"Khoảnh khắc lúc đó cảm động lắm, tôi chảy nước mắt vì vài năm rồi mà nó vẫn nhớ mình” - đôi mắt rưng rưng, ông Trần Văn Giang tâm sự về người bạn diễn đặc biệt.
8 giờ sáng, tại khu vực tắm nắng, vệ sinh cho thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, một người đàn ông tóc muối tiêu lặng lẽ dùng vòi nước phun vào thân hình cao lớn của chú voi.Thời mua vé xem xiếc phải ‘đặt gạch”
Gần một tiếng đồng hồ quan sát, tôi thấy ông vừa tắm cho voi vừa thủ thỉ, nói chuyện tâm tình với nó như người bạn.
Ông là nghệ sĩ huấn luyện xiếc thú Trần Văn Giang (SN 1960). Tính đến thời điểm này, nghệ sĩ này đã có thâm niên 40 năm công tác trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Trần Nhân Tông - Hà Nội).
|
|
Nghệ sĩ huấn luyện và biểu diễn xiếc voi Trần Văn Giang. Ảnh: Gia Khánh |
Kể về những ngày đầu mới tiếp cận với bộ môn huấn luyện xiếc thú, ông Giang chia sẻ: “Đó là khoảng thời gian đáng nhớ. Bài học đầu tiên, tôi được thầy của mình hướng dẫn cách làm quen với thú.
Nhưng thầy vẫn thường nói muốn theo được nghề này, ngoài các kỹ năng, đòi hỏi người huấn luyện phải thực sự yêu động vật”.
Để được đứng trên sân khấu biểu diễn, ông Giang đã phải mất 6 năm. Nhiều lần ông tập luyện động tác cho voi nhấc một chân lên, dù đã cố hết sức nhưng nó vẫn không chịu hợp tác. Ông mệt mỏi, thất vọng ngồi thụp xuống đất, định bỏ nghề.
Chẳng hiểu có phải chú voi cảm nhận được tâm trạng huấn luyện viên hay vì lý do nào đó bất ngờ nó co chân lên rồi dùng vòi chạm vào người ông Giang như thể động viên. Nhờ vậy, ông lại vững tin vào con đường mình đã chọn.
“Động vật cũng có tình yêu thương và cảm xúc, chỉ khác là chúng không nói ra được. Mỗi lần chúng tập tốt, tôi thường dùng chuối, mía là thức ăn chúng thích nhất làm phần thưởng. Khi đó chúng rất vui” - ông Giang vui vẻ nói.
Theo ông Giang, từ những năm 1956 khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam bắt đầu thành lập thì xiếc thú đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với các thế hệ.
|
|
Nghệ sĩ Trần Văn Giang đang tắm cho chú voi có tuổi đời hơn 30 năm. Ảnh: Gia Khánh. |
Giọng trầm ngâm, ông nói: “Từ thời kỳ tiếp quản Thủ đô cho đến thời kỳ bao cấp, xiếc thú không chỉ là trò giải trí thông thường mà còn là phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi.
Tôi vẫn nhớ ngày ấy, chẳng có ti vi, mạng xã hội, các trò chơi điện tử và các trung tâm thương mại mua sắm như bây giờ. Mỗi học kỳ đạt được kết quả tốt, bao giờ bố mẹ tôi cũng thưởng cho một buổi đi xem xiếc. Cảm giác được đến rạp hồi hộp, tự hào và thích thú vô cùng.
Ngày nghỉ, dịp lễ Tết và các ngày đặc biệt, người dân thường kéo đến sở thú Thủ Lệ và rạp xiếc quốc gia xem thú biểu diễn xiếc”.
Vẫn theo lời ông Giang, người dân đến rạp xiếc rất đông. Muốn có vé, họ phải đăng ký mua trước 2, 3 tháng là chuyện bình thường. Ngay cả diễn viên trong đoàn muốn mua vé cho người nhà vào xem cũng khó khăn.
“Tôi nhớ có lần người bạn ra xếp hàng mua vé. Anh ta đứng gần hai người phụ nữ đang tranh cãi nhau chuyện “đặt gạch” xếp hàng.
Chẳng hiểu họ đánh nhau thế nào mà anh bạn tôi bị đòn oan, bị viên gạch ném vào đầu, phải khâu vài mũi” - nghệ sĩ Văn Giang kể tiếp.
|
|
40 năm gắn bó với công việc huấn luyện thú, nghệ sĩ Văn Giang chia sẻ ông coi những động vật mình dạy như con và dành cho chúng nhiều tình cảm yêu thương. Ảnh: Gia Khánh. |
Đang trò chuyện, bỗng ông Giang chợt im bặt rồi buồn bã tâm sự: “Xiếc thú là một trong những loại hình nghệ thuật khá hiệu quả, mang tính giáo dục cao. Nếu bỏ hoàn toàn xiếc thú thì vô cùng đáng tiếc".
Vẫn theo lời nghệ sĩ sinh năm1960, mỗi tiết mục xiếc thú như một giáo trình trực quan, giúp trẻ nhận biết các động vật hoang dã ngoài đời thực ra sao.
“Bình thường các cháu chỉ nhìn qua ti vi, phim, ảnh… Ở đây, các cháu sẽ được nhìn tận mắt con voi, con khỉ, con trăn thế nào. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để các cháu phát triển nhân cách, các giác quan và tình yêu thương với động vật” - ông Giang nói.
Giây phút trùng phùng với “người cũ” của nghệ sĩ diễn xiếc
Kể về công việc mình làm, nghệ sĩ Văn Giang hào hứng cho biết: “Quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện thú phải trên cơ sở khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.
Để huấn luyện một “diễn viên” thành thục trên sân khấu, người nghệ sĩ phải thực sự tâm huyết. Có khi phải cả năm trời mới đào tạo được một con.
|
|
Một màn biểu diễn xiếc gấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu của Rạp xiếc Trung ương. |
Thời gian luyện cho thú mỗi ngày chỉ vài tiếng nhưng thời gian người nghệ sĩ chơi đùa, gần gũi để nắm bắt tâm lý thú có khi mất cả ngày. “Hiểu được tâm lý, đặc tính của chúng thì mới thuần hóa được” - ông Giang cho hay.
Ngay từ khâu tuyển chọn, các huấn luyện viên cũng phải kỳ công, dành thời gian quan sát chúng hàng giờ liền. Con nào chậm chạp, ít vận động chắc chắn sẽ không được dùng.
Tuy nhiên cũng có những con thú đạt yêu cầu nhưng khi đưa vào huấn luyện lại không thích ứng được. Sau một năm phải đưa chúng trở lại khu sinh thái.
Nghệ sĩ Văn Giang chia sẻ thêm mỗi loài thú sẽ có độ tuổi biểu diễn khác nhau. Ví dụ chó trung bình là 10 năm nhưng voi có khi lên tới 20 - 30 năm.
Với động vật hoang dã như khỉ, voi, gấu, khi hết tuổi “lao động” chúng sẽ được đưa đến khu sinh thái, vườn quốc gia nuôi dưỡng, có chế độ đầy đủ. Chó và các vật nuôi khác được chính huấn luyện viên mang về nhà nuôi như thú cảnh.
Vẫn theo lời ông Giang, xiếc voi là đặc trưng của rạp xiếc Trung ương. Trước đây, rạp có ba con voi. Nhưng hiện giờ chỉ còn một con.
Do tuổi cao, Liên đoàn cho hai con “nghỉ hưu” tại khu vườn sinh thái. Nghệ sĩ Văn Giang gắn bó với chúng khá lâu, đặc biệt là Gấu - con voi ông nuôi từ lúc nó còn nhỏ nên cũng có nhiều kỷ niệm.
“Lúc tôi nhận về Gấu còn bé, nghịch và lỳ lợm. Tôi coi nó như con mình. Gấu cũng trái tính, hay thất thường.
Nhiều lần bướng quá, tôi nói nặng vài câu, cu cậu tỏ ra giận dỗi, mấy ngày tôi tắm rửa cho, nó chẳng tình cảm như mọi khi. Vậy mà tôi chỉ cần nịnh vài câu lại nó ngoan ngay. Trước ngày được đưa về khu sinh thái, tôi đến mang ít mía và đồ ăn nó thích nhưng Gấu bỏ ăn. Mắt cứ nhìn tôi như thể muốn nói điều gì đó.
Bẵng đi vài năm, trong một lần tôi đi du lịch đến khu Gấu đang ở. Tôi đi ngang qua khu vườn, đang mải mê chụp hình với gia đình thì nghe tiếng rống quen quen. Quay ra thì Gấu đang ve vẩy tai, hướng về phía tôi.
Khoảnh khắc lúc đó cảm động lắm, tôi chảy nước mắt vì vài năm rồi mà nó vẫn nhớ mình” - đôi mắt rưng rưng, ông tâm sự về người bạn diễn đặc biệt.
Gia Khánh
Phút nghẹt thở khi 7 con trăn quấn chặt người huấn luyện viên xiếc
Bốn lần gần như chết lâm sàng khi biểu diễn với trăn, mặc bố mẹ khóc cạn nước mắt nhưng NSƯT Tống Toàn Thắng vẫn không ... |
AFA khuyến nghị dừng biểu diễn xiếc thú hoang dã: Liên đoàn Xiếc VN nói gì?
Trả lời câu hỏi về việc khuyến nghị dừng biểu diễn xiếc thú hoang dã của Liên minh Châu Á vì động vật (AFA), NSND ... |