Công lý cho ngư dân

Sự kiện ngư dân Trần Văn Liên (Quảng Nam) được TAND tỉnh Quảng Nam tuyên thắng kiện đã và đang mang lại niềm hy vọng cho các ngư dân và dư luận. Công lý cần phải được thực hiện công bằng, nghiêm minh để giúp ngư dân.

cong ly cho ngu dan Tàu tiền tỉ nằm bờ, ngư dân vá lưới thuê kiếm ăn từng bữa
cong ly cho ngu dan Chỉ tên tàu cá Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam

Đây không chỉ là vấn đề đảm bảo công bằng cho ngư dân mà còn là yêu cầu bức thiết của việc thực thi một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

cong ly cho ngu dan
Con tàu 16 tỉ đồng của ngư dân Liên đứng bánh ngay khi đóng xong. (Ảnh: Tấn Thành).

Trong bối cảnh tình hình phức tạp trên Biển Đông, tình hình thiên tai, địch hoạ, biến đổi khí hậu với những diễn biến khó lường thì yêu cầu có được những con tàu lớn, vững vàng trước sóng gió biển khơi giúp ngư dân bám biển là yêu cầu bức thiết.

Có cùng với những ngư dân giữa muôn trùng sóng gió, tính mạng nhiều khi “ngàn cân treo sợi tóc” thì người ta mới thấu hiểu nỗi vất vả của người ngư dân, mới thấy công việc thường nhật họ đang làm không chỉ là mưu sinh thuần túy. Mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần bám biển, làm chủ ngư trường góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Thực hiện Luật Biển Việt Nam, phát huy vai trò của ngư dân trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Nghị định 67-CP với nhiều chính sách phát triển thủy sản đã ra đời.

Một Nghị định được cho là đã tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại trong thời gian dài, thỏa ước mơ của ngư dân trong việc đóng tàu lớn vươn khơi.

Sau một thời gian triển khai, đã có 2.284 con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67-CP. Nhiều tàu vỏ thép trở thành những điểm sáng trong việc khai thác, đánh bắt hải sản, làm chủ ngư trường.

Tuy nhiên, oái oăm thay, thời gian qua cũng đã xảy ra rất nhiều trường hợp tàu vỏ thép không được đóng theo đúng quy cách, không đảm bảo chất lượng, thậm chí vỏ tàu, máy tàu bị thay thế bằng hàng kém chất lượng, khiến các chủ tàu lao đao, không ít gia đình ngư dân phá sản, lâm vào thế bần cùng, nợ nần chồng chất, gây bức xúc hoài nghi trong dư luận xã hội…

Chỉ tính riêng tại tỉnh Bình Định, trong một thời gian ngắn có 47 con tàu vỏ thép được đóng mới, vươn khơi. Nhưng chỉ sau vài chuyến đi biển đã có 17 tàu bị hỏng, phải nằm bờ là một việc bất bình thường, không thể chấp nhận được.

Một chủ trương, chính sách lớn như vậy, không chỉ cần sự cố gắng, nhiệt thành của các ngư dân mà còn cần phải có sự tiếp sức, đồng tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, của ngành chủ quản, của các công ty.

Có thể “vạn sự khởi đầu nan”, có những con tàu thiết kế chưa chuẩn, có những trang thiết bị chưa phù hợp. Nhưng không thể chấp nhận được việc làm ăn gian dối, thay loại vỏ thép, thay đổi máy tàu, trang thiết bị… như việc hợp đồng đóng vỏ tàu bằng thép Nhật hay Hàn Quốc, mà lại thay bằng thép Trung Quốc, hay thay máy tàu bằng máy Trung Quốc...

Trách nhiệm giám sát, bảo đảm, bảo toàn cho ngư dân yên tâm ra khơi, lẽ ra đầu tiên phải là các cấp chính quyền, ngành chủ quản, các cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm. Đây không phải là chỗ cho kẻ gian tham, cơ hội lợi dụng.

Nói như ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Ngư dân yêu cầu các cơ sở đóng tàu phải có chất lượng. Đối với các cơ sở đóng tàu cần phải có lương tâm, vì đây là một nghị định rất lớn của Chính phủ cho vay để đóng mới các tàu cá, vừa đảm bảo chủ quyền, vừa phát triển kinh tế của ngư dân cũng như của cả nước”.

Hay như ý kiến ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Chủ trương hiện đại hoá đội tàu cá, giúp ngư dân vừa tăng kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền trên biển, không thể để một số trục trặc làm ảnh hưởng ý nghĩa lớn của chính sách này. Hội Nghề cá Việt Nam ủng hộ việc các ngư dân khởi kiện vụ việc ra toà.

Ngư dân nói riêng, người dân nói chung phải đưa vấn đề, vụ việc ra toà, đến cửa quan thật là sự bất đắc dĩ, bước đường cùng. Trách nhiệm làm rõ vấn đề, từng vụ việc là trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong đó có các cơ quan tố tụng.

Và, việc yêu cầu các cơ quan phải vào cuộc thực sự một phần để hỗ trợ ngư dân, nhưng đồng thời để bảo vệ một chính sách đúng đắn, cần thiết của Đảng, Nhà nước. Xung quanh vấn đề này, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ.

Việc làm rõ nguyên nhân, xử lý đích đáng trách nhiệm là đòi hỏi bức thiết của xã hội. Nhưng vấn đề trước mắt, với những thoả thuận dân sự bị làm gian dối, sai lệch cần phải được bồi thường thoả đáng. Khó có thể tính đếm được những hậu quả của việc làm ăn gian dối, cơ hội trong việc đóng tàu vươn khơi, khiến tàu của ngư dân phải nằm bờ.

Như vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (Quảng Nam), mặc dù Toà tuyên thắng kiện, nhưng đến bao giờ gia đình ngư dân mới có được tiền để đóng tàu mới ra khơi?

Tiền đền bù cho ngư dân cũng mới chỉ là tiền mua máy. Chưa thể tính được bao nhiêu thiệt hại cho những ngày nằm bến, nằm bờ…

Vụ xử kiện tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên cũng mới là “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng mở ra những tiền lệ tốt cho ngư dân.

Một chủ trương, chính sách lớn liên quan đến ngư dân, đến phát triển kinh tế biển, làm chủ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cần phải được thực hiện tốt và trước mắt là bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của ngư dân, xử lý nghiêm những kẻ làm ăn gian dối, gây ra những hệ lụy cho ngư dân.

Vẫn quyết tâm vươn khơi

Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tuyên ngư dân Trần Văn Liên - chủ tàu vỏ thép QNa 94679 TS, trú thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thắng kiện Công ty đóng tàu Tàu 67 . Đây là câu chuyện thời sự rất nóng ở Quảng Nam những ngày qua.

Tiếp chúng tôi ngay trên nền nhà mà vợ chồng ông Liên đang đan lưới để mưu sinh. Ông Liên cho biết: “Hai năm rồi tàu đứng bánh, gia đình tôi sống trong nỗi lo nợ nần chồng chất, vất vả trong mưu sinh, giờ toà tuyên tôi thắng kiện, nhưng biết chừng nào mới nhận được tiền để mua máy tiếp tục vươn khơi, bám biển. - ông nói mà mắt ngấn lệ.

Ông Liên trần tình, hồi trước ông có một tàu gỗ công suất thấp, với bao nhiêu năm bám biển mà không khá lên được, ông mơ ước một ngày nào đó mình có con tàu lớn để vươn khơi xa.

“Thế rồi Nghị định 67 ra đời, nó giống như một phép nhiệm màu. Theo tôi, đây là một chính sách rất hợp lòng dân. Nó không chỉ là giúp bà con vươn khơi xa, đánh bắt thuỷ hải sản hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế rồi chạy vay ngân hàng, bán hết tài sản để đóng con tàu QNa 94679 TS lên đến 16 tỉ đồng. Khi nó ra đời, cao to sừng sững, khó có thể nói hết niềm vui của của gia đình tôi. Thế nhưng với sự vô trách nhiệm của các bên liên quan, giờ đây tôi phải gánh nỗi cay đắng, tiền tỉ bỏ ra mà tàu không vươn khơi được?”- ông Liên nói.

Ông Liên kể lại: “Tối hôm 29/3/2016, Công ty Bảo Duy gọi điện thoại bảo tôi ra để chạy thử tàu để sáng hôm sau chạy đường dài nhưng không có bộ phận kỹ thuật của Công ty Liên Á nên tôi không dám chạy. Sau đó, Công ty Bảo Duy đã thuê tài công điều khiển tàu chạy và bị hỏng máy. Thế là tàu nằm bờ gần 2 năm nay.

Ông Liên cho biết, thời gian tới, nếu Công ty Bảo Duy trả tiền bồi thường 2,8 tỷ đồng, ông sẽ đi mua máy tàu lại và thuê kỹ thuật vào lắp ráp để tàu hoạt động sớm vươn khơi đánh bắt hải sản, đồng thời, có thu nhập để trả nợ ngân hàng.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/cong-ly-cho-ngu-dan-378730

/ Kiên Long/daidoanket.vn