Nga là một trong số ít quốc gia có nền giáo dục bậc đại học phổ cập nhưng nghịch lý là nhu cầu sử dụng lượng kiến thức đó lại thấp.
Nhìn từ Việt Nam
Hệ thống giáo dục của Việt nam trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến, song cũng đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, như lỗi thời trong chương trình giảng dạy, giáo viên làm trung tâm trong phương pháp dạy và học, thiếu tính liên kết giữa giảng dạy và các hoạt động nghiên cứu, và sự khác biệt lớn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, dẫn tới việc rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không có khả năng tìm được việc làm, trong khi việc thiếu những kỹ năng nghề nghiệp lạm phát tăng lên.
Sinh viên Việt Nam thiếu kiến thức mặc dù đã được dạy rất nhiều, vì thực tế mục đích chính của việc học tập chỉ nhằm vượt qua các kỳ thi. Theo khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu chính sách - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành gần đây, trong số 3.000 người được hỏi, 26,2% cho biết họ vẫn thất nghiệp với đa số không thể tìm được việc làm. Trong số những người có việc làm, 61% cho biết họ thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và 32% cho rằng chuyên môn không an toàn.
Ngoài các bằng cấp của các trường đại học nước ngoài có chất lượng và danh tiếng, bằng cấp và chứng chỉ của các trường đại học tại Việt Nam không được công nhận trên toàn thế giới.
Phương pháp giảng dạy chính trong hệ thống trường học công lập là theo định hướng của giáo viên. Thảo luận nhóm không phổ biến, học sinh tự chăm chỉ và lĩnh hội kiến thức trực tiếp và thụ động từ các thầy cô giáo, thiếu tính tương tác và các cuộc tranh luận nổi bật.
Chúng ta đều biết, giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo luôn là 2 vấn đề liên quan mật thiết với nhau. Làm thế nào để giải quyết tốt vấn đề này là điều luôn làm cho các nhà quản lý giáo dục và các nhà sử dụng nhân công phải trăn trở, tìm cách điều chỉnh, hoàn thiện.
Nước Nga đang băn khoăn về hướng đi của nền giáo dục |
Ngay cả nền giáo dục của Nga hay Liên Xô cũ, trước đây vẫn từng được ca ngợi về tính ưu việt của nó và cũng là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ khoa học kỹ thuật và các chuyên ngành khoa học xã hội cho Việt nam, trong đó có nhiều người đã và đang nắm những vị trí quan trọng của nhà nước ta, cũng đang gặp phải những vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết trong lĩnh vực này.
Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà báo Andrey Polunin đăng trên svpressa.ru ngày 10/8 mới đây, nói về những kết luận của nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Boston Consulting Group (BCG), Ngân hàng tiết kiệm Nga, World Skills và Global Education Futures.
Đồng thời, vấn đề cũng được 2 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và sử dụng nhân công là Giáo sư Valentin Katasonov thuộc Bộ môn Tài chính Quốc tế của Học viện Ngoại giao Mat-xcơ-va, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Nga mang tên S.F. Sharapov và ông Andrei Bunich, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp và các chủ thuê nhân công của Nga bình luận dựa trên các câu hỏi của phóng viên svpressa.ru mà chúng tôi xin phép được viết tắt là SP (Báo chí tự do- ND) ở dưới đây.
Nga là một trong số ít các quốc gia có nền giáo dục bậc đại học phổ cập đến hầu hết các công dân. Chỉ có điều nhu cầu sử dụng đối với lượng kiến thức đó vẫn còn thấp. Đó là kết luận qua những nghiên cứu chung của nhóm tác giả Boston Consulting Group (BCG), Ngân hàng tiết kiệm, World Skills và Global Education Futures.
Nga đang xuất khẩu nguồn vốn nhân lực có chất lượng cao nhất của mình, trong khi đó lực lượng còn lại lại không có nhu cầu được sử dụng. Trong nội dung nghiên cứu của nhóm có nêu: Nền kinh tế dựa vào tài nguyên không đánh giá cao kiến thức. Do đó, những khuyến khích tài chính để phát triển những ngành nghề "tinh xảo" không có nhiều. Có thể so sánh, lương của một bác sĩ ở Nga trung bình chỉ cao hơn 20% so với lương lái xe. Sự khác biệt trên ở Mỹ là 261%, ở Đức - 172%, và ở nước có nền kinh tế mới nổi lên như Brazil là 174%.
Đồng thời, chất lượng giáo dục phổ cập đại học của đội ngũ cán bộ ở Nga lâu nay không được cải thiện, các nhà phân tích nêu ý kiến. Vì nền kinh tế mới không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết và những kỹ năng lập trình, mà còn yêu cầu tư duy sáng tạo, tư duy phân tích, khả năng làm việc trong những điều kiện không ổn định. Trong khi đó, hệ thống giáo dục hiện tại (của Nga- ND) chỉ tập trung giáo dục cho thế hệ trẻ làm quen với công việc kỹ thuật cổ hủ - chỉ biết hành động theo sự chỉ dẫn.
Đại học tổng hợp quốc gia Moscow của Nga |
Kết quả là, yêu cầu sử dụng đối với những sinh viên tốt nghiệp không cao. Nhiều người nhận bằng tốt nghiệp, sau đó lại làm việc ở những nơi không liên quan gì đến văn bằng. Để làm những công việc đó không cần phải học hành trong một quãng thời gian dài như vậy, điều đó được chỉ ra trong nghiên cứu. Theo đánh giá của các nhà phân tích, có đến 26% sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt công việc tương tự mà không cần học tới 5 năm. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của Nga chỉ tập trung vào chỉ tiêu tuyển sinh, chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các tác giả nghiên cứu đã kết luận như vậy.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khác nữa là: Suốt 20 năm qua, với hàng loạt các cuộc cải cách, từ năm 1995 đến 2015- song cơ cấu thị trường lao động ở Nga thay đổi không đáng kể. Người sử dụng lao chính, như trước đây, vẫn là khu vực kinh tế nhà nước, mặc dù dưới hình thức các công ty nhà nước, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các công ty lớn mới thành lập thì chỉ sử dụng không đến 1/3 số nhân công bậc cao này.
Theo các nhà phân tích BCG, vấn đề phức tạp ở chỗ là trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đang ở mức thấp nhất và gần như không ảnh hưởng tới những thay đổi trong cơ cấu GDP. Trên thế giới, nếu GDP giảm thì tỷ lệ thất nghiệp tăng, trong khi đó ở Nga tỷ lệ thất nghiệp không những không tăng mà có khi còn giảm xuống. Trong một môi trường như vậy, ngay cả khi một người có kiến thức và kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế mới thì anh ta cũng không biết áp dụng những kiến thức và kỹ năng đó ở đâu. Điều này có nghĩa là trong tương lai, bất cứ một chuyên gia lành nghề nào ở Nga cũng có thể không có nhu cầu được sử dụng, các chuyên gia kết luận.
SP: - Vậy cần phải làm gì để kiến thức được trọng dụng ở Nga, đưa nền kinh tế của đất nước ra khỏi tình trạng bế tắc?
- Tôi làm việc trong hệ thống giáo dục đại học từ năm 1974 - Giáo sư Bộ môn Tài chính Quốc tế của Học viện Ngoại giao Mat-xcơ-va Valentin Katasonov, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Nga mang tên S.F. Sharapov nói- Và tôi đã quan sát quá trình đi xuống của nó (Nền giáo dục đại học Nga- ND) trong suốt bốn thập kỷ qua. Một phần lý do của sự suy thoái đó là do một thực tế: các trường đại học đã tuyển sinh một lượng sinh viên hoàn toàn không tương xứng. Nhưng chính các trường đại học lại đóng góp một phần không hề nhỏ vào việc này.
Theo ý kiến tôi, sở dĩ có chuyện đó là do mục đích của hệ thống giáo dục đại học hiện nay không phải là đào tạo các chuyên gia có trình độ, mà chỉ nhằm hình thành một dạng ý thức nhất định của mọi người mà thôi.
Các trường đại học của chúng ta (Nga- ND) đào tạo ra những con người có thể chịu được sự điều khiển ở mức cao nhất. Ở đây không phải chỉ nói về những hoạt động kinh tế, mà theo nghĩa rộng của nó. Từ quan điểm này, hệ thống giáo dục đại học giống như một dây chuyền sản xuất ra một lũ ngốc (nguyên văn- ND), xin lỗi vì cách diễn đạt hơi thô tục. Bởi vì tài nguyên có giá trị nhất trong nền kinh tế thị trường, theo ý kiến của tôi, chính là những thằng ngốc. Không có những thằng ngốc đó thì mô hình kinh tế thị trường sẽ không hoạt động được.
Một bức biếm họa của báo Nga nói về hiện tượng không tìm được việc làm của sinh viên sau khi ra trường |
Tôi đã nhiều năm nay quan sát bức tranh: Sinh viên đại học năm thứ nhất có vẻ còn muốn tư duy, còn đưa ra một số câu hỏi. Nhưng đến những năm cuối thì các sinh viên cứ bị cùn dần đi. Các em bắt đầu suy nghĩ theo lối rập khuôn, và dường như chúng chỉ nhìn thế giới thông qua một chiếc cửa sổ chật hẹp.
Các bạn hãy tin rằng, tôi rất đau khổ khi phải nói ra điều này. Nhưng tôi thực sự cho rằng hệ thống giáo dục đại học hiện tại của chúng ta (Nga- ND) không phải hình thành, mà là đang hủy hoại con người.
"SP": - Hệ thống giáo dục này đào tạo các chuyên gia kém hay sao?
- Vấn đề là ở chỗ đó đấy. Hệ thống thì vẫn đào tạo các chuyên gia. Tuy nhiên, thiệt hại từ hệ thống này còn lớn hơn gấp nhiều lần so với những kết quả thực tế mà nó làm ra được.
"SP": - Đây có phải thuần túy là vấn đề của Nga không, thưa ông?
- Thật kỳ lạ là mọi chuyện không phải vậy. Đôi khi chúng ta cứ lý tưởng hóa hệ thống giáo dục đại học ở phương Tây. Nhưng trong thực tế, những vấn đề của họ cũng không kém phần nhức nhối. Ở Tây Ban Nha, có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm theo chuyên môn được đào tạo. Ở Nga, tỷ lệ những người có trình độ đại học đang phải làm việc ở những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hơn cũng giống như ở các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD – khoảng 20%.
Nói tóm lại, đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Và tôi cho rằng gốc rễ của nó là do quá trình học tập đã bị kéo dài ra. Trước đây, ở phương Tây cũng như ở Liên Xô cũ, hệ thống giáo dục phổ thông là 10 năm. Bây giờ, trong các trường phổ thông ở Mỹ, học sinh phải học 12 năm. Ở Nga là 11 năm. Ngày trước, ở nước ta (Nga-ND) hệ thống đào tạo đại học là 5 năm. Bây giờ, phải mất 6 năm: bốn năm đại học, sau đó còn thêm 2 năm thạc sỹ.
Việc kéo dài thời gian học tập ở Nga chỉ tổ làm cho nó thêm hỗn loạn. Và quan trọng nhất là vì những nguyên nhân này mà các sinh viên sau khi ra trường sẽ tiếp cận với thị trường lao động muộn hơn nhiều.
- Tất nhiên rồi, nhưng nó ảnh hưởng không chỉ đối với nền kinh tế. Hệ thống giáo dục cần phải góp phần hình thành nên nhân cách con người. Nên nhớ rằng, trong thời kỳ Xô viết, trong các cơ sở giáo dục đại học, các thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn bảo ban, uốn nắn chúng ta nữa. Và không ai cảm thấy ngượng ngùng vì điều đó cả. Ngược lại, trong các trường đại học người ta nhấn mạnh rằng: đây không chỉ đơn giản là một quá trình chuyển giao những kiến thức và kỹ năng, mà còn là quá trình giáo dục.
Nếu không có sự giáo dục này, tôi cho rằng, sẽ không thể có một xã hội mang tính công dân được. Vì con người phải thể hiện mình là một công dân, trước khi thể hiện là một chuyên gia thuộc một chuyên ngành hẹp nào đó.
Gắn giáo dục với thực tiễn và phục vụ phát triển đất nước luôn là băn khoăn không chỉ của nước Nga |
Nếu như nước Nga không tồn tại một xã hội dân sự thực sự, thì cũng sẽ không có một nền kinh tế bình thường. Tôi cho rằng hủy hoại nền giáo dục đã được cấu thành là vấn đề chính của hệ thống giáo dục hiện nay, và là của cả đất nước nói chung.
- Vấn đề chính yếu số một vẫn là cấu trúc của nền kinh tế đất nước, mà theo đó thị trường lao động được hình thành nên, - Ông Andrei Bunich, Chủ tịch Liên hiệp các doanh nghiệp và chủ thuê nhân công của Nga nói - Có thể nói rằng ở đây có một sự tuân thủ đầy đủ. Nếu nền kinh tế phát triển, nó đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ có tính chủ động, năng động, sáng tạo. Còn như nếu đó là nền kinh tế dựa vào tài nguyên, thì chỉ cần 2/3 dân số tham gia các công việc có năng suất thấp cũng là đủ. Từ đó, sẽ xuất hiện một đội quân bảo vệ khổng lồ trong cả nước, vì thế mà sẽ xuất hiện tình trạng có một bộ phận đáng kể dân số lao động không có trình độ chuyên môn và sống lay lắt qua ngày bằng những công việc gặp chăng hay chớ.
Để cho tình trạng này thay đổi về gốc rễ, cần phải thay đổi nền kinh tế. Cùng với việc cải tổ lại hệ thống giáo dục, và lúc bấy giờ những kiến thức mà giáo dục mang đến mới trở nên hữu ích.