Nữ điều dưỡng hồi sức hầu như ngày nào cũng phải đứng trong quá trình cứu chữa người bệnh và xuất hiện triệu chứng đau nhức kinh khủng ở chân.
Bà Quỳnh Lan, 50 tuổi, vốn là điều dưỡng hồi sức tại một Bệnh viện ở TP.HCM. Bà thường xuyên phải đứng hầu như suốt thời gian làm việc, 8 tiếng mỗi ngày.
Nhiều năm trước, bà có triệu chứng đau nhức nhối, đè nặng ở cẳng chân như đeo quả tạ, cảm giác rất khó chịu. Qua thăm khám bác sĩ, điều trị nội khoa và kết hợp mang vớ thì thấy thuyên giảm.
Gần đây, ngoài tình trạng đau lại tái phát. Bà Lan còn bị nhức mỏi vọp bẻ chân trái về đêm. Dù tìm nhiều cách điều trị cũng không thuyên giảm.
Bác sĩ thực hiện can thiệp cho bệnh nhân |
Trường hợp khác là bà Hoa, 45 tuổi, trú tại Lâm Đồng. Là một tiểu thương, nên bà Hoa cũng phải đứng nhiều. 2 năm trước, bà thấy nhức mỏi hai chân, thường xuyên bị vọp bẻ và tê buốt lòng bàn chân.
Đến khám bác sĩ ở địa phương, bà được cho thuốc điều trị nhức mỏi xương khớp nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Cả 2 người bệnh sau đó tới Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán 2 người bị suy giãn tĩnh mạch hai chân độ 2 và độ 3.
Người bệnh được chỉ định điều trị bằng phương pháp mới ứng dụng keo sinh học. Sau can thiệp, hai người bệnh đều thấy nhẹ nhàng, ít đau, có thể đi lại ngay và xuất viện.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới |
Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học.
Theo ThS BS Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng dẫn máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, gây ứ đọng máu ở vùng thấp của chân và lan lên dần.
Hậu quả là gây ra các dấu hiệu như nặng mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, nổi gân xanh (tĩnh mạch) ngoằn ngoèo, phù chân, ngứa da,…
Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Theo nghiên cứu, có hơn 75% người bệnh suy giãn tĩnh mạch không được chẩn đoán và điều trị phù hợp và khi đến khám thì bệnh đã nặng.
Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây đau nhức. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây giãn tĩnh mạch nông, phù chân, loét chân khó lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí điều trị.
Tỉ lệ suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, người trẻ không nên chủ quan đối với bệnh giãn tĩnh mạch, cần chủ động phòng tránh bệnh.
Ngoài việc hạn chế đứng, ngồi một chỗ lâu, nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi bộ 15 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch.
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, tê rần lòng bàn chân, nổi gân xanh ngoằn ngoèo,… người bệnh nên đến các chuyên khoa tĩnh mạch để chẩn đoán và điều trị kịp thời - ThS BS Trần Thanh Vỹ khuyến cáo.
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/dung-8-gio-moi-ngay-nu-dieu-duong-mac-suy-gian-tinh-mach-khong-ngo-396371.html