Tỉnh Hải Dương kiến nghị làm đường gom qua huyện Kim Thành 3-4 năm nay để bảo đảm an toàn cho người dân, song chưa được triển khai.
Sau tai nạn gần cầu vượt Lương Xá (xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương) làm 8 người chết, 8 người bị thương, cách thiết kế cầu vượt được cho là nguyên nhân đưa người đi bộ vào tình huống nguy hiểm.
Dài khoảng 500 m bắc qua quốc lộ 5 và đường sắt, cầu vượt Lương Xá dành cho cả ôtô, xe máy, xe thô sơ, người đi bộ. Ngoài đường dẫn chính lên cầu, mỗi đầu cầu còn hai đường dẫn phụ dành cho người đi bộ, xe thô sơ từ cầu vượt đi thẳng xuống quốc lộ 5 và ngược lại. Hàng ngày học sinh, người dân hai thôn Lương Xá Nam và Lương Xá Bắc, xã Kim Lương vẫn đi qua lại cây cầu.
Theo ông Vũ Ngọc Uông, Chủ tịch xã Kim Lương, nhiều năm qua người dân vẫn từ cầu vượt theo đường dẫn phụ xuống quốc lộ và ngược lại. Mỗi khi xã tổ chức thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, đoàn cán bộ đi trên cầu vượt xuống quốc lộ, ra nghĩa trang rồi đi ngược chiều một đoạn để trở về. Lối này gần hơn so với đi đường dẫn chính của cầu, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Cầu vượt Lương Xá có lối đi bộ xuống quốc lộ. Ảnh: Đoàn Loan.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết khi xây dựng quốc lộ 5, tuyến này vắng dân cư. Sau đó người dân sống ven quốc lộ tăng cao, tai nạn nhiều hơn. Cùng với việc nâng cấp đường, những năm 2004-2010, ngành giao thông xây dựng 31 cầu vượt để phục vụ người dân đi lại (Hưng Yên 7 cầu, Hải Dương 14 và Hải Phòng 10). Cầu vượt có 3 loại, loại chỉ dành cho đi bộ, loại hỗn hợp cả đi bộ, xe máy và xe thô sơ; và loại hỗn hợp chạy cả ôtô.
Lý giải cách thiết kế cầu vượt Lương Xá, ông Thạch nói do thời điểm làm cầu Nhà nước không thể đầu tư xây dựng đường gom nên ngành giao thông đã xây cầu vượt có lối xuống quốc lộ 5 để người dân đi lại thuận lợi. "Thiết kế của cầu vượt không sai. Người dân vẫn được phép đi sát lề đường trên quốc lộ trong trường hợp không có vỉa hè", ông Thạch khẳng định.
Tuy nhiên, Vụ trưởng An toàn giao thông cũng nhìn nhận việc xe tải, xe máy và người đi bộ đi chung trên quốc lộ tiềm ẩn nguy hiểm. Bởi đã có kẻ làn phân cách, nhiều phương tiện cơ giới không chấp hành mà thường lấn làn. Biện pháp tối ưu là mở lối đi bộ tại điểm vượt qua đường sắt và xây đường gom để tách riêng xe thô sơ, người đi bộ. Tuy nhiên, việc này khó thực hiện do chi phí lớn.
Tỉnh Hải Dương đã kiến nghị làm đường gom 8 km qua huyện Kim Thành để phục vụ bà con đi lại từ 3, 4 năm nay, song ông Thạch cho biết Nhà nước không có tiền đầu tư. Trên huyện này hiện có gần 100 giao cắt đường bộ với đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đề xuất giải pháp thời gian tới, ông Thạch cho rằng vẫn nên giữ nguyên các lối đi bộ từ cầu vượt xuống quốc lộ cho người dân đi lại song cần có hàng rào, hộ lan để phân tách với xe cơ giới. Cùng với đó, đơn vị quản lý đường cần sơn kẻ vạch, tăng biển cảnh báo cho người dân.
Mô phỏng hiện trường xe tải lao vào đoàn người trên quốc lộ 5. Đồ họa: Việt Chung.
Là chuyên gia giao thông của JICA, ông Phan Lê Bình đánh giá lối đi bộ từ cầu vượt xuống thẳng quốc lộ 5 không có rào ngăn cách với làn ôtô, xe máy là rất nguy hiểm cho người đi bộ. Biện pháp tối ưu là xây dựng đường gom và làm lối đi xuống vượt qua đường sắt thì sẽ an toàn cho người đi bộ. Do hạ tầng còn hạn chế, người dân cần có ý thức đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình, không nên vì tiện lợi mà đi lại tại khu vực thiếu an toàn.
Về phía cơ quan quản lý địa phương, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Dương, thông tin Sở đã đề nghị Bộ Giao thông làm đường gom dọc theo quốc lộ 5 bởi nếu có đường gom thì sẽ hạn chế những tai nạn thảm khốc. Bộ đã đồng ý về chủ trương, nhưng chưa triển khai vì thiếu vốn.
Quản lý quốc lộ 5, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, khi tiếp nhận tuyến đường thì các cây cầu này đã có nên đơn vị không thay đổi hiện trạng mà lắp thêm 3 đèn đỏ trên tuyến để cảnh báo, tăng an toàn giao thông. Thời gian tới đơn vị sẽ kẻ vạch sơn, tăng biển báo tại các cầu vượt. "Nếu bịt lối đi bộ từ cầu vượt xuống quốc lộ 5 thì có thể người dân sẽ phản ứng", đại diện VIDIFI nói.
"Về việc mở đường gom trên tuyến này, đây là biện pháp tốt nhất song rất khó thực hiện do tình trạng đô thị hóa, dân sinh sống bám dọc xung quanh quốc lộ. Nếu các cơ quan đồng thuận thì chúng tôi sẽ thuê tư vấn nghiên cứu tại từng vị trí", vị đại diện nói.
Khoảng 14h ngày 21/1, Lương Văn Tâm (28 tuổi, tài xế của công ty Newpro) lái xe tải 6 tấn chở bột bả sơn từ Hà Nội về Hải Phòng giao hàng, khi vừa qua cầu vượt Lương Xá, xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) thì tông vào đoàn cán bộ xã đi viếng nghĩa trang về. Đoàn cán bộ này đang đi bộ trong làn xe thô sơ trên quốc lộ 5. Hậu quả 8 người chết, 8 người bị thương.
Sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc xây cầu vượt có lối đi bộ dẫn thẳng xuống làn xe thô sơ là nguy hiểm và yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát và chỉnh sửa.
Cuộc sống mòn mỏi ở ga tàu, cầu vượt, vỉa hè của bệnh nhân nghèo Ấn Độ
Bệnh viện địa phương không đủ chuyên môn, bệnh viện thủ đô lại quá tải, người bệnh nghèo Ấn Độ chen chúc trong lều tạm ... |
Cận cảnh cầu vượt ‘giải cứu’ kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Sau hơn 3 tháng thi công, nhánh cầu vượt thép chữ N đi qua đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (TP.HCM) đưa vào sử ... |
Cầu vượt chữ N ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất thông xe nhánh cuối
Việc cầu vượt hoàn tất giúp giảm ùn tắc giao thông ở ngã bảy dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). |
Xe Innova gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt, 4 người nguy kịch
Khi đang lưu thông trên cầu vượt Phú Sơn, TP Thanh Hóa thì chiếc xe Innova 7 chỗ bất ngờ lao qua làn đường đối ... |