Dự án BOT của Cty TNHH BOT 36.71 (TCty 36, Bộ Quốc phòng) trên Quốc lộ 19 tỉnh Gia Lai - Bình Định đã bị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Dự án BOT thu phí của TCty 36 tại Gia Lai bị phát hiện nhiều sai phạm. Ảnh: ĐÌNH VĂN |
Không đánh giá hiệu quả xã hội
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+027 - Km50+00 (Bình Định) và đoạn Km108+00 - Km131+300 (Gia Lai) theo hình thức hợp đồng BOT. TCty 36 làm chủ đầu tư, doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án là Cty TNHH BOT 36.71 (Cty con của TCty 36) có tổng mức đầu tư là 2.045 tỉ đồng.
Ông Phạm Văn Trường (trú thôn Nhơn Tân, xã Đắc Ta Ley, huyện Mang Yang) cho biết, người dân quanh bán kính 5km gánh nhiều thiệt hại. “Bởi lẽ, DN đưa xe đi mua cát, chở một xe mì (sắn) mất 70 nghìn đồng tiền phí, đương nhiên họ “tính” vào người dân, chứ không dại gì DN bỏ ra” - ông nói.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - cũng không đồng tình với dự án BOT QL19 tại Gia Lai. Bởi lẽ, DN chỉ cải tạo và nâng cấp hai đầu tuyến đường (tại tỉnh Gia Lai 23,5km, tỉnh Bình Định 33,27km, tổng chiều dài chỉ có 55,7km) mà các đoạn này vẫn còn khai thác tốt trong khi đoạn giữa dài gần 100km, đường rất xấu, xuống cấp trầm trọng, thì DN không làm.
Quá trình kiểm tra, KTNN đã chỉ rõ nhiều vi phạm tại dự án BOT QL19 như QL19 đã được sửa chữa hư hỏng cục bộ, sau đó thảm bêtông nhựa. Dựa vào mô đun đàn hồi, tư vấn thiết kế đã tính toán khả năng thông hành xe qua tỉnh Bình Định vẫn đảm nhận được đến năm 2020 và qua Gia Lai là 2025.
Tuy vậy, báo cáo thẩm tra, thẩm định dự án trình Bộ GTVT phê duyệt chưa đề cập về khả năng thông hành của tuyến theo kết quả khảo sát của tư vấn. Dự án đầu tư không đánh giá hiệu quả về xã hội là không phù hợp với Nghị định của Chính phủ. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư còn sai sót trong tính toán khối lượng, áp dụng đơn giá làm tăng tổng mức đầu tư.
Giảm thời gian thu phí gần... 8 năm
Về công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán tại một số hạng mục còn sai sót, làm đội giá trị dự toán nhiều tỉ đồng, từ đó làm tăng giá trị trúng thầu của các gói thầu XL02, XL04, XL10, XL11, XL12A, XL13A. Cty 36.71 không chỉ vi phạm nhiều nội dung, mà còn “dễ dãi” trong việc lựa chọn nhà thầu. Đó là, đánh giá năng lực nhà thầu chưa chính xác, dẫn đến quá trình thi công, Cty TNHH Hoàng Sơn - Gia Lai, Cty TNHH Hoàng Nhi không đảm bảo tiến độ hợp đồng, phải thay thế nhà thầu khác. Cty “dài tay” ký hợp đồng thi công các gói thầu khi chưa có sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Một số gói thầu bị chậm tiến độ so với hợp đồng gốc. Về công tác quản lý chi phí đầu tư, TCty 36 đã nghiệm thu sai khối lượng so với hồ sơ nghiệm thu, bản vẽ hoàn công; chưa xác định lại giá bêtông nhựa theo thành phần cấp phối thực tế.
KTNN còn chỉ rõ, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có phần bị buông lỏng. Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ban Quản lý dự án 5 (Ban 5) là đơn vị đại diện thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Tuy vậy, Ban 5 lại chưa tuân thủ đầy đủ trình tự trong công tác kiểm tra năng lực, kinh nghiệm các đơn vị thực hiện các gói thầu; công tác giám sát thiếu chặt chẽ do đó để các gói thầu chậm tiến độ.
Đáng chú ý, KTNT đã kiến nghị cắt giảm thời gian thu hồi vốn của dự án. Đoàn KTNN và nhà đầu tư đã rà soát tính toán lại phương án tài chính, kết quả cho thấy thời gian thu phí hoàn vốn chỉ là 10 năm, 9 tháng và 26 ngày, thay vì 18 năm, 4 tháng và 23 ngày như phía TCty 36 tạm tính, trong đó KTNN giảm trừ hơn 21 tỉ đồng. Qua quá trình kiểm tra, KTNN nhìn nhận, để dự án mắc nhiều sai phạm, trách nhiệm thuộc về Ban 5, TCty 36 và Cty 36.71.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Giám đốc Cty 36.71 Nguyễn Trung Dũng cho biết, những sai phạm mà KTNN chỉ ra, Cty nghiêm túc chấp hành. Ông Dũng nói: “KTNN đã kết luận thì Cty không có khiếu nại, kiến nghị gì”.
Ông cũng lý luận: “Vị trí đặt trạm thu phí, vị trí làm, khoảng cách như thế nào và làm bao nhiêu kilômét, tất cả là do Bộ GTVT đã tính toán với hai tỉnh (Gia Lai - Bình Định), còn nhà đầu tư chỉ biết bỏ tiền ra làm, không được quyết định những vấn đề trên”.
Vì sao đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT?
Việc đổi tên gọi trạm thu phí BOT sang trạm thu giá BOT là căn cứ Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban ... |
Thu giá tự động qua trạm BOT: Chủ trương hay nhưng dân vẫn “lắc đầu”
Ngày 5.3, sau khi Bộ GTVT khẳng định, quyết tâm dán tem thu giá tự động trên 3,2 triệu xe trên cả nước và đẩy ... |