Chuyên gia pháp lý cho rằng việc chia sẻ dữ liệu này là không cần thiết và có thể gây ảnh hưởng cho đời sống xã hội, đặc biệt là xâm phạm tới quyền riêng tư cá nhân của công dân.
Vừa qua, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP.Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Theo ông Chung: “Nếu được đồng ý, mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Theo quy định tại khoản 4, Điều 3, luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2016 định nghĩa: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyền của công dân là được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định (Điều 5, Luật căn cước công dân).
Về việc việc chia sẻ dữ liệu dân cư, tại điều 10, luật Căn cước công dân (2014) quy định "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do bộ Công an quản lý".
Luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh).
Việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như sau: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tổ chức và cá nhân không thuộc 2 đối tượng trên có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy định cụ thể hơn, tại Điều 11, Nghị định 137/2015 của Chính phủ quy định việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau: “1. Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật Nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân. 2. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, luật sư Bình cho rằng, khi đối chiếu với quy định của pháp luật thì các thông tin về dữ liệu quốc gia chỉ có các cơ quan Nhà nước và chính cá nhân đó mới được sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư và cá nhân đó được sử dụng thông tin của mình. Luật không cho phép các tổ chức kinh tế như Ngân hàng hoặc các tổ chức công chứng sử dụng các dữ liệu này vì mục đích của họ không phải giải quyết các thủ tục hành chính.
Luật sư Bình nói thêm, khoản 1, Điều 9, Luật Căn cước công dân cũng nêu rõ các thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần như: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
“Nhìn vào quy định nêu trên, chúng ta có thể thấy rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng, nhạy cảm có thể bị các tổ chức kinh tế chia sẻ lại thông tin để bù đắp phần chi phí hoặc cung cấp cho một bên thứ 3 với nhiều mục đích khác nhau, khó lòng kiểm soát được, dễ gây ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người bị cung cấp mà pháp luật đã bảo vệ”, luật sư Bình nói.
Một câu hỏi cũng được luật sư Bình đặt ra: Thời gian qua, không ít người đã bị quấy nhiễu bởi các cuộc gọi điện thoại chào mời dự án, bảo hiểm, tập thể hình… Chưa kể, một khi các dữ liệu về nơi thường trú, chỗ ở hiện tại được chia sẻ thì ai bảo đảm người dân sẽ được bảo vệ?
“Đó là còn chưa nói đến việc, trong các giao dịch với Ngân hàng, Công chứng… người dân đã có thẻ căn cước để giao dịch và họ tự chịu trách nhiệm về vấn đề này. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc chia sẻ dữ liệu này là không cần thiết vì có thể gây ảnh hưởng cho đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Tổng cục đường bộ đề xuất trả lại tên \'trạm thu phí\' BOT
Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT đổi tên gọi "trạm thu giá" thành "trạm thu phí" BOT. |
Giật lại vé, đuổi khách khi bị phản ứng thu quá mức quy định
Trong clip PV ghi được, chủ một điểm gửi xe ở chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã giật lại vé và đuổi khách ... |