Chia sẻ với Dân Việt ngày 8.6 về vụ lộ đề thi Toán, Văn kỳ thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết cần xem lại trách nhiệm của những người tổ chức kỳ thi.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội đang là điểm nóng quan tâm của dư luận. Đặc biệt là sau ngày thi đầu tiên, cả đề Văn và Toán đều bị một giáo viên "tuồn" ra ngoài trường thi bằng điện thoại. Nhiều ý kiến bức xúc của phụ huynh và thí sinh về sự bảo mật của cả kỳ thi. Liệu có nên chăng tổ chức thi lại để đảm bảo được tính công bằng của cả kỳ thi?
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ đã chia sẻ ý kiến của ông về kỳ thi này.
Sở GD-ĐT Hà Nội phải tổ chức hai buổi họp báo để công khai thông tin về vụ việc.
Thưa ông, vụ việc lộ đề thi trong hai buổi thi Toán, Văn diễn ra vào ngày 7.6 tại Hà Nội liệu có ảnh hưởng tới tính công bằng của cả kỳ thi? Có nên tổ chức thi lại hay không?
-Theo tôi, một cuộc thi mà để lộ đề là một cuộc thi không an toàn. Đầu tiên chúng ta phải xem lại trách nhiệm của vụ việc thuộc về những người đứng ra tổ chức thi có đảm bảo hay không? Chúng ta phải xem xét cụ thể có nên thi lại hay không.
Theo thông tin tôi được biết, sau 1 tiếng từ khi bắt đầu làm bài thì đề thi mới đưa lên mạng, lúc này mọi người cũng đã làm gần hết bài rồi. Sau đó Sở GD-ĐT Hà Nội đã kịp thời phát hiện, đình chỉ người làm lộ đề ngay lập tức. Hơn nữa, thí sinh trong phòng thi không có khả năng để nắm bắt được vụ việc này. Ngoài ra kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi tuyển chọn lấy tất cả từ trên xuống. Vì vậy, để tổ chức lại một cuộc thi với kinh phí tốn kém vô cùng như thế này là không cần thiết.
PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Toàn bộ hội đồng thi là một chuỗi mắt xích, dù đã quán triệt quy chế rất chặt nhưng sự việc lộ đề vẫn diễn ra vì một mắt xích không "chuẩn". Theo ông, có nên thay thế bằng hình thức thi trắc nghiệm trong những năm về sau?
- Việc thi bằng trắc nghiệm cũng là một phương thức thi trên thế giới sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta cần phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc, không chỉ là thí sinh và kể cả những giám thị, tuyệt đối không được mang bất kỳ phương tiện liên lạc gì vào trường thi. Theo tôi, đó chính là điều quan trọng hơn cả. Còn thi trắc nghiệm cũng chỉ là một phương thức thi mà thôi.
Theo ông, việc sử dụng từ "lọt" đề thi như Sở GD-ĐT Hà Nội có chính xác trong trường hợp này?
- Theo tôi có nhiều cách diễn giải khác nhau về từ "lọt" hay "lộ" đề thi. Lọt đề thi có thể hiểu là trước khi bóc niêm phong thì không ai biết được đề thi, việc "tuồn" đề thi ra ngoài trường thi thì gọi là "lọt" cũng không sai. Nhưng nếu hiểu theo hướng trong thời gian thi mà đề thi bị phát tán ra khỏi trường thi, cũng có thể dùng từ "lộ" đề thi.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Hà Nội: Hai buổi thi vào lớp 10 đều \'lọt đề\', ai phải chịu trách nhiệm?
Cả hai buổi thi vào lớp 10 của môn Văn (sáng), môn Toán (chiều) hôm 7/6 tại Hà Nội đều xảy ra sự cố nghiêm ... |
Lọt đề thi Văn, Toán lớp 10 ở Hà Nội: Đại biểu Quốc hội nói \'do lợi ích nhóm\'
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên vẫn có những đối tượng giáo ... |
Những vụ lộ đề thi rúng động ngành Giáo dục
Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Người làm lộ đề thi môn Toán vào lớp 10 ra ngoài là thầy giáo tại điểm ... |