Gazprom dự tính rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ?

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga dường như đang tính đường rút khỏi mảng kinh doanh khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ chỉ tập trung bán khí đốt trực tiếp cho nước này?

Nhật báo kinh doanh Kommersant (Nga) mới đây dẫn ra một loạt động thái gần đây của Gazprom cho thấy, “gã khổng lồ” khí đốt của Nga đang triển khai kế hoạch rút cổ phần khỏi một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, như: Ngân hàng Gazprombank đang hoàn tất việc rút khỏi Promak - một liên doanh giữa Gazprombank và nhà nhập khẩu tư nhân về khí đốt Nga lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Akfel Holding, được thành lập vào năm 2014. Tập đoàn Akfel Holding sở hữu cổ phần kiểm soát (tới 60%) tại Enerco và Avrasya - hai nhà nhập khẩu lớn khí đốt từ Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Gazprom - ông Alexander Medvedev - mới đây cũng tiết lộ rằng, Gazprom có kế hoạch bán một tài sản khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó là Công ty Khí đốt Bosphorus (Bosphorus Gaz). Hiện Gazprom đang sở hữu 71% cổ phần của Bosphorus Gaz. Nếu công ty Nga quyết định rút lui, số cổ phần này sẽ được bán lại cho Tập đoàn Sen (Sen Group) của Thổ Nhĩ Kỳ, đang nắm 29% cổ phần còn lại của Bosphorus Gaz.

gazprom du tinh rut khoi thi truong tho nhi ky
Công nhân Gazprom đang điều chỉnh van bơm khí

Theo ông Medvedev, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể đoán trước được” và đang dần dần mất sức hấp dẫn do sự suy yếu của đồng Lira và các quy định ngặt nghèo về thuế. Các nguồn tin của Kommersant trong ngành công nghiệp dầu khí còn tiết lộ: Bosphorus Gaz đã mất khoảng 100 triệu euro trong năm 2016, do kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, quyết định của Gazprom có liên quan đến tình hình chính trị bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Igor Yushkov ở Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia Nga, “thực tế là đã có việc quốc hữu hóa một trong những công ty mà Gazprom có cổ phần. Tương lai cũng có thể có sự phân phối lại tài sản vì lý do chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và Gazprom có thể phải chịu đựng điều đó”. Bởi, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-7-2016, chính quyền Tổng thống Erdogan đã thông qua nghị định số 674, trong đó cho phép chính quyền “nắm quyền kiểm soát” các công ty bị nghi ngờ tài trợ cho các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào loại khủng bố.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Alexey Grivach, Phó tổng giám đốc của Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia Nga khẳng định, Gazprom vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Gricvach nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng, Gazprom đang rời khỏi thị trường kinh doanh khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là thị trường cung cấp khí đốt cho nước này. Gazprom vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, với thị phần hơn 50%. Năm 2017, lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên đáng kể sau khi có sự giảm nhẹ. 5 tháng đầu năm 2017 đã bù đắp hoàn toàn cho sự suy giảm trước đó. Điều này cho thấy khí đốt của Nga vẫn được ưa chuộng và vẫn có tính cạnh tranh ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đáng chú ý, ông Gricvach cho rằng, các động thái kể trên của Gazprom là sự mở đường cho sự phát triển hợp tác trực tiếp giữa “gã khổng lồ” nước Nga và người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ. Gazprom từ đây có thể có được những hợp đồng trực tiếp với người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là các nhà máy điện và những khách hàng tiêu dùng công nghiệp. Đây là một bước chuyển tiếp đến một cấp độ hợp tác mới và đương nhiên, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định về các quy tắc của cuộc chơi trên thị trường nội địa của họ.

Phát ngôn viên của Gazprom, ông Sergey Kupriyanov, hôm 28/6 cho biết: Gazprom theo dõi các xu hướng phát triển của thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ và đang cân nhắc một số lựa chọn khác nhau để hợp tác với người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt đối với Gazprom và là thị trường xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai của Nga, sau châu Âu. Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) sẽ vẫn được thúc đẩy để tăng lượng khí đốt của Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
/ Linh Phương/Petrotimes