Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 96)

Giám đốc Trần Thiều chủ trì buổi họp gồm có Đại tá Hường - Phó giám đốc phụ trách cảnh sát, Thượng tá Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật hình sự, Đội trưởng Đội Bắt truy nã và ông giám thị trại giam.

dac biet nguy hiem ky 96 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 95)

Chung ở nhà, đang cho con Phạm Bình uống sữa thì có tiếng gõ cửa dồn dập.

dac biet nguy hiem ky 96 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 94)

Bình chạy tiếp được khoảng gần cây số, khi thấy tiếng chó sủa rất gần, anh dừng lại. Cởi quần dài, áo dài buộc gọn ...

dac biet nguy hiem ky 96 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 93)

Thế rồi từ đêm hôm ấy, cứ mười một giờ đêm, Chiến và Bình lại thay nhau công kênh rồi dùng dao lam cưa chấn ...

Tại phòng họp của Giám đốc Trần Thiều.

Giám đốc Trần Thiều chủ trì buổi họp gồm có Đại tá Hường - Phó giám đốc phụ trách cảnh sát, Thượng tá Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật hình sự, Đội trưởng Đội Bắt truy nã và ông giám thị trại giam.

Thượng tá Vinh báo cáo:

- Báo cáo giám đốc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của giám đốc, chúng tôi đã cho thực nghiệm điều tra và thấy rằng, việc chúng dùng lưỡi dao lam để cưa chấn song và cưa xích chân là chính xác. Trong điều kiện bình thường, với một thanh thép phi 16, hai người thay nhau cưa thì chỉ hết bảy tiếng đồng hồ là đứt. Còn trong trường hợp chúng phải công kênh nhau lên thì thời gian kéo dài hơn. Nhưng hoàn toàn là có thể thực hiện được. Qua khám nghiệm, theo thiết kế thì chấn song trại giam được làm bằng loại thép CT5 nhưng bên thầu đã ăn cắp và thay bằng loại thép tái chế là thép Đa Hội nên chất lượng rất tồi. Cả xích, còng chân cũng vậy, cũng bằng loại thép không đúng chủng loại.

Giám đốc Thiều thừ người ra hỏi:

- Trại giam xây được bao nhiêu năm rồi nhỉ?

Giám thị trại giam nói:

- Dạ, báo cáo anh, mới được hơn hai mươi năm ạ.

Giám đốc thở dài:

- Mới được hơn hai mươi năm? Vấn đề bây giờ là ai đưa lưỡi dao lam cho chúng nó để cưa chấn song?

dac biet nguy hiem ky 96

Đại tá Hường nói:

- Báo cáo anh, hôm qua chúng tôi đã cùng anh em trại giam kiểm điểm, phân tích kỹ nhưng chưa phát hiện ra là chúng đưa vào bằng cách nào. Vì từ hôm thằng Bình bị tòa sơ thẩm kết án tử hình, đưa vào trại thì hắn chỉ được hai lần thăm nuôi. Nhưng gia đình không gửi quà, mà gửi tiền khi hắn muốn ăn gì, cần gì thì mua qua sổ và ở trại giam cung cấp. Việc đối tượng bên ngoài đưa lưỡi dao lam cho hắn là hoàn toàn loại trừ.

Đại tá Thiều hỏi luôn:

- Vậy còn phạm tự giác có khả năng không?

Giám thị trại giam báo cáo luôn:

- Dạ, thưa anh, trong thời gian Bình và Chiến bị giam thì phạm tự giác không thể nào làm được việc ấy. Vì mỗi lần phạm tự giác làm vệ sinh buồng giam thì đều có cán bộ quản giáo giám sát.

Ông Thiều hỏi luôn:

- Theo tính toán của các đồng chí thì chúng phải dùng hết bao nhiêu lưỡi dao lam?

Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật hình sự Vinh nói:

- Báo cáo anh, qua thực nghiệm điều tra thì thấy để làm được điều đó, chúng phải mất ít nhất mười lăm đến hai mươi lưỡi dao lam mới có thể cưa đứt được ba chấn song và khóa chân.

Giám đốc Thiều thừ người ra và bảo:

- Như vậy, nếu tôi không nhầm thì đây là vụ thứ tư phạm nhân dùng lưỡi dao lam và bánh răng bật lửa cưa chấn song và cưa khóa chân để trốn thoát. Vụ thứ nhất, tôi nhớ từ hồi những năm 91, 92 gì đó. Tên Phước “tám ngón” đã dùng lưỡi dao lam cưa đứt chấn song. Vụ ấy xảy ra ở nhà tù Chí Hòa. Vụ thứ hai là ở Trại Ba. Một tên bị án tử hình vì tội giết phạm nhân trong trại. Nó cũng đã dùng lưỡi dao lam cưa gần đứt chấn song. Đến lúc mang nó đi bắn rồi, quay về mới phát hiện ra. Chứ chỉ chậm độ dăm ngày thì nó cũng trốn mất. Vụ thứ ba là hai thằng tử tù thoát trại ở trại giam Hà Nội. Vụ đấy nếu tình tiết xem lại thì có lẽ cũng giống như ở đây. Chỉ có khác là ba ngày sau Công an Hà Nội bắt lại được. Còn chúng ta ở đây, đến giờ vẫn không tìm ra được tung tích của chúng.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Trung báo cáo:

- Báo cáo giám đốc, chúng tôi cũng đã bố trí mạng lưới cơ sở giám sát rất chặt di, biến động của những người trong gia đình Bình và một số đối tượng khác nhưng tuyệt nhiên không phát hiện được một dấu hiệu gì bất thường. Chỉ có điều là, trên nét mặt mọi người thấy vui vẻ hẳn.

Ông Thiều nói:

- Dứt khoát thằng Bình sẽ phải liên hệ với gia đình. Tôi cam đoan với các anh rằng, hiện nay nó đang trốn ở nhà một gã đệ tử nào đấy, mà phải là bạn tù của nó hồi xưa. Tôi yêu cầu các anh vào ngay trong Trại Ba, xin lại danh sách tất cả những đối tượng đã từng giam cùng với Bình và rà soát lại từng người một xem các đối tượng ấy bây giờ đang ở đâu.

Đội trưởng Đội Bắt truy nã gãi đầu:

- Báo cáo anh, làm việc ấy bây giờ mất thì giờ lắm.

Giám đốc Thiều bực mình:

- Sao? Anh làm bắt đối tượng truy nã mà lại sợ mất thì giờ. Thế tại sao có những đối tượng trốn truy nã cách đây mười mấy năm rồi mà bây giờ các anh vẫn lùng bắt được. Vậy mà có mỗi rà soát số đối tượng từng ở tù với thằng Bình mà cũng ngại là sao? Tôi nghĩ rằng làm việc này có lẽ chỉ mất hai ngày. Mất nửa ngày vào lấy danh sách và mất hai ngày đi lần về các địa chỉ của chúng. Tất nhiên, cái đám tù ấy thì bây giờ cũng có thằng đi nơi khác rồi, không còn ở quê quán nữa. Nhưng dứt khoát phải tìm cho ra.

Đội trưởng Đội Bắt truy nã cúi đầu nói:

- Dạ, báo cáo giám đốc. Chúng tôi sẽ cố gắng ạ. Trong vòng ba ngày sẽ có kết quả báo cáo giám đốc.

Ông Thiều đứng dậy và nói như nói với chính mình:

- Tôi đề nghị các đồng chí ở trại giam nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm công tác giam giữ, quản lý phạm nhân.

Rồi giám đốc lại hỏi:

- Theo các anh thì khoảng bao nhiêu ngày nữa bắt được hắn?

Thượng tá Trung, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự nói:

- Báo cáo anh, cái này quả thật không dám hứa được. Nghề này anh lạ gì. Có những đối tượng đi lùng nó cả năm trời chẳng ra. Nhưng rồi bỗng nhiên lại thấy nó lù lù hiện ra trước mặt. Cái trò bắt phạm đi trốn này nhiều khi là “may hơn khôn”.

Giám đốc Thiều nói quả quyết:

- Dứt khoát nó phải trốn về chỗ nào đó mà ở đấy nó có đệ tử. Bởi vì các anh thấy đấy, thằng Bình mới mười bảy tuổi đã đi tù rồi. Suốt một thời gian dài ở trong trại giam, rồi ra ngoài làm ăn như thế, không bao giờ nó dại dột về chỗ bạn bè mới. Các anh cứ lần theo đám ngày xưa ở tù với nó. Thế nào cũng ra.

***

Tại chùa Sùng Phúc Tự.

Bình ngồi và tụng kinh gõ mõ.

Chú tiểu ở ngoài nhìn Bình tụng kinh gõ mõ thấy ngạc nhiên, không hiểu vị sư này ở đâu đến, bạn bè gì với sư thầy Thích Trí Thiện mà tụng kinh gõ mõ thành thạo thế. Một buổi ngồi ăn cơm, chú tiểu nói:

- Ngày xưa thầy tu ở chùa nào mà thấy thầy ngồi thiền theo thế kiết già giỏi thế?

Rồi chú tiểu lại cười khúc khích rồi bảo:

- Con thấy thầy tụng kinh còn giỏi thầy Thiện.

Thầy Thiện lườm chú tiểu và nói:

- Thầy đã nói với con rồi, việc ở đâu bỏ đó. Con không nên hỏi.

Bình vội vàng đỡ lời:

- Không. Chú không biết thì chú phải hỏi. Mà chú có định học ngồi thiền như tôi không?

Chú tiểu nói:

- Dạ, thích lắm ạ.

Bình nói:

- Được rồi, tôi sẽ dạy chú ngồi. Nhưng lúc đầu đau chân lắm đấy.

Ăn cơm xong, đến giờ tụng kinh buổi đêm, chú tiểu thấy Bình ngồi thiền bằng tư thế kiết già, hai chân khóa lại nhau, lòng bàn chân ngửa lên trời. Chú mon men đến và bảo:

- Thầy dạy con ngồi như thế với.

Bình nói:

- Được thôi. Nào, bây giờ ngồi như thế này.

Bình dạy chú tiểu cách ngồi khóa chân. Chú tiểu ngồi nhưng chỉ được khoảng ba mươi giây thì kêu:

- Ôi, đau lắm thầy ạ.

Bình bật cười và bảo:

- Đấy, phải tập luyện lâu lắm thì mới ngồi được.

Buổi tối, thầy Thiện ngồi với Bình.

Bình hỏi:

- Thầy biết nhà thằng Quyến chứ. Em rất cần gặp nó.

Thầy Thiện nói:

- Được rồi. Nếu như ngày mai nó không đến thì tôi sẽ đi gặp nó.

Bình lại hỏi thầy Thiện:

- Theo thầy, chú tiểu này có tin được không?

Thầy Thiện nói:

- Cũng không biết nói với anh thế nào. Nhưng hai hôm nay tôi không cho nó đi đâu cả.

Bình bảo:

- Có những lúc em thấy nó để ý, nó rình em. Tất nhiên, nó chưa biết em là ai, nó phải để ý thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng em nhìn mắt thằng này, em hơi ngại. Cho nên, có lẽ là em chỉ nên ở đây một, hai hôm nữa, rồi phải đi nơi khác.

Thầy Thiện ngồi thừ ra rồi bảo:

- Nhưng nếu đi thì chú đi đâu bây giờ?

Bình suy nghĩ một lát rồi bảo:

- Để em tính đã. Nhưng em nghĩ công an đang tung hết lực lượng đi truy lùng em. Thế nào họ cũng sẽ tìm những người ngày xưa đã ở tù cùng em mà bây giờ em có thể nhờ ẩn náu ở đó. Thế nào họ cũng sẽ tìm đến thầy đấy.

Thầy Thiện hơi tái mặt. Thấy nói:

- Tôi cũng nghĩ đến điều đấy. Nhưng từ hôm chú đến đến giờ thì chưa có ai đến chùa này cả. Bởi vì, từ trước đến nay ngôi chùa này rất ít người tới. Nhưng hai hôm nữa là ngày Rằm. Có thể sẽ có đông người đến. Nên đến ngày đó, chú phải tính, không nên xuất đầu lộ diện.

Bình nói:

- Nếu ở trong phòng mà không ra ngoài thì chú tiểu sẽ sinh nghi. Thôi được rồi, thầy để em tính.

Sáng ngày hôm sau, khi sư thầy còn đang lui cui quét sân thì Quyến phóng xe máy tới. Quyến nhìn trước, nhìn sau rồi vào. Thấy chú tiểu cũng đang ở đấy, Quyến cảnh giác và giơ một ngón tay lên ra hiệu cho thầy Thiện im lặng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân