Dự án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi ngăn mặn, chống hạn xã Nghi Vạn” (Nghi Lộc, Nghệ An) được cấp từ ngân sách trung ương 50 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 30 tỉ đồng, là dự án cấp bách, ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai thi công đã bộc lộ nhiều bất cập, có dấu hiệu sai phạm.
Nhiều tuyến kênh của dự án kẹp đường có thể thi công bằng máy nhưng được thiết kế thanh toán theo đơn giá đào thủ công, cao hơn nhiều lần. Ảnh: QUANG ĐẠI
Chống “xâm nhập mặn” ở vùng không bị mặn
Ngày 7.5.2016, UBND tỉnh Nghệ An có Tờ trình số 2964/UBND-NN gửi Bộ NNPTNT đề nghị bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh mương nội đồng xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Khái toán tổng mức đầu tư dự kiến 80 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2017 đến 2020.
Theo đó, dự án có mục tiêu đảm bảo nhu cầu tưới tiêu, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Tên của dự án cũng được HĐND tỉnh Nghệ An xác định trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 7.11.2016 là “ngăn mặn, chống hạn”.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Nghi Vạn, từ khi cống ngăn mặn Nghi Quang (Nghi Lộc) đi vào hoạt động, địa phương không còn nguy cơ xâm nhập mặn. Ông Thái Văn Hùng - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An - cũng xác nhận: “Đã 13 năm qua, Nghi Vạn không còn bị xâm nhập mặn, do cống Nghi Quang được đóng vào mùa lấy nước phục vụ sản xuất, mở vào mùa lũ”.
Tính chất của dự án được xác định là cấp bách phòng chống hạn hán. Tuy nhiên, theo xác nhận của lãnh đạo xã Nghi Quang, chỉ 1/3 diện tích sản xuất của xã bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Còn theo ông Thái Văn Hùng, Cty từ trước đến nay vẫn thực hiện bơm nước phục vụ sản xuất xã Nghi Vạn, công tác trực, bơm, đạt yêu cầu, chỉ có những mùa đại hạn, thì tình trạng thiếu nước chung cả vùng, chứ không chỉ mỗi địa phương này.
Theo ông Hùng, Nghi Vạn là xã cuối nguồn tưới, nên việc lấy nước có khó khăn, chậm hơn một số vùng khác, nên nay địa phương tự túc được nước thì càng tốt. Còn đối với các công trình thủy lợi do Cty quản lý, nhiều hạng mục đã xuống cấp, nhưng chưa có đủ kinh phí đầu tư.
Dự án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi ngăn mặn, chống hạn xã Nghi Vạn” là công trình thủy lợi nội đồng, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của một xã. Theo UBND xã Nghi Vạn, địa phương có 570ha sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa trung bình 5,5 tấn/ha/năm, không thấp so với bình quân chung.
Thi công sai thiết kế
Theo tài liệu của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc, qua kiểm tra thực tế thi công tại hiện trường, nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu. Cụ thể: Ván khuôn, kích thước, thẩm mỹ của hạng mục bể hút thuộc trạm bơm Tây Vạn; thi công lót đáy kênh, lắp dựng cốt thép của hạng mục kênh chính trạm bơm xóm Đồng thi công không đúng thiết kế được duyệt. Đơn vị thi công (Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh) chưa có nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu và hồ sơ chất lượng tại hiện trường.
Một lãnh đạo UBND xã Nghi Vạn cho biết, qua kiểm tra, thấy công tác giám sát có thời điểm chưa đạt yêu cầu, còn có dấu hiệu buông lỏng. “Chúng tôi đã đề nghị tăng cường công tác giám sát” - cán bộ này cho biết.
Cán bộ giám sát có thời điểm không bám sát hiện trường, không báo cáo kịp thời các vấn đề sai khác so với thiết kế; kinh nghiệm, chuyên môn chưa cao. Cán bộ Ban quản lý dự án cũng chưa được bố trí đủ để theo dõi hiện trường.
Theo thiết kế, hầu hết các tuyến kênh mương nội đồng được thiết kế đào đất thủ công, nhưng thực tế, nhiều tuyến mương đều kẹp đường giao thông nội đồng, có thể đưa máy cơ giới thi công. Theo xác nhận của người dân và lãnh đạo xã Nghi Vạn, nhiều tuyến kênh mương được đào bằng máy, nhưng lại được thanh toán theo đơn giá đào thủ công cao hơn nhiều lần so với đào máy.
Ông Thái Doãn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn - cho biết: “Nhiều tuyến kênh máy vào thi công được, chỉ có những đoạn đi qua nhà dân thì phải đào thủ công”.
Về hiện tượng ưu ái nhà thầu, thi công bằng máy nhưng theo thiết kế được thanh toán đơn giá thủ công, ông Sỹ cho biết, giám sát cộng đồng chỉ quan tâm đến chất lượng, số lượng vật liệu, còn những vấn đề khác thuộc trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát (Liên danh Cty CP Tư vấn và Công thương Nghệ An - Cty CP Tư vấn xây dựng HĐT).
Theo thiết kế, đất đào móng để làm kênh được chở đi khoảng vài km để đổ, rồi mua đất cách 20km về đắp lại, với chi phí rất lớn. Tuy nhiên, thực tế tại một số tuyến, nhà thầu đã đào đất lên, làm kênh xong rồi đắp lại. Về nội dung này, ông Thái Doãn Sỹ thừa nhận, nhà thầu có “tận dụng đất đắp lại”.
“Đất cứng thì được, nhưng bùn thì không được. Có trường hợp họ đắp bùn trở lại, tôi đã yêu cầu đình chỉ” - ông Sỹ cho hay. Được biết, Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc, yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án nói trên.
Đạo đức kinh doanh Những ngày này, cái tên địa ốc Alibaba được nhiều người nhắc đến, nhất là khi Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đang ... |
Một loạt cán bộ cấp cao của Thành ủy TP HCM bị kỷ luật Phó ban tổ chức Thành ủy (nguyên Giám đốc Sở Lao động), nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch quận 7 cùng một loạt người bị ... |
Hàng loạt sai phạm ở tòa nhà cao thứ 4 Việt Nam trên đất vàng Sài Gòn Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình xây dựng cao ốc Vietcombank Tower tại ... |