Đà sa sút của Zimbabwe từ nền kinh tế giàu nhất nhì châu Phi

Zimbabwe từng là một trong những nền kinh tế giàu nhất châu lục, nhưng đã bị nhấn chìm vì quản trị sai lầm, nội tệ mất giá và tham nhũng.

Chỉ huy quân đội Zimbabwe đã chiếm quyền kiểm soát nước này hôm 15/11, binh lính chiếm giữ các vị trí chiến lược trên khắp thủ đô Harare và kiểm soát truyền hình nhà nước. Còn Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe bị quản thúc tại gia.

Ông Mugabe đã lãnh đạo nước này gần 4 thập kỷ, và được cho là nguyên nhân chính khiến kinh tế nước này sa sút.

Thập niên 80

Ông Mugabe đắc cử Thủ tướng đầu tiên của Zimbabwe khi nước này giành độc lập năm 1980. Trước đó, ông phải ngồi tù nhiều năm vì hoạt động chính trị. Ông được nhiều người ngưỡng mộ, coi như Nelson Mandela - lãnh đạo đất nước qua nhiều thập kỷ bị phương Tây đô hộ.

Tổng thống 93 tuổi của Zimbabwe - Robert Mugabe. Ảnh: Reuters

“Ông ấy luôn có lập trường dân túy. Tức là muốn làm những điều tốt nhất cho dân tộc của mình, nhưng chưa chắc đã là về kinh tế”, Funmi Akinluyi - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại châu Phi và các thị trường sơ khai tại Silk Invest cho biết.

Mugabe nổi tiếng trên thế giới nhờ các sáng kiến về giáo dục và y tế. Zimbabwe sau đó dần tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp. Quốc gia này nổi tiếng nhờ thuốc lá và thời tiết thuận lợi quanh năm cho nông nghiệp.

Thập niên 90

Khi tầm ảnh hưởng chính trị của Mugabe dần phai nhạt, những người chỉ trích cho rằng ông đã dùng sự tàn bạo và hối lộ để duy trì quyền lực. Mugabe đến nay vẫn phủ nhận điều này.

Dù vậy, những sai lầm trong quản trị nông nghiệp của ông chính là bước ngoặt dẫn đến thảm kịch kinh tế sau này. Các chính sách cải cách đất của chính phủ đã chấm dứt nhiều thập kỷ trang trại thuộc sở hữu của chủ đất da trắng.

“Đạo luật Mua đất” năm 1992 cho phép Mugabe buộc các chủ đất từ bỏ tài sản của mình, để phân phối lại. Năm 1993, ông còn dọa trục xuất các chủ đất da trắng phản đối quy định này.

Những năm 2000

Phải đến năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe mới có đà, buộc được 4.000 người da trắng nộp lại đất. Sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe vì thế sụt giảm chỉ sau một đêm.

“Lương thực thiếu thốn ngay lập tức. Rất nhiều người bị đói”, Akinluyi nhớ lại.

Sau động thái trên, Zimbabwe lại có 2 năm mất mùa và một đợt hạn hán kéo dài, đẩy nước này vào nạn đói tồi tệ nhất 60 năm. Khi lương thực cơ bản thiếu thốn triền miên, ngân hàng trung ương lại tăng tốc in tiền để nhập khẩu. Hậu quả là lạm phát phi mã.

Đỉnh điểm khủng hoảng, giá cả tại đây cứ 24 giờ lại tăng gấp đôi. Viện nghiên cứu Cato ước tính lạm phát hằng tháng lên tới 7,9 tỷ phần trăm năm 2008. Hậu quả là thất nghiệp tăng vọt, dịch vụ công không thể thực hiện và GDP giảm tới 18% năm 2008.

Năm 2009, Zimbabwe phải từ bỏ nội tệ. Các giao dịch tại đây phần lớn thực hiện bằng đôla Mỹ, rand Nam Phi và vài tiền tệ khác.

Từ năm 2010

Một người dân Zimbabwe đang đếm bond note. Ảnh: Reuters

Năm 2010, ông Mugabe đáp trả các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách dọa sung công các khoản đầu tư của phương Tây tại đây. Lời đe dọa này đã khiến nhà đầu tư tiềm năng không dám tới đây.

“Rủi ro chính trị đã lấn át cơ hội bạn có thể nhìn thấy ở đây”, Akinluyi cho biết.

Chính quyền ông Mugabe đã chuyển hướng tập trung từ nông nghiệp sang khai mỏ. Họ đã ra lệnh tất cả công ty khai thác kim cương ngừng hoạt động và giao nộp lại cơ sở sản xuất. Kế hoạch của họ là cho một công ty quốc doanh đảm nhận việc này.

Zimbabwe đang chật vật kiếm tiền từ xuất khẩu. Một đợt hạn hán nghiêm trọng cũng đã bóp nghẹt nước này, khiến người dân năm ngoái phải đổ xô rút tiền từ ngân hàng. Cuối năm ngoái, nước này phải bắt đầu in bond note, giá trị tương đương 1 USD, nhằm xoa dịu việc thiếu tiền mặt.

Dù vậy, Akinluyi cho rằng tình hình hiện tại vẫn có khả năng đảo chiều: “Họ có kim cương, than đá, đồng, quặng sắt,… nhiều tài nguyên lắm. Tôi cho rằng chỉ cần có lãnh đạo phù hợp, mọi chuyện sẽ thay đổi nhanh thôi”.

Đội quân quản thúc Tổng thống cầm quyền 37 năm của Zimbabwe

Dù có quy mô nhỏ, trang bị lạc hậu, quân đội Zimbabwe vẫn đủ sức tiến hành cuộc binh biến có thể tước bỏ quyền ...

Mugabe: Từ anh hùng giải phóng cho đến sụp đổ \'không thể quay đầu\'

Tự mãn về quyền lực vững chắc, Mugabe phá vỡ quan hệ với những người từng là đồng minh để phục vụ tham vọng chính ...

Tham vọng quyền lực từ sau ngai vàng của \'hoàng hậu Zimbabwe\'

Bất chấp tai tiếng tham nhũng, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe không giấu tham vọng trở thành tổng thống Zimbabwe khi tình hình sức ...

(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/da-sa-sut-cua-zimbabwe-tu-nen-kinh-te-giau-nhat-nhi-chau-phi-3671977.html)

/ Theo Hà Thu/VnExpress.net (theo CNN)