Đồng tiền \'bẩn\'

Vụ Công ty CP VN Pharma nhập hơn 9.000 hộp thuốc dỏm chữa ung thư và chi 7,5 tỉ đồng cho các bác sĩ đưa thuốc đến người bệnh đang gây phẫn nộ dư luận.

dong tien ban
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22-8 (Ảnh: Quốc Chiến, Báo NLĐ).

Thật khó tưởng tượng vụ việc như vậy có thể xảy ra. Nó đẩy bao người bệnh hiểm nghèo vào bước khốn cùng và tước đi cơ hội sinh tồn mong manh của họ. Những đồng tiền "bẩn" nhưng những đối tượng phạm pháp vẫn an nhiên hưởng thụ và đồng lõa vung tay làm ác. Và càng khó tưởng tượng hơn là số thuốc không được dùng cho con người trên đã vượt qua những chốt chặn tưởng chừng như nghiêm khắc nhất, an toàn nhất để chuẩn bị tiếp cận người bệnh.

Cơ quan quản lý dược phẩm có ý nghĩa quá trọng yếu đối với người dân. Đây chính là cánh cửa nối đôi bờ sinh tử. Nếu làm tốt sẽ giúp người bệnh thoát gánh nặng của bệnh tật, bước đến hạnh phúc. Ngược lại, sẽ đẩy người bệnh đến bi kịch và kéo theo đó là gánh nặng cho cả gia đình, xã hội. Vụ việc được ngăn chặn nhưng đã kịp cho thấy sự phập phồng, bất an của người dân về dược phẩm không phải là không có cơ sở.

Một vấn đề dư luận bức xúc và khó hiểu là các cơ quan chức năng chưa làm rõ việc chi hoa hồng 7,5 tỉ đồng cho các bác sĩ của vụ án trên. Số tiền này thực chất cũng chính là tiền của bệnh nhân, những người nhập thuốc dễ dàng thu lại qua giá dược phẩm được nâng cao vô tội vạ. Ai là người nhận hoa hồng phải được vạch mặt làm rõ. Tất nhiên, chỉ riêng bác sĩ không thể nào đủ quyền và dám nhận tiền để đưa những loại thuốc này đến người bệnh. Phải có sự đồng ý hoặc ngầm đồng ý của những cấp cao hơn, những người có trách nhiệm lớn hơn "bật đèn xanh" cho các công ty dược trục lợi. Vai trò đồng phạm này là rất thật và hành vi này kém gì những người mang dược phẩm dỏm đưa vào bệnh viện.

Vấn nạn đau lòng và nhẫn tâm trên không phải qua vụ án này mới hé lộ. Từ nhiều năm qua, rộng khắp các địa phương, không ít bác sĩ bị các hãng dược "cầm tay kê toa". Sự khốn khổ của người bệnh đã bị những đồng tiền "bẩn" khuất lấp và không ít bác sĩ, dược sĩ tự bịt mắt để quên đi lời thề Hippocrates thiêng liêng. Họ đã biến tinh thần phụng sự cao cả của nghề y thành cơ hội kiếm tiền. Nỗi bất nhẫn này đang diễn ra hằng ngày nhưng đã không được ngăn chặn hiệu quả từ các cơ quan quản lý y tế. Câu chuyện y đức ngày càng nhạt nhòa và gây bức xúc ngay cả đối với những người hành nghề y chân chính.

Ngành y từ nguyên thủy đã được định danh với nghĩa vụ cao cả hiển nhiên. Dù hiện đại đến đâu cũng phải được gìn giữ trong mối cảm thương hy sinh cùng nỗi đau của người bệnh. Xin đừng làm vấy bẩn sự thiêng liêng này và sử dụng nghề y thành nghề kiếm tiền thông tục nhất. Chưa nói đến sự toa rập, chỉ một chút thiếu nghiêm khắc với bản thân, người thầy thuốc dễ tự biến mình thành những vòi bạch tuộc siết chết hy vọng của những con người đang khốn quẫn vì bệnh tật.

Đồng tiền của người bệnh nào chỉ là "vật trao đổi chung" thông thường. Từng đồng tiền này là cơ hội để họ có thể mỉm cười bên gia đình, bên con cái ngay bờ vực của sự sinh tử.

(http://nld.com.vn/thoi-su/dong-tien-ban-20170822224853276.htm)

Theo Phạm Hồ, Báo NLĐ