Việc xử lý cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ở Quảng Bình phạt tát học sinh 231 cái gây tranh cãi, trong đó có quan điểm cho rằng khởi tố vụ án là quá nặng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Ninh quyết định khởi tố vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khi phạt học sinh 231 cái tát khiến em này nhập viện; đồng thời củng cố hồ sơ để sớm khởi tố bị can.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục xảy ra hiện tượng giáo viên xử phạt học sinh theo hình thức trên, cũng là lần đầu tiên một cô giáo bị khởi tố về hành vi như vậy. Tuy nhiên, hình thức xử lý cô giáo nên như thế nào còn đang là sự tranh luận với xã hội.
Nhận định về vụ việc này, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho biết, theo điều 140 của Bộ luật Hình sự quy định, người nào có hành vi tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc vào mình thì cấu thành tội hành hạ người khác. Hành vi của cô Nguyễn Thị Phương Thủy đủ yếu tố để cấu thành tội phạm này.
Trường THCS Duy Ninh - nơi xảy ra vụ việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái (Ảnh: Người Lao động)
Một phần nguyên nhân của hành vi trên là áp lực thành tích của trường. Lớp của cô giáo Thủy không có thành tích tốt cả về học tập lẫn thi đua, trong khi trường lại có phong trào lớp nào bị phát hiện nói tục thì sẽ bị trừ điểm.
Điều đó làm giáo viên bị nhiều áp lực và bản thân cô giáo Thủy cũng là người mới chuyển đến trường nên áp lực thi đua đặt ra càng lớn. Áp lực thi đua cộng với căng thẳng dồn nén trong lúc nóng giận khiến cô Thủy áp dụng hình thức răn đe phản giáo dục.
Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án điều tra hành vi của cô giáo Thủy. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Thanh Bình, việc khởi tố vụ án hình sự là quá nghiêm khắc và cần xem xét thêm các yếu tố khác để giải quyết một cách thỏa đáng.
Theo luật sư Bình, trường hợp trên nên áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, phù hợp của ngành giáo dục như: điều chuyển công tác đối với cô giáo Thủy để làm việc khác hay buộc thôi việc.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Ảnh: Người Lao động)
Để ngăn chặn những hành vi giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh, luật sư Bình cho rằng ngành giáo dục phải có biện pháp giải quyết từ gốc rễ như xóa bỏ bệnh thành tích, chạy đua với danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường điểm. Bởi điều này đã tạo ra áp lực rất lớn lên cả thầy cô giáo và học sinh, rồi sẽ dẫn đến hiện tượng đáng tiếc như vụ việc này.
Vẫn nên duy trì đội “sao đỏ”
Đồng quan điểm với luật sư Phạm Thanh Bình, thầy giáo Tôn Sỹ Dũng cho rằng, hiện nay, áp lực thành tích trường đạt chuẩn quốc gia hạng II, hạng III không chỉ diễn ra ở trường của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy mà còn với nhiều trường học khác.
Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu đó cũng là một áp lực lớn với các thầy cô giáo vì ở trong cùng một trường không phải tất cả học sinh đều học giỏi, chăm ngoan mà còn có những em học tập chưa tốt, nghịch ngợm.
Cho rằng hành vi phạt tát học sinh của cô giáo Thủy đúng là xâm phạm đến nhân phẩm của học sinh, là việc làm chưa từng có trong ngành Giáo dục, nhưng theo thầy giáo Tôn Sỹ Dũng cần có biện pháp xử lý nhân văn hơn như điều chuyển cô giáo sang làm công tác đoàn đội hay công việc khác hơn là áp dụng hình thức xử lý hình sự, vì cô giáo Thủy cũng nhận thấy điều sai trái của mình.
Học sinh bị các bạn cùng cô chủ nhiệm tát dẫn đến nhập viện.
Trong những ngày qua, cô Thủy chịu áp lực lớn từ vụ việc này nên bị khủng hoảng, chấn thương tâm lý mạnh, phát ngôn bất thường và có hành động là đập đầu vào tường. Bản thân cô giáo đang nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi.
Thầy giáo Tôn Sỹ Dũng cho rằng, trong câu chuyện này, việc xử lý vụ việc vẫn đang đợi cơ quan công an làm rõ, đưa ra mức xử phạt. Tuy nhiên, chúng ta hãy cho cô giáo một con đường để có thể nhận thức ra việc làm sai trái và có hướng điều chỉnh tốt hơn là đẩy vụ việc, dồn nén cô giáo đến mức không còn lối hướng thiện.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường không nên duy trì đội “sao đỏ” vì đây chỉ là những học sinh nối dài cánh tay chỉ đạo hình thức xử phạt của nhà trường, giáo viên lên những học sinh khác. Tuy nhiên, luật sư Phạm Thanh Bình đưa quan điểm vẫn nên duy trì đội sao đỏ để nâng cao tinh thần tự quản, tinh thần tự giác cho học sinh.
Bản thân nhà trường, giáo viên không thể kiểm soát được hết các hoạt động sinh hoạt lớp. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được cách thức làm việc của đội “sao đỏ” để không để xảy ra biến tướng sang những hành vi khác.
Về vấn đề này, thầy giáo Tôn Sỹ Dũng nêu quan điểm, thực tế là nếu trường học không có đội “sao đỏ” thì sẽ rất khó khăn cho giáo viên trong việc kiểm tra học sinh đi học như thế nào, có thực hiện đúng các nếp sống văn minh không...
Thực tế chứng minh trong thời gian qua, đội “sao đỏ” của các trường học giúp các trường học quản lý học sinh tốt hơn. Còn ở đâu đó xuất hiện “sao đỏ” chỉ là cánh tay nối dài việc áp đặt hình thức xử phạt hà khắc của nhà trường, giáo viên chỉ là con số nhỏ.
Thầy Tôn Sỹ Dũng nêu quan điểm, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì đội “sao đỏ”. Để kiểm soát hoạt động của đội có thiết thực và hữu ích hay không thì chính nhà trường, phụ huynh có thể thực hiện được thông qua hình thức đánh giá thường xuyên.
Xác nhận cô giáo buộc dây giữ bé mầm non là có thật
Kết quả xác minh khẳng định việc cô giáo ở Trường Mầm non B Trực Đại (Nam Định) buộc dây vào áo để “giữ” một ... |
Gia đình nam sinh tha thứ cho cô giáo ở Quảng Bình
Thấy nam sinh bình thường trở lại sau khi hứng 230 cái tát, cô giáo hối lỗi nên phụ huynh đồng ý bỏ qua sự việc. |
Cô giáo phạt học trò 231 cái tát: “Sự thất bại trong giáo dục tư duy phản biện”
Đánh giá về vụ việc cô giáo phạt học trò 231 cái tát đang gây bức xúc trong dư luận, nhiều chuyên gia cho rằng ... |