Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại

Đặc biệt, đặc khu kinh tế có mục tiêu cực kỳ quan trọng, là “lồng ấp” thể chế chính trị, chính sách cho đất nước.

Liên quan đến đề án xây dựng ba đặc khu kinh tế (ĐKKT), Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet ghi lại ý kiến của ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công Trường Fulbright. Mời độc giả theo dõi và trao đổi thêm.

Vị trí rất quan trọng

ĐKKT hiểu một cách đơn giản là một khu có địa giới hành chính, hệ thống tổ chức chính quyền có tính tự chủ cao và có những ưu đãi, điều kiện thuận lợi hơn so với phần còn lại của quốc gia để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, tạo ra các giá trị cao hơn cho quốc gia.

Một trong những mục tiêu quan trọng của ĐKKT là “lồng ấp” thể chế, hay “phòng thí nghiệm” chính sách vì bộ máy hiện tại rất cồng kềnh và khó cải cách.

Vị trí của đặc khu rất quan trọng, nó phải đáp ứng được điều kiện phục vụ cho một thị trường rộng lớn và có nền tảng thể chế (cả cứng và mềm) phát triển với nguồn nhân lực dồi dào. Trong đó, các lợi thế cạnh tranh, gắn kết với vùng phát triển bên ngoài, tiếp cận thị trường có quy mô lớn là những yếu tố then chốt.

Ví dụ, ở Trung Quốc, trường hợp kinh điển là Thẩm Quyến, một làng chài nhưng bên kia là Hồng Kông. Nhà đầu tư nước ngoài rất muốn vào Trung Quốc, đặc biệt là qua cửa ngõ Hồng Kông, nên lựa chọn này là hợp lý.

Tương tự, Iskandar (Malaysia) gắn với Singapore, gần tuyến đường biển quốc tế; Khu tự do Shannon (Ireland) nằm ngay tại sân bay quốc tế Shannon và là bàn đạp cho các công ty Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, Khu tự do ở Honduras kết nối với thị trường Mỹ.

Trái lại, việc lựa chọn vị trí không phù hợp, gây tốn kém đầu tư xây dựng, lựa chọn địa phương có nền kinh tế kém phát triển với mục đích tạo đòn bẩy phát triển cho khu vực nhưng không có những lợi thế về vị trí cần thiết nào đó, thì thất bại thường hay xảy ra.Với Việt Nam, tôi vẫn chưa thực sự hiểu được lý do tại sao Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) được chọn trong khi lại thiếu vắng hai đô thị trung tâm. Phải chăng bởi 3 nơi này đại diện cho Bắc – Trung – Nam?

Đối với Vân Đồn, nếu Việt Nam xác định Trung Quốc là thị trường lớn, là cửa ngõ để phát triển giao thương với nước ngoài thì lựa chọn này có vẻ ổn. Tuy nhiên, bất lợi ở đây là rất khó để thu hút nhân tài hay lực lượng lao động có kỹ năng.

Còn Phú Quốc thì bất lợi hơn, vì để thu hút người có khả năng ra đây làm việc và sinh sống không hề đơn giản. Khó mà có thể so sánh Phú Quốc với Singapore, vì quốc đảo này phát triển là do yếu tố lịch sử và điều kiện xã hội thời điểm đó, nên người tài đổ về.

dac khu kinh te chon sai vi tri de that bai

Phú Quốc được quy hoạch thành đặc khu kinh tế. Ảnh: Giang Nam/ Thanh Niên

Tuy nhiên, Phú Quốc có lợi thế đang phát triển về du lịch. Có thể đây là điểm mà có thể hướng tới để xây dựng đặc khu dịch vụ, du lịch và công nghiệp không khói.

Đối với Vân Phong, tôi chưa thấy tiềm năng ở nơi đây. Mặc dù có cảng nước sâu nhưng không biết sẽ hướng ra thế giới, bên ngoài như thế nào và lao động có kỹ năng ở đâu sẽ đó.

Nếu được chọn, tôi sẽ chọn thêm 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Hai nơi này hội tụ đủ điều kiện đã có nền tảng thể chế mềm, thế chế cứng để phát triển đặc khu, như điều kiện thu hút nhân tài, hạ tầng đang phát triển, cửa ngõ giao thương với nước ngoài...

Hình dung một cách đơn giản, với một người có khả năng thì mức thu nhập phải cao hơn đáng kể để họ chọn ba nơi trên làm việc thay vì Hà Nội hay TPHCM. Như vậy, chi phí lao động của ba nơi này sẽ đắt hơn đáng kể so với việc chọn ở hai đô thị trung tâm. Thêm vào đó, các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, pháp lý, hậu cần … ở ba nơi trên sẽ đắt hơn đáng kể so với hai đô thị trung tâm.

Hơn thế, nếu ba khu được chọn có thể thành công thì chỉ ở một mức độ, còn nếu ở Hà Nội và TPHCM mà thành công thì có thể kích họa cả vùng và tạo các cú huých kéo nền kinh tế quốc gia đi lên.

Những bài học quá khứ

Nhìn lại quá khứ Việt Nam đã manh nha những mô hình kinh tế tương tự như thế. Có những nơi có không gian đặc biệt về thể chế vượt trội... từ lâu, như Hội An, Phố Hiến cả mấy trăm năm trước.

Sau này, chúng ta cũng có ý tưởng đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo, rồi bắt đầu đến các khu chế xuất, các khu công nghiệp... Ví dụ, khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên thành công là nhờ cách làm, nhân tố mà nó tạo ra.

Nhưng cách chúng ta nhân rộng mô hình đó lại là trong 4 bức tường, tức là mọi người cứ nghĩ có mảnh đất rồi xây lên để thu hút doanh nghiệp vào. Nhưng đó chỉ là một phần, quan trọng hơn đó là thể chế thì không được nhân rộng.

Chúng ta đã có một mô hình tuy chưa bao giờ được gọi là ĐKKT nhưng thực tế là ĐKKT và rất đáng tham khảo, đó là trường hợp của tỉnh Bình Dương. Hơn 20 năm trước, Bình Dương về cơ bản là chịu thể chế như các địa phương khác, nhưng nhờ vận dụng những qui định hiện tại, sự năng động sáng tạo, nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để tạo ra “hiện tượng Bình Dương”. Bình Dương đã tận dụng được thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển. Bình Dương lúc đó là vừa tách ra khỏi Bình Phước và những làn sóng mới đầu tư vào đây. Địa lợi là Bình Dương nằm trong vùng TPHCM và ngay cạnh TPHCM, đầu mối thị trường và cũng là trung tâm kinh tế và thương mại lớn nhất Việt Nam và có thể xem là có tầm cỡ trong khu vực. Nhân hòa là nội bộ Bình Dương đã có được sự thống nhất nhất định và sự chung lưng đấu cật của các doanh nghiệp.

Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia lận cận

Thành công của một số nước như Singapore để mơ về Phú Quốc (có diện tích tương tự) hay Trung Quốc cho những nơi khác quả là cám dỗ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào một thực tế rằng cả hai nơi này thành công vì họ có các yếu tố rất cơ bản.

Thứ nhất, vị trí có vai trò đặc biệt quan trọng nó cần phải gắn kết trong và ngoài nước, đặc biệt phải kết nối với thị trường bên ngoài, có ưu thế về cơ sở hạ tầng. Thực tiễn ở Việt Nam cũng như các nước khác cho thấy rất rõ điều này.

Thứ hai, cần phải có quyết tâm chính trị và vai trò của người lãnh đạo mạnh mẽ từ cấp Trung ương đến địa phương trong một thời gian dài. Phần lớn các ĐKKT chỉ phát huy tác dụng sau hàng chục năm thành lập, do vậy, nếu bị tác động bởi yếu tố nhiệm kỳ sẽ rất khó đảm bảo cho sự thành công của các ĐKKT nói riêng, những vấn đề mang tính dài hạn nói chung.

Thứ ba, cần có những đối tác hay nhóm có lợi ích dài hạn từ thành công của dự án. Trong hầu hết các trường hợp, đối tượng này chính là khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, nên khuyến khích tư nhân tham gia phát triển ĐKKT một cách tích cực.

Thứ tư, cần có môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo và tìm tòi cái mới để tạo ra các “doanh nhân công”. Đây là những người đang làm trong bộ máy hành chính, nhưng có tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm và hiểu giới kinh doanh, dám chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đi đến cùng với dự án/ý tưởng. Nếu không có các doanh nhân công thì khả năng thực hiện những công việc khó khăn đòi hỏi nhiều thử thách thường là nhiệm vụ bất khả thi và trên thực tế, điều này đang xảy ra ở Việt Nam.

dac khu kinh te chon sai vi tri de that bai Khát vọng đặc khu kinh tế và những câu hỏi tỷ đô

4 năm sau cuộc gặp với ông trùm casino Mỹ tại TP. Hạ Long, các lãnh đạo Quảng Ninh vẫn đau đáu với những câu ...

dac khu kinh te chon sai vi tri de that bai Không nên “đóng khung” quyền lực của trưởng đặc khu kinh tế

“Tôi thấy không nên hạn chế quyền lực của trưởng đặc khu kinh tế mà chỉ kiểm soát quyền lực để không nảy sinh những ...

dac khu kinh te chon sai vi tri de that bai Đặc khu kinh tế để làm gì?

Khi đề cập đến sự phát triển thần kì của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến. Trong năm 1978, khi quốc gia ...

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dac-khu-kinh-te-chon-sai-vi-tri-de-that-bai-412026.html

/ Vietnamnet