Geleximco muốn cùng Trung Quốc xây Long Thành: Rẻ như Cát Linh?

Dù Geleximco và doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định làm sân bay Long Thành với giá thấp nhất nhưng nhiều người vẫn lo vì bài học Cát Linh-HĐ.

Làm dự án với giá rẻ nhất

Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền cùng đối tác Trung Quốc vừa gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) “hiện đại và văn minh”.

Lý do như thường được Geleximco và doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra là giá cả thấp nhất.

Phần văn bản gửi đến Thủ tướng của Geleximco cho hay, Gelexim và đối tác Trung Quốc có kinh nghiệm cũng như có khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Geleximco và doanh nghiệp Trung Quốc muốn xây sân bay Long Thành với giá cả thấp nhất.

Về tiến độ xây dựng, hai nhà đầu tư một Việt Nam, một Trung Quốc này đưa ra là 3-5 năm với “giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại”.

Thậm chí, trong văn bản gửi tới Thủ tướng, lãnh đạo Geleximco giới thiệu họ có mối quan hệ chặt chẽ với KAIDI Dương Quang trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Tập đoàn này cũng nói rằng mình có mối quan hệ với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung) là một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỉ USD hay Công ty TNHH cổ phần Đầu tư Dân Sinh, IDG...

Đặc biệt đến nay Geleximco và đối tác đã thành lập một Quỹ đầu tư trị giá 15 tỉ USD và bắt đầu giải ngân giai đoạn đầu khoảng 6 tỉ USD.

Lo vì bài học Cát Linh – Hà Đông

Dù phía Geleximco và đối tác Trung Quốc cam kết sẽ triển khai dự án với giá thấp nhất, nhưng điều này không khiến dư luận có thể yên tâm.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công thời gian qua được nhắc đến nhiều vì tình trạng đội vốn cũng như liên tiếp xin lùi tiến độ hoạt động.

Cụ thể, năm 2008, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được ký kết, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng mức đầu tư dự toán vào thời điểm đó là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 133 triệu USD.

Cuối năm 2015, đầu 2016, tổng mức đầu tư của dự án phải điều chỉnh lên 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD, thời gian đưa vào khai thác sau điều chỉnh là năm 2016.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã lấy ví dụ đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đồng thời đặt câu hỏi:

“Tại sao dự án đội vốn lớn thế, như đường sắt đô thị, báo giá chỉ 500 triệu USD mà khi chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện, tổng vốn giờ đã lên đến tiền tỷ đô”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng bày tỏ ái ngại như nhắc đến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo ông Hùng, hiện nay dự án này không chỉ đội vốn, xảy ra nhiều tai nạn, mà còn tiếp tục chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc thiếu tiền, nợ nần nhà thầu phụ, rõ ràng là khó chấp nhận.

Chia sẻ với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao Thông cho rằng, nghịch lý ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đó chính là tiền ODA chuyển cho Tổng thầu Trung Quốc, rồi họ lại dùng tiền đó trả cho các nhà thầu phụ khác.

Bỗng nhiên, lại có một khâu trung gian tồn tại, gây khó khăn cho Việt Nam trong việc quản lý hiệu quả đầu tư của đồng tiền, vì đưa tiền hay không đưa tiền là quyền của họ.

Về phía Trung Quốc, bản thân ông Thủy cũng có nhiều nghi vấn đặt ra, vì sao họ chưa trả tiền kịp thời cho phía Việt Nam. Ở đây chỉ có thể rơi vào mấy trường hợp như không chuyển tiền, thiếu tiền, khúc mắc hoặc nhà thầu phụ đảm bảo không đúng tiến độ.

"Chúng ta đang thụ động trong mọi mặt: thời gian thi công, tiền vốn, đi vay xây dựng nhưng cũng không phải người chủ tri, người cho vay lại là người nắm tiền, nắm quyền phân phối nguồn vốn, quá vô lý.

Ở đây cho thấy hợp đồng ký với Tổng thầu Trung Quốc có quá nhiều kẽ hở, từ vấn đề tiến độ, vấn đề giá cả, rồi vấn đề giải ngân, tất cả đều do Trung Quốc nắm. Khiếm khuyết này trước tiên, phải trách phía Việt Nam khi làm hợp đồng, thực sự chưa tạo ra sự công bằng, tạo ra động lực đẩy nhanh tiến độ", ông Thủy nhận định.

Trả lời Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Lê Đình Thọ cho biết bộ này hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án sân bay Long Thành, theo ông Thọ, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia.

Ở thời điểm hiện tại, ông Thọ cho biết Bộ Giao thông - vận tải đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

Chính vì thế các bên cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo.

Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, căn cứ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để đề xuất những phương án cụ thể hơn.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/geleximco-muon-cung-trung-quoc-xay-long-thanh-re-nhu-cat-linh-3341885/)

Theo Hoàng Nam/Đất Việt