Giáo viên đánh học sinh; vì bênh con, phụ huynh xông lên bục giảng tát giáo viên... Hàng loạt những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến cho mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trở lên căng thẳng.
Phụ huynh đánh giáo viên: Sự sòng phẳng trong giáo dục quá dã man! |
Xin đừng biến nhà trường thành cái chợ |
Phụ huynh động thủ
Ngày 28.9 vừa qua, một nhóm phụ huynh đã xông vào lớp 2C Trường Tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) để chửi bới, tấn công cô giáo Phạm Thị H (26 tuổi). Lý do được cho rằng trước đó, cô giáo này đã nhắc nhở và dùng thước đánh vào tay một học sinh vì em này không mặc đồng phục và nói chuyện riêng trong giờ học.
Ngay sau đó, UBND huyện An Dương đã đề nghị công an huyện vào cuộc. Do sức khỏe yếu, bị áp lực lớn nên cô H đã bị ngất và phải vào điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Hiện sức khỏe cô giáo H chưa được cải thiện, vẫn hay mê sảng, nôn ói...
Cô giáo Phạm Thị H (26 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Đặng Cương (TP.Hải Phòng) đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: tư liệu
Sau khi sự việc xảy ra, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã phải gửi công văn đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những người hành hung cô giáo ở Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng phụ huynh có những cư xử nóng nảy, sẵn sàng xông vào bục giảng xuống tay đánh thầy cô giáo để bênh vực cho con em mình. Trước đó cũng có hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận.
Tháng 3.2017, cô giáo Bùi Thị Huyền T – giáo viên dạy bộ môn khiêu vũ thể thao tại Hải Tân (TP.Hải Dương) đã bị phụ huynh của học sinh cũ của mình đánh và cắn đứt tai chỉ vì mâu thuẫn trong việc dạy học năng khiếu cho con mình. Trước đó, tháng 10.2016, phụ huynh Lê Thị Cúc (là giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã nhận hình thức xử phạt hành chính 7 triệu đồng vì trước đó gây gổ, tát một cô giáo trong trường do hiểu nhầm cô giáo này làm xước má con mình.
Giải thích về những nguyên dân dẫn đến việc phụ huynh càng ngày càng manh động, thiếu kiềm chế và sẵn sàng ra tay với giáo viên – những người đang trực tiếp giảng dạy con mình, các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là hệ quả của việc nhiều người đang coi giáo dục như một dịch vụ có thể mua bằng tiền.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trước đây, cha mẹ quá bận rộn và cũng có quá nhiều con, họ không thể để ý hết được và thường tin tưởng, giao phó việc dạy dỗ con cho thầy cô, nhà trường. Bên cạnh đó, truyền thống tôn sự trọng đạo luôn khiến các bậc cha mẹ phải tâm niệm “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… Giờ thì khác, cuộc sống khá giả và thoải mái hơn, con cái cũng ít (mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 con) khiến các bậc cha mẹ có nhiều thời gian quan tâm đến con và bắt đầu có tư tưởng coi con cái mình là số 1.
“Tôi đã nghe rất nhiều lần câu này: “Mình đã đóng rất nhiều tiền cho con ở trường thì con mình phải được chăm sóc tốt nhất”. Tức là người ta đã coi giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ chứ không phải coi nó thuần túy là một ngành cống hiến cho xã hội như trước nữa. Chính vì vậy họ bắt đầu cư xử theo hướng mua – bán, đặc biệt là ở trường tư. Họ bắt đầu đòi hỏi giáo viên phải thế này, thế kia” – bà Hương nói.
Theo bà Hương, khi phụ huynh giơ tay tát giáo viên, đó không phải là sự bênh vực mà đó là sự trả thù theo kiểu: “Cô đánh con tôi thì tôi đánh cô”. Điều đó không mang lại gì cho đứa trẻ cả, ngược lại nó làm cho đứa trẻ không còn tôn trọng thầy cô. Khi không tôn trọng thầy cô, con trẻ sẽ khó mà học được điều gì từ trường lớp.
Phạt tiền thầy cô - nên hay không nên?
Khi môi trường giáo dục chỉ còn là dịch vụ tình – tiền thì mọi cư xử đều trở nên rất sòng phẳng. Sự sòng phẳng trong giáo dục rất là dã man, nó đẩy mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trở lên tồi tệ mà người chịu thiệt thòi không phải ai khác chính là con trẻ”.TS Vũ Thu Hướng |
Để giải quyết mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên trong các trường hợp tương tự, một số chuyên gia giáo dục cho rằng: Phụ huynh không cần “động thủ” mà nên dựa vào các quy định của pháp luật để xử lý.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, nếu giáo viên đánh học sinh chỉ cần dựa theo luật mà xử lý. Ông Tùng dẫn chứng: “Theo điều 21 Nghị định số 138/2013 đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: giáo viên có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học. Hình phạt bổ sung là đình chỉ dạy học từ 1 – 6 tháng. Thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND quận, huyện và thanh tra các Sở GDĐT...
“Như vậy, khi giáo viên đánh học sinh, phụ huynh cũng đừng vì thương con mà nổi nóng xúc phạm nhân phẩm và thân thể thầy cô. Cứ xử lý theo luật, việc nộp tiền và đình chỉ dạy học là đau xót lắm rồi” – ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không nghĩ thế. Chị Nguyễn Thị Thu - phụ huynh có con học tại Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, nếu đã kiện để phạt tiền thầy cô thì cũng coi như là mình ký vào đơn đề nghị... chuyển trường hoặc chuyển lớp cho con. “Sau sự việc chắc chắn con không thể yên ổn học tiếp thầy đó, cô đó được nữa, càng không thể tiếp tục học ở ngôi trường đó. Chính vì vậy, kiện thầy cô chỉ nên là giải pháp cuối cùng nếu sự việc quá nghiêm trọng, còn không thì không nên” – chị Thu nói.
Phụ huynh Bùi Thị Thủy (phố Phạm Ngũ Lão, TP.Hải Dương) thì cho rằng, quy định về phạt tiền thầy cô giáo cũng khá mơ hồ: “Nếu cô đánh con gây thương tích thì còn có bằng chứng để kiện, còn xúc phạm nhân phẩm, ngược đãi bằng cách hình phạt khác ảnh hưởng đến tâm lý thì không đo đếm được. Chỉ qua lời con kể liệu có đòi được công bằng không?” – chị Thủy đặt câu hỏi.
Ở khía cạnh khác, TS Vũ Thu Hương cho biết, trong các trường hợp tương tự, phụ huynh nên gặp trực tiếp thầy cô để nói chuyện: “Nếu sự việc không quá nghiêm trọng, phụ huynh có thể nhẹ nhàng nói với thấy cô là mình biết sự việc và cho rằng hành động của cô là không nên, là vi phạm pháp luật. Nhắc nhở như thế cũng khiến thầy cô sợ và nể rồi, không cần phải “động thủ” – bà Hương nói. /.
http://danviet.vn/tin-tuc/co-danh-tro-phu-huynh-danh-co-da-co-luat-van-thich-dong-thu-811009.html