Đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo: Ai lắng nghe học sinh lên tiếng?

Giữa làn sóng phản đối đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo của các giáo viên, tiến sĩ, nhà phê bình văn học, chúng ta có quan tâm đến học sinh hay không?

Dạy kiến thức hay áp đặt tác phẩm?

Văn học nghệ thuật vốn nhạy cảm, chỉ vài nhận định đã khiến dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Nổi bật nhất trong thời điểm này chính là đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa của anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh trường ĐH Newcastle (Australia).

Với lập luận cho rằng tác phẩm có chi tiết dung tục, gây ảnh hưởng tâm lý học sinh và chưa thuyết phục về nội dung tư tưởng thông qua hình tượng Chí Phèo, anh Sóng Hiền đã nói lên nhận định của bản thân. Và lập tức, các giáo viên dạy Ngữ văn, những tiến sĩ, nhà phê bình văn học đã lên tiếng phản đổi với đủ luận điệu. Nào là non nớt, nào là đau xót hay thiếu tôn trọng nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên, đối tượng cần được quan tâm nhất là học sinh thì lại bị phớt lờ.

de xuat bo tac pham chi pheo ai lang nghe hoc sinh len tieng

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh Tiến sĩ trường ĐH Newcastle (Australia).

Nếu quan tâm đến học sinh thì tôi xin kể câu chuyện của mình. Ngày trước, khi còn là học sinh lớp 10, có lần tôi nhặt được tập đề cương ôn thi học kỳ của các anh chị lớp 11. Đề bài nghị luận xã hội qua chủ đề “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc” đã khiến tôi bối rối vì không hiểu. Tôi bàn luận với đứa bạn, vốn rất giỏi các môn tự nhiên thì anh bạn ấy dửng dưng đáp: “Cần gì phải hiểu, thầy cô sẽ cho bài giải của từng đề, chỉ cần học bài là được thôi”.

Vậy đấy, gần như các học sinh đều có nhận định như vậy, hiểu tác phẩm để làm gì, rèn luyên kỹ năng thật vô ích, chỉ cần học bài theo tài liệu của giáo viên là được. Điều đó có đúng như cách mà chúng ta phản đối đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo hay không?

Điều cần thiết cho học sinh sau khi học xong một tác phẩm không phải là chi tiết “nhạy cảm” hay tranh cãi về ý nghĩa, hình tượng. Ngược lại, đó là kiến thức lý luận về lịch sử văn học nước nhà và kỹ năng cảm thụ, phân tích. Nếu thật sự sách giáo khoa được xây dựng bám sát nhu cầu đó thì tại sao phải câu nệ tác phẩm gì và tác giả nào.

Trong chương trình hiện nay, vai trò của tác phẩm Chí Phèo nhằm giúp học sinh hiểu về bối cảnh văn học Việt Nam trong giai đoạn 1930 – 1945 với hiện thực đau thương, khổ cực của người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Vậy thì, nội dung văn học hiện thực phê phán từ tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao có thể được thay thế bởi Kép Tư Bền hay Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Lều chõng của Ngô Tất Tố…

Xét cho cùng, đối với văn học, cùng mục đích nhưng lại có nhiều con đường khác nhau. Nên nếu học sinh không cảm thụ được hình tượng Chí Phèo thì vẫn còn nhiều tác phẩm tiêu khác để hiểu rõ giai đoạn văn học hiện thực phê phán năm 1936 – 1939. Mục đích cuối cùng của việc học môn Văn vẫn là cách cảm thụ riêng biệt chứ không phải chỉ chạy theo hình tượng nào đó.

Có cần nhìn lại và thay đổi chương trình sách giáo khoa hay không?

Việc thay đổi tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn là điều cần thận trọng. Bởi lẽ, học sinh có thể tiếp cận cái mới nhưng thực tế thì giáo viên lại ngại thay đổi, khó theo kịp những cải cách. Có lẽ chính vì lối dạy và học áp đặt tác phẩm thay vì chú trọng kiến thức từ trước nên thế hệ giáo viên trẻ ngày nay khá yếu về nghiệp vụ sư phạm.

Làm sao đòi hỏi họ dạy những tác phẩm hoàn toàn mới khi họ đã quen với lối mòn từ sách giáo khoa cũ? Làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy khi họ coppy giáo án của nhau thay vì tự soạn thảo?

de xuat bo tac pham chi pheo ai lang nghe hoc sinh len tieng

Thay đổi chương trình cần bắt nguồn từ nhu cầu của học sinh và nghiệp vụ của giáo viên.

Dù rằng trong chương trình sách giáo khoa hiện nay có nhiều tác phẩm luôn được yêu thích và có giá trị như Sóng của Xuân Quỳnh, Hai đứa trẻ của Thạch Lam… Nhưng cũng không thiếu vài tác phẩm khiến giáo viên bối rối.

Ví như cũng có giáo viên cho rằng tác phẩm Một người Hà Nội thể hiện sự cục bộ, không đại trà cho cả nước và các giáo viên miền Nam thậm chí còn không cảm thụ được chứ đừng bàn đến việc giảng dạy. Còn tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi thì lại quá nhẹ so với chương trình. Tác phẩm rất ít tư tưởng chủ đạo để đứng riêng thành đề thi tuyển sinh đại học nhưng vẫn không thể lược bỏ vì nội dung đấu tranh cách mạng chống Mỹ tại miền Nam là điều cần thiết trong sách giáo khoa.

Có lần, tôi được nghe một giáo viên Ngữ văn kể, thật ra các giáo viên cũng không thống nhất trong cách cảm thụ. Nhưng chương trình là vậy, giáo án là vậy, thang điểm cũng là vậy như khuôn khổ suốt mấy mươi năm mà không ai dám làm khác.

Vậy thì khi nghe một đề xuất thay đổi chương trình, có phải chúng ta nên bình tâm và đánh giá khách quan thay vì bức xúc vì ngại thay đổi, bảo vệ theo cảm tính hay không. Một thạc sĩ còn bị phản đối như vậy thì làm sao một học sinh có thể phát biểu không đồng tình với giáo án mà cô giáo đang dạy.

Chúng ta hãy nghĩ đến học sinh, các em cần học điều gì, kỹ năng ra sao. Và dù là tác phẩm nào thì chương trình giáo dục vẫn đặt mục đích nâng cao tư duy cho các em chứ không phải áp đặt. Mà nguyện vọng được phát biểu theo ý mình, được viết theo đánh giá của bản thân đối với học sinh vẫn còn xa vời lắm.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

de xuat bo tac pham chi pheo ai lang nghe hoc sinh len tieng Tiến sĩ văn học chỉ rõ lý do không thể loại tác phẩm \'Chí Phèo\' ra khỏi SGK

TS Trịnh Thu Tuyết chỉ phân tích hình tượng nhân vật trong chuyện Chí Phèo để khẳng định đây là một tác phẩm xuất sắc ...

de xuat bo tac pham chi pheo ai lang nghe hoc sinh len tieng Về một đề xuất "Chí Phèo"…

Chí Phèo đại diện cho ai ?”, là một câu hỏi ngây thơ, giáo điều.

/ nguoiduatin.vn