Vụ hành hung giáo viên có mô-típ: Cô đánh trò. Phụ huynh đánh cô. Lớp học được tận dụng làm võ đường, nơi mà lễ, văn không còn quan trọng.
Kỷ luật làm nên đứa trẻ ngoan |
Dưới mái trường có những con số phi thường đến khó tin |
Thời gian thấm thoát thoi đưa, những ký ức về thời ấu thơ trong tôi ngày càng mờ nhạt. Duy chỉ có hình bóng, thậm chí cả giọng điệu của cô H. - một trong những cô giáo chủ nhiệm ở bậc tiểu học là thường xuyên vọng vào tâm trí, khiến tôi không thể quên được.
Cô giáo ấy sắp về hưu, nổi tiếng vì phương pháp dạy Toán giỏi và những hình phạt “nhớ đời”. Đến tiết học của cô, nhiều bạn sợ tới nỗi không dám xin đi vệ sinh. Có hôm, một bạn không nhịn được, chưa nói hết câu “Thưa cô” đã “bĩnh” cả ra quần. Mỗi lần bị cô đánh hoặc bắt đứng im cho các bạn “Ê” một tràng dài vì làm tính sai, lũ trẻ chúng tôi đều nghĩ rằng mình và bạn học đáng bị như thế. Còn bố mẹ chúng tôi thì tỏ ra vô cùng mãn nguyện khi con mình được vào lớp cô H.
Những tưởng, học sinh thời nay không phải nếm trải loạt cảm xúc tiêu cực mà chúng tôi từng đối mặt. Bởi học sinh bây giờ được coi là trung tâm của lớp học; các thầy cô giáo cũng phải đắn đo kỹ càng trước khi muốn “dạy võ”, nạt nộ học trò khi mà dưới ngăn bàn là những chiếc smartphone kết nối 3G, 4G chỉ chờ đợi thầy cô “mất kiểm soát” để tạo “biến” trên mạng xã hội.
Thế nhưng, những sự việc ồn ào liên quan đến ngành giáo dục thời gian qua khiến tôi hoang mang, không biết đâu mới là chủ nhân thực sự của lớp học.
Mấy ngày trước, khi dân tình vẫn chưa hết xôn xao về chuyện lạm thu tại trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP.Hải Phòng), cô Trần Thị Hải - một giáo viên ở ngôi trường này bị phụ huynh tát ngay trong lớp học.
Cô giáo Hải phải nhập viện sau khi bị phụ huynh xông vào lớp hành hung. Ảnh: VietNamNet.
Được biết, cô Hải đã dùng thước đánh vào tay (để lại thương tích) khi thấy học sinh không mặc đồng phục. Nhưng đó không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến mẹ em này hành xử côn đồ với người dạy dỗ con mình. Trong lúc hỏi chuyện, bà nội em đã chỉ tay vào mặt cô Hải, cô Hải dùng tay hất tay bà ra. Mẹ học sinh này đã tát vào mặt cô Hải vì cho rằng hành động đó là "láo với người già".
Sự việc khiến tôi nhớ lại vụ hành hung giáo viên cũng xảy ra vào khoảng thời gian này năm ngoái, khi ngày tựu trường chưa qua được bao lâu. Mẹ học sinh đã vào tận trường tiểu học và THCS Đức Trí (quận Hải Châu, Đà Nẵng), xô ngã và tát vào mặt cô giáo rồi mới phát hiện ra mình tát nhầm, người gây ra vết xước trên má con bà là một giáo viên khác. Mọi chuyện trở nên ầm ĩ một phần vì người mẹ là giáo viên THPT ở Đà Nẵng.
Và còn không ít vụ hành hung diễn ra theo mô-típ: Cô đánh trò. Phụ huynh đánh cô. Lớp học được tận dụng làm võ đường, nơi mà lễ, văn không còn quan trọng bằng mục tiêu "ăn miếng trả miếng".
Thường thì, người ta sẽ nghiêng hẳn về một bên (phụ huynh/giáo viên) rồi chỉ trích bên còn lại mà không nhận ra tất cả các bên đều ngộ nhận về chỗ đứng của mình. Một khi thầy không ra thầy, trò không ra trò, phụ huynh không ra phụ huynh thì mọi giá trị sẽ bị đảo lộn.
Thử hỏi, một cô giáo chưa giữ đạo làm thầy dựa vào đâu để đòi hỏi học trò phải “tôn sư”.
Các bậc phụ huynh dựa vào đâu để đòi hỏi thế hệ F1 sống tử tế khi chính họ chỉ biết giải quyết vấn đề bằng cú tát và những lời lẽ cay nghiệt?
Liệu rằng tất cả chúng ta đã thực sự quan tâm đến cảm xúc của con trẻ và hiểu rằng một đứa trẻ bị giáo viên đánh không có nghĩa đấy là cách giáo dục duy nhất có tác dụng với nó?
Nghề sư phạm vẫn là nghề cao quý, chỉ có những con người làm nó trở nên bạc bẽo. Xin các bạn, đừng biến trường học thành một cái chợ, khiến giáo viên trở thành “thợ bán chữ”, học sinh và phụ huynh trở thành những vị khách hạch sách, côn đồ. Và vì ở chợ nên cả người mua lẫn người bán đều cầu lợi cho mình, không ai chịu đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương.
Tôi không dám phán đoán những đứa trẻ trưởng thành từ một cái chợ sẽ thua kém bạn bè đồng trang lứa về điều kiện sống, khả năng lao động nhưng tôi dám chắc một cái chợ sẽ không giúp các em “lớn nổi thành Người”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
http://www.nguoiduatin.vn/xin-dung-bien-nha-truong-thanh-cai-cho--a341123.html