016, đạt 75.6% so với kế hoạch. Trong khi đó, doanh nghiệp này lại tăng số xe thanh lý. VinaSun quyết định thanh lý 1.293 (kế hoạch ban đầu sẽ thanh lý 1.050 xe).
Như vậy, doanh thu của VinaSun giảm sâu so với các năm trước đây. Nếu như năm 2014, VinaSun đạt doanh thu 3.770 tỉ đồng, năm 2015 là 4.252 tỉ đồng, năm 2016 là 4.520 tỉ đồng thì năm 2017 chỉ còn 2.692 tỉ đồng.
Theo báo cáo, VinaSun cho rằng, hoạt động kinh doanh taxi của hãng này bị ảnh hưởng từ việc cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài. VinaSun cho rằng các công ty nước ngoài này (ám chỉ Grab) cạnh tranh “không lành mạnh” bằng giá thấp phi lý, liên tục dùng nguồn tài lực để khuyến mãi cho khách hàng, tài trợ cho chủ xe, lái xe nhằm xâm chiếm thị phần của các công ty nước ngoài.
Điều này được thể hiện thông qua các chỉ số, như số lượng cuộc gọi bình quân hàng ngày đến hãng này đã giảm 25% trong năm qua, hiện tại chỉ còn khoảng 36.000 lượt (năm 2016 là (năm 2016 là 48.521 lượt). Bình quân lượt khách qua điểm tiếp thị cũng giảm 8%, từ 39.803 lượt năm 2016 xuống còn 36.542 lượt năm 2017.
Số xe kinh doanh bình quân giảm nhẹ 0,3%, từ 6.057 lượt năm 2016 xuống còn 5.874 lượt năm 2017. Tổng nguồn vốn của VinaSun cũng giảm từ 3.183 tỉ đồng xuống còn 2.816 tỉ đồng, giảm 11.52% so với năm 2016.
VinaSun cho biết, ngoài việc bị cạnh tranh bởi các công ty nước ngoài, còn có những yếu tố nội tại, như giá xăng trong năm thay đổi 19 lần, 6 tháng đầu năm giá xăng giảm 1.090 đồng/lít, 6 tháng cuối năm giá xăng lại tăng 2.080 đồng/lít, làm cho giá xăng cả năm gần 1.000 đồng/lít.
Ngoài ra, chi phí khấu hao tăng do việc thay thế xe mới, thuế trước bạ của xe ôtô là 10%. Lương tối thiểu tăng 6,12% làm cho phí Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tăng, đồng thời cũng tăng các chi phí khác.
Bởi những thách thức trên, VinaSun đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 chỉ là 1.750 tỉ đồng (giảm gần 1.000 tỉ đồng so với năm 2017). Kế hoạch năm 2018 giảm 65% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu giảm 50% so với năm 2017 và chỉ đạt khoảng 95 tỉ đồng. VinaSun cũng đặt mục tiêu tổng số xe hoạt động kinh doanh cuối năm 2018 là 6.273 chiếc, hàng ngày có 12.000 lượt khách đặt xe của Vinasun thông qua app.”
Trả lời báo chí gần đây, ông Jerry Lim - TGD Grab Vietnam nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà chức trách sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng và đất nước. Người tiêu dùng Việt Nam đã chọn Grab, vì vậy đừng ngăn cản họ mở cửa tiếp cận với chúng tôi. Thay vì kiện tụng thì họ (VinaSun) nên tập trung vào giải quyết áp lực đang đè nặng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng”.
Jerry Lim cũng cho rằng, vụ kiện này gửi một thông điệp tiêu cực cho các công ty muốn kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, tạo ra hiệu ứng gợn sóng trong nền kinh tế quốc tế và làm cho các nhà đầu tư mất lòng tin vào sự ổn định và môi trường cạnh tranh của thị trường.
Grab và VinaSun tiếp tục đối mặt tại tòa
Liên quan tới vụ VinaSun kiện đòi GrabTaxi bồi thường 41 tỷ đồng, Tòa án lại vừa triệu tập GrapTaxi đến tòa. |
Khó cạnh tranh, Vinasun tính giảm 1.000 tỷ doanh thu năm 2018
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt với taxi công nghệ, năm 2017, Vinasun chỉ đạt được 73% kế hoạch doanh thu. Hãng này dự báo ... |