Dự án Bir Seba & cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có những sự kiện mãi không phai trong trí óc và cảm xúc. Gần 40 năm gắn bó với ngành Dầu khí, công tác từ đơn vị tiền thân của PVEP, những ký ức của tôi về Dự án Bir Seba tại Algeria năm 2002 vẫn luôn như vừa mới hôm qua, khi có ai đó nhắc về PVEP, nhắc về sa mạc Sahara cháy bỏng…

Cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn

Là người may mắn theo Dự án Bir Seba từ những ngày đầu tiên, từ khâu đọc tài liệu đến đàm phán, thắng thầu, nên đến bây giờ, những hình ảnh và cảm xúc mãnh liệt của buổi lễ ký kết đó với tôi vẫn như vừa diễn ra. Vinh dự là người được giao trọng trách tham gia đàm phán, đấu thầu dự án, tôi vô cùng tự hào khi mình góp một phần nhỏ trong thành công của dự án ngày hôm nay.

du an bir seba cuoc gap dai tuong vo nguyen giap
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đoàn cán bộ Petrovietnam và Sonatrach trên bãi biển Đồ Sơn

Để có thể ký được hợp đồng, ban đầu chúng tôi phải sang tiếp xúc với cơ quan nước chủ nhà Algeria, đại diện là Tập đoàn Sonatrach. Sau thời gian tìm hiểu các lô để đầu tư, được sự hậu thuẫn của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Algeria, chúng tôi rất mong muốn có hợp đồng bằng cách đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, nước bạn rất minh bạch, họ ủng hộ Việt Nam nhưng muốn chúng ta phải được lựa chọn qua đấu thầu công khai.

Năm 2001, dự án bắt đầu đưa ra đấu thầu trên 10 lô. Quá trình lựa chọn, đánh giá rồi bỏ thầu, trúng thầu mất cả năm trời và tôi thấy rất tự hào khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trúng thầu ở Lô 433a và 416b một cách sòng phẳng chứ không phải dựa trên mối quan hệ. Đây là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực rất lớn, nên những người làm công tác đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn này đều cảm thấy vinh dự vô cùng khi đã dám đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sự kiện này cũng thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ của PIDC nói riêng và của Petrovietnam nói chung.

Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là trong số doanh nghiệp của hơn 10 nước tham gia đấu thầu, có 7 doanh nghiệp trúng thầu, ngoài Petrovietnam, 6 doanh nghiệp còn lại đều là các công ty, tập đoàn lớn của Mỹ, Tây Ban Nha, Tuynidi, Trung Quốc. Ông Tổng giám đốc Sonatrach - Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Algeria và ngài Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Algeria vô cùng hân hoan khi biết Việt Nam đã trúng thầu. Trong lễ ký hợp đồng, họ đã mời Petrovietnam lên phát biểu đầu tiên và tôi được vinh dự thay mặt Petrovietnam phát biểu.

Khi chụp ảnh lưu niệm, dù có 7 doanh nghiệp trúng thầu nhưng ngài Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria vẫn sốt sắng tìm tôi và đề nghị: “Tôi và ngài sẽ bắt tay nhau, đại diện các nhà thầu khác đặt tay lên tay! Chúng ta làm một kiểu ảnh”. Đó chỉ là một cử chỉ nhỏ của ngài Bộ trưởng nước chủ nhà, nhưng trong ngôn ngữ ngoại giao đã thể hiện sự tôn trọng, thân tình mà phía bạn dành cho Việt Nam, dành cho Petrovietnam. Những người làm dầu khí chúng tôi vô cùng tự hào khi được đại diện đất nước đón nhận vinh dự đó.

Thế nhưng, niềm vui vì ký được hợp đồng lớn cũng đi kèm sự lo lắng không hề nhỏ vì địa bàn làm việc khắc nghiệt, văn hóa, phong cách làm việc cũng rất khác với Việt Nam. Hơn nữa, hợp đồng này đầu tư cho giai đoạn thăm dò lên tới hàng trăm triệu USD - một khoản tiền quá lớn yêu cầu chúng tôi đã phải chọn những người cán bộ tốt nhất cho dự án này.

Hai mũi khoan đầu tiên được chọn lựa cẩn thận nhất, ở một vị trí tốt nhất là giếng BC5, nơi được kỳ vọng cao nhất sẽ có dầu, nhưng khi triển khai khoan lại hoàn toàn không có gì ngoài... nước. Sự thất vọng, lo lắng của toàn thể cán bộ dự án dâng lên đến cùng cực, đặc biệt là tôi, vì là người phụ trách về thăm dò khoan, là người đề xuất, trực tiếp theo dõi và quản lý dự án này. Bởi vậy, khoan giếng tiếp theo ở đâu là một áp lực khủng khiếp. Rất may, qua nghiên cứu tài liệu và vận dụng sự tập trung cao độ của tập thể cán bộ khoan thăm dò khi ấy, tại giếng khoan thứ ba, chúng tôi đã thu được dầu, với lưu lượng trên 10.000 thùng.

Khi ngọn lửa bùng cháy lên ở sa mạc Sahara lúc thử vỉa, niềm vui sướng của chúng tôi thăng hoa tới tột cùng, không thể nào diễn tả nổi. Trong ngành Dầu khí, để tìm ra được một giếng dầu có lưu lượng lớn 10.000 thùng vào thời điểm bấy giờ là sự giải tỏa mỹ mãn thất vọng ở những giếng đầu tiên. Đó là kỷ niệm đã và sẽ theo tôi mãi…

Cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi Petrovietnam trúng thầu Lô 433a và 416b tại Algeria (10/7/2002) và đang vào thời điểm hoàn tất hợp đồng dầu khí, để thể hiện thịnh tình với Tập đoàn Sonatrach, Petrovietnam đã mời đoàn cán bộ của Sonatrach sang thăm Việt Nam.

du an bir seba cuoc gap dai tuong vo nguyen giap
Tháp đuốc từ hệ thống khai thác mỏ Bir Seba rực sáng trên sa mạc Sahara

Từ hơn nửa thế kỷ qua, rất nhiều người dân Algieria đã biết đến Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với người dân Algeria, truyền thống đấu tranh quật cường của Việt Nam, chiến thắng vẻ vang của Việt Nam luôn gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đoàn Sonatrach đã rất vui mừng khi được đến thăm Việt Nam, đến một đất nước anh hùng mà họ luôn kính trọng. Trong quá trình đi thăm và làm việc với ngành Dầu khí, cả đoàn đều bày tỏ sự tha thiết muốn được một lần diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước nguyện vọng của các bạn, chúng tôi đã liên hệ với văn phòng của Đại tướng để xin ý kiến xem sức khỏe của Đại tướng có thể tiếp chúng tôi được không. Thật may mắn, chúng tôi đã được phép đến thăm Đại tướng tại khu nghỉ dưỡng của quân đội ở Đồ Sơn.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào buổi chiều ngày 22/7/2002, đoàn chúng tôi tới nơi đã được Đại tướng và gia đình vui vẻ tiếp đón. Cuộc gặp chỉ chừng 40 phút trong khung cảnh giản dị, nhưng không khí cởi mở, ấm áp, đầy ắp tình cảm khiến chúng tôi và những người bạn Algeria vô cùng xúc động. Đại tướng khỏe và nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp. Đại tướng không nói nhiều và cũng không nói dài, những lời của Đại tướng rất khúc triết. Đại tướng dặn dò các cán bộ của Sonatrach: “Hãy ủng hộ Việt Nam, hãy giúp đỡ Petrovietnam và hãy hỗ trợ Ban Quản lý Dự án để sớm tìm ra dầu”.

Cuộc gặp với vị tướng lừng danh dù ngắn ngủi, nhưng đối với tôi và những người bạn Algeria đó là một dấu ấn sâu đậm, một kỷ niệm đẹp ghi nhớ suốt cuộc đời. Đại tướng và phu nhân đã thân tình tiễn chúng tôi ra tận bên ngoài khu nghỉ dưỡng, nắm tay hồi lâu lúc chúng tôi chào từ biệt. Tình cảm nồng ấm thân thiết của Đại tướng đã khiến cho chúng tôi và những cán bộ của Sonatrach không thể nào quên.

Một cán bộ Algeria đã xúc động nói với tôi rằng: “Đối với tôi, đây là một đặc ân. Tôi rất tự hào khi là một trong những người đầu tiên của Sonatrach được gặp một vĩ nhân, một vị anh hùng. Thật ngoài sức mong đợi của chúng tôi! Đây sẽ là kỷ niệm để đời của tôi”.

Năm tháng trôi qua, công cuộc tìm dầu của những người Dầu khí Việt Nam tại Algeria đã gặt hái thành công như mong muốn của Đại tướng. Có điều, những con người ưu tú của ngành Dầu khí đã không còn cơ hội được báo công với Đại tướng.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào buổi chiều ngày 22/7/2002 trong khung cảnh giản dị, nhưng không khí cởi mở, ấm áp, đầy ắp tình cảm. Đại tướng không nói nhiều và cũng không nói dài, những lời của Đại tướng rất khúc triết. Đại tướng dặn dò các cán bộ của Sonatrach: “Hãy ủng hộ Việt Nam, hãy giúp đỡ Petrovietnam và hãy hỗ trợ Ban quản lý dự án để sớm tìm ra dầu”.

Lê Văn Trương - Nguyên Phó tổng giám đốc PVEP

du an bir seba cuoc gap dai tuong vo nguyen giap Tổng giám đốc PVEP kiểm tra dự án Bir Seba

Trong các ngày từ 1 đến 7/8, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Trần Quốc Việt và đoàn ...

du an bir seba cuoc gap dai tuong vo nguyen giap PVEP - Nhiều hoạt động hiệu quả cao

7 tháng đầu năm 2018, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch, ...

du an bir seba cuoc gap dai tuong vo nguyen giap PVEP ủng hộ đồng bào miền núi phía Bắc

Ngày 3/7 tại Hà Nội, Công đoàn Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã phát động tới toàn thể cán bộ, ...

/ Cổng thông tin điện tử PVEP