Tiếng gọi “Leng” như tia chớp xé rách màn đêm. Con Leng chợt bừng tỉnh và khép miệng lại, nhưng bàn chân trái của nó kịp tát vào vai Minh, rồi nó nhảy vọt ra xa và vùng vằng với sợi dây da trâu.
Con hổ Leng (Kỳ 34) |
Con hổ Leng (Kỳ 33) |
Con hổ Leng (Kỳ 32) |
Làm chuồng xong, Minh lại ra huyện tìm mua một chiếc máy phát điện chạy sức nước hiệu Ðông Phong của Trung Quốc, có công xuất 75W. Anh về đoạn suối chảy sau nhà chọn một chỗ nước chảy dòng nhỏ nhưng xiết để làm đập. Chỉ mất chưa đầy nửa ngày là anh xếp đá cuội thành cái đập cao khoảng hơn một mét, rồi lấy một đoạn ống bương lớn nối dòng chảy vào chiếc máy phát điện, kéo thêm hơn trăm mét dây từ suối về… Thế là tối hôm đó, căn nhà ông Tài bừng sáng bởi hai bóng đèn điện 30W. Ánh sáng của hai bóng điện làm căn nhà ông Tài rực rỡ hẳn lên và đứng từ cuối bản đã thấy. Ngày hôm sau, bà con nô nức đến xem “Lý Pờ Minh mang cái điện về cho ông Tài”. Có điện, mà lại thắp sáng thoải mái, không lo bị tắt nên Minh lại ra huyện mua cho bố chiếc đài bán dẫn loại lớn. Chiếc đài mang nhãn hiệu Xiemao của Trung Quốc. Loại này vừa chạy điện, vừa chạy pin. Nhưng khi mang đài về, Minh thất vọng, vì sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam đến với vùng này yếu quá. Bập bõm, tiếng được, tiếng mất, rồi lại rú rít, nghe nhức cả tai. Trong khi đó, đài Trung Quốc, đài Lào, đài tiếng Mông nghe rõ mồn một.
Từ hôm có Minh về, căn nhà như ấm lên. Tối nào căn nhà cũng đầy ắp khách. Họ hàng tới chơi thì chả bàn, nhưng nhiều hơn cả là anh em cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm và các cô gái trong bản. Với người dân bản Mun, Lý Pờ Minh là một chàng trai mẫu mực. Mọi người được nghe kể nhiều về các vụ án hình sự mà Minh có công phá, nhưng mọi người quý anh là bởi vì anh hiếu thảo, lại không rượu chè say sưa như nhiều thanh niên khác ở bản. Ngay cán bộ xã, cũng có không hiếm người hễ cứ có chén rượu vào là biến thành con người khác.
Các cô gái ở bản nhiều người phải lòng Minh đến khốn khổ. Thậm chí, có lúc cần người giúp đỡ, ông Tài không bao giờ dám nhờ đám con gái. Vì chỉ nhờ một đứa nào thôi là ngay lập tức đã có lời đồn là “con dâu ông Tài”. Thật ra, ông Tài cũng muốn Minh lấy vợ sớm cho nhà đỡ quạnh. Nhưng Minh được đưa đi học văn hóa dưới Hà Nội từ năm mới 15 tuổi, rồi lại đi học công an, học xong vào cảnh sát cơ động, tăng cường cho biên giới mất gần hai năm, rồi khi về cảnh sát hình sự thì cũng đi suốt. Ở Mường Mun, con gái lấy chồng từ rất sớm, thường là 18 tuổi đã về nhà chồng. Ðấy là sau này, chứ ngày xưa, nhiều cô chưa tới 20 tuổi mà đã có vài mặt con. Cảnh học sinh đến lớp mà cõng theo con là chuyện thường tình ở hầu hết các xã của Mường Báng và các xã vùng cao của tỉnh Yên Hưng.
Còn với Minh, cũng nhiều lúc anh muốn lấy vợ ngay ở bản để có người đỡ đần, chăm sóc bố. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Minh thấy cũng khó ổn vì anh công tác ngoài tỉnh, mỗi năm về nhà được vài ba lần, như thế thì cũng khổ vợ. Anh thấy một số cán bộ công an ở tỉnh, có vợ ở xa, cuộc sống thật vất vả, nhất là những anh quê ở dưới xuôi. Thậm chí, có người ở công an tỉnh, cách nhà có hai chục cây số, mà có khi cả tháng chả về được một lần. Có anh từ lúc vợ có chửa, đến lúc đẻ, con biết lẫy mới biết mặt con… Huống hồ từ tỉnh về nhà anh là hơn trăm cây số, mà còn chưa có đường ôtô vào đến tận nơi. Làm công an, nếu chỉ sống bằng lương thì cũng chỉ đủ nuôi thân mình. Còn nếu muốn khá thì không có cách nào khác là phải tìm cách ăn tiền… Minh biết quá nhiều cách kiếm tiền bất chính của anh em các đơn vị cảnh sát giao thông, hình sự, kinh tế, an ninh cửa khẩu… Ðược chứng kiến đủ cái mặt trái lẫn mặt phải của nghề công an, lắm lúc Minh thấy muốn bỏ nghề. Ðiều làm Minh sợ nhất là không ít cán bộ công an, bình thường nói rất hay và luôn luôn khuyên răn cấp dưới là phải sống tốt, phải liêm chính, phải vì dân, phải thế nọ, phải thế kia… toàn những lời tốt đẹp. Nhưng đằng sau những lời nói đó thì lại là những mưu mô, mánh khóe kiếm tiền. Cũng đã có người bảo Minh: “Muốn kiếm tiền thì đừng có vào công an”. Với Minh, anh chưa bao giờ nghĩ vào công an để có đồng lương cao… Anh vào công an, như thể chính nghề công an chọn anh, chứ không phải anh chọn.
***
Có một điều mà làm Lý Pờ Minh áy náy không yên, ấy là khi anh nhìn thấy con Leng hung hăng săn đuổi những con chồn, con thỏ hay những con lợn cỏ mà ông Tài bẫy được ngoài rừng đem về.
Ðang hiền lành, ngoan ngoãn như thế, nhưng thoắt cái, nó trở nên hung dữ, mạnh mẽ và quyết đoán. Cái hang Minh làm cho nó, nhưng khi một con chồn chui vào đó, vậy là nó phá tung cái hang, hất văng những khúc gỗ dựng làm nóc, lấy chân gạt bay những hòn đá cuội… Con lợn cỏ nặng hơn chục kg, vậy mà nó tát một phát, làm con lợn quăng đi có đến ba chục mét, đập đầu vào hàng rào chết ngay… Mà con Leng lúc này mới chỉ nặng chưa đầy năm chục cân. Không hiểu khi nó nặng cả tạ thì sức mạnh của nó còn đến mức nào.
Một tối, anh nói với bố về nỗi lo lắng của mình và bảo:
- Hay con thử xích nó lại nhé? Nó bây giờ còn nhỏ, phải tập xích cho quen.
Ông Tài gật đầu:
- Con thử xem. Bố chỉ sợ nó phá thôi. Ừ, lẽ ra bố phải xích nó khi còn đang bú, bây giờ lớn thế này, xem ra không dễ đâu.
Hôm sau, ông Tài và con Lếch lại đi nương. Ở nhà còn Minh với lũ hổ, gấu, khỉ… Minh lấy tấm da trâu mà ông Tài treo gác bếp từ thuở nào ấy mang xuống, chọn đoạn dày nhất làm cái vòng cổ cho con Leng. Anh phải phá một cái thắt lưng cũ để lấy bộ khóa. Làm xong, anh gọi con Leng vào, treo vào cổ nó. Lúc đầu, con Leng cũng có vẻ khó chịu, nhưng rồi thấy cái vòng chả ảnh hưởng gì lắm nên nó cũng có thái độ bằng lòng. Minh lại cắt một đoạn da trâu dài khoảng hơn hai mét, làm dây và buộc vào cổ con Leng rồi lôi nó ra gốc đào…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Con Leng chợt cảm thấy nguy hiểm vì từ bé đến giờ, nó luôn được vỗ về, âu yếm, nay lại bị buộc cổ và bị lôi đi một cách phũ phàng. Nó vùng vẫy, cong người lại, bốn bàn chân xòe hết các vuốt như bấu chặt vào nền đất để cưỡng lại sức kéo của Minh.
Vừa kéo nó, Minh vừa dỗ dành:
- Nào, đừng sợ Leng. Tao không làm gì mày đâu. Tao buộc thử mày vào đây cho quen thôi mà…
Nhưng lúc này thì con Leng không còn nghe thấy gì nữa. Nó phải tìm cách thoát ra… Cưỡng lại thì không được bởi sức kéo của Minh quá khỏe. Và trong khoảnh khắc, con Leng đã tìm ra cách. Ðang cố sức chống lại Minh thì bất ngờ nó buông lỏng người, nhảy về phía Minh làm anh mất đà ngã ngửa. Con Leng nhảy vọt lên, cả thân hình nó phủ lên người Minh, miệng nó ngoác ra như sắp đớp vào cổ họng anh. Minh vội giơ tay lên cản và kêu lên:
- Leng, tao đây mà.
Tiếng gọi “Leng” như tia chớp xé rách màn đêm. Con Leng chợt bừng tỉnh và khép miệng lại, nhưng bàn chân trái của nó kịp tát vào vai Minh, rồi nó nhảy vọt ra xa và vùng vằng với sợi dây da trâu. Cú tát tuy nhẹ nhưng cũng cũng khiến chiếc áo cảnh sát bị xé toang và vai Minh bị toạc ba đường vuốt cào, máu tứa ra.
Minh cố trấn tĩnh, anh nén đau, ngồi dựa lưng vào gốc đào và cứ để máu chảy. Anh gọi tha thiết:
- Leng, lại đây nào. Tao xin lỗi mày… Tao làm mày sợ. Nào Leng… lại đây.
Con Leng cũng đã bình tĩnh lại. Nó lừ lừ lại gần Minh, nhưng vẫn giữ một khoảng cách vừa phải. Ánh mắt nó nhìn Minh gườm gườm và pha chút ngạc nhiên. Nó không hiểu nổi rằng tại sao con người này đang rất yêu quý nó và nó cũng đang rất thích được người này yêu thương nay lại giở mặt nhanh như thế. Tại sao lại định buộc nó vào gốc cây đào kia… Người này là bạn, là ông chủ hay là kẻ thù?
Minh cũng nhìn như xoáy vào mắt con Leng. Ánh mắt anh lộ rõ vẻ buồn bã, thất vọng và pha chút ân hận. Anh nói nhẹ nhàng:
- Leng, lại đây. Tao tháo dây cho mày…
Nói xong, anh đứng lên, cố nén đau, anh đi chậm rãi về phía con Leng. Nó vẫn đứng im, nhìn anh bằng cặp mắt cảnh giác cao độ. Minh nhích dần, nhích dần về nó, hai tay anh giơ ra và nói thầm thì :
- Tao xin lỗi mày rồi mà… Sao mày giận dai thế. Nào, để tao tháo vòng ở cổ cho.
Khi anh gần chạm được vào Leng thì nó đã ngửi thấy mùi máu. Ánh mắt nó sáng rực lên khi ngửi thấy mùi máu tanh tanh. Mùi máu như đánh thức bản năng săn mồi của nó thức dậy. Chả lẽ con người đang ngồi kia lại là con mồi của nó hay sao? Không phải, mới lúc trước, nó vẫn còn được đùa, vẫn còn được nhận nhưng cái vuốt ve âu yếm, vẫn còn được nghe những lời nói dịu dàng lắm kia mà… Nó gừ lên một tiếng nhỏ rồi đi vòng quanh Minh. Sợi dây da trâu bị nó kéo vướng vào chân Minh, nhưng anh không cúi xuống nhặt, mà Minh ngồi xuống. Anh lấy tay vuốt máu trên vai, rồi chìa bàn tay ướt máu về phía nó.
Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong