Bên cạnh việc hợp tác tích cực của nội khối ASEAN đồng thời với xu hướng cạnh tranh và những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động du lịch, thì một hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch đủ đầy, mang tính hấp dẫn cao là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút du khách.
Làn gió mới thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển |
Không chuyên nghiệp, khó khẳng định thương hiệu du lịch Việt |
Việt Nam tăng trưởng du lịch mạnh nhất châu Á đầu năm 2017 |
Khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. ảnh: Hải Nguyễn |
Đây được coi là vấn đề cốt lõi khẳng định năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cũng là nội dung chính của hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức sáng 29.8 tại Hà Nội.
Xây dựng sản phẩm theo nhu cầu
Thu hút 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ hơn 60 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2016, ngành du lịch Việt Nam (DLVN) có những bước chuyển mình, tích cực xây dựng được hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác nhiều tiềm năng, thế mạnh từ nội lực.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2017, vấn đề đặt ra là các sản phẩm du lịch sẽ được khai thác ra sao, theo nguyên tắc nào, tiêu chí cũng như cách thức “chuẩn” đến đâu mới có thể phát huy tiềm năng vốn có một cách hiệu quả, hữu ích và bền vững trên tinh thần hiểu biết? Vì thế, các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch thể hiện rất rõ bản chất của du lịch - là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao.
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, muốn hình thành sản phẩm du lịch thì điều kiện tiên quyết cần có thường là tài nguyên du lịch, tự nhiên hoặc văn hóa. Quy mô, chất lượng, tính độc đáo, khả năng khai thác tài nguyên du lịch là những điều kiện quan trọng quyết định sức hấp dẫn và tính đa dạng của từng sản phẩm du lịch.
Có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, DLVN có thế mạnh và duy trì khá tốt việc xây dựng sản phẩm du lịch, dần hình thành các sản phẩm mang tính chiến lược về du lịch biển - đảo, sinh thái, du lịch văn hóa trên cả nước. Cùng với việc những nhà đầu tư chiến lược tham gia vào thị trường du lịch Việt Nam như một cách nhập cuộc kịp thời, như Sun Group, Vin Group, Mường Thanh… đã tạo nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi tại nhiều địa phương, xây dựng diện mạo mới về năng lực cung ứng của sản phẩm DLVN.
Ngoài ra, không chỉ hệ thống đường sá giao thông, liên lạc mà còn là chính sách cho phép dễ dàng tiếp cận các điểm tài nguyên, đầu tư hình thành các loại hình cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi, kèm theo là hệ thống các dịch vụ cần thiết giúp khách du lịch có thể trải nghiệm, khám phá, thưởng ngoạn được các giá trị tài nguyên du lịch.
Đầu tư có định hướng, chiều sâu
Tuy nhiên đánh giá chung cho thấy, sự đa dạng về chất lượng cũng như việc sẵn sàng của các dịch vụ liên quan phục vụ du khách chưa đủ đáp ứng cung-cầu. Một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không đạt yêu cầu để xây dựng sản phẩm du lịch mang tính chuyên nghiệp và có chất lượng. Để làm được điều này, đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, cần phải hiểu rõ về từng loại tài nguyên du lịch, khả năng khai thác tối ưu và lâu dài.
Một số địa phương, đơn vị đã nắm bắt và tập trung triển khai theo hướng này. Kiên Giang, với lợi thế biển đảo, đặc biệt là Phú Quốc, đã định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được nhiều nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước chọn làm địa điểm đầu tư.
Đến nay, Phú Quốc có 233 dự án (chiếm 79% của toàn tỉnh), tổng vốn đầu tư gần 324.000 tỉ đồng. Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng cho hay: “Sản phẩm du lịch bắt đầu đa sắc, không chỉ còn gói gọn trong loại hình nghỉ dưỡng mà mở rộng sang du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống, thể thao, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện quy mô lớn”.
Đại diện Cty Thiên Minh cho hay, một trong những nguyên tắc phát triển sản phẩm du lịch bền vững, có chiều sâu của mình là phải dựa trên cơ sở phù hợp nhu cầu du khách, tạo ra sản phẩm đặc thù, độc đáo, thỏa mãn kỳ vọng, gây bất ngờ và du khách dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm.
Sun Group cũng đã thành công khi kiên định đi theo định hướng đầu tư bài bản, tạo ra những sản phẩm đẳng cấp, khác biệt, chú trọng đầu tư vào các tổ hợp du lịch - dịch vụ và nghỉ dưỡng tại các địa phương để tạo ra những sản phẩm tốt, kích thích du khách tới trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn. Sun Group đã có khu nghỉ dưỡng ba năm liền 2014-2016 được vinh danh sang trọng bậc nhất thế giới, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất Châu Á năm 2017.
Những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn đang triển khai tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Thơm (Phú Quốc)… cũng là minh chứng cho việc du lịch Việt Nam đang bắt kịp xu thế thế giới, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và chuyên nghiệp, hiện đại.
https://laodong.vn/du-lich/du-lich-viet-nam-chuyen-minh-de-len-chuyen-nghiep-551746.ldo