Căng thẳng Trung - Ấn kéo dài, phản ánh thế cạnh tranh và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau đã tồn tại từ lâu giữa hai nước.
Lính Ấn Độ ở biên giới với Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Khi căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ thu hút sự chú ý toàn cầu thì căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại dãy núi Himalaya hẻo lánh tuy lặng lẽ hơn nhưng có mức độ rủi ro cao không kém.
Kể từ tháng 6, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu tại cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya, sau khi Trung Quốc xây dựng một con đường vào nơi có tranh chấp chủ quyền với Bhutan, đồng minh thân cận của Ấn Độ.
Ấn Độ đã gợi ý cả hai bên sẽ rút lui và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói tại quốc hội nước này rằng tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bằng đối thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khẳng định họ có quyền xây dựng con đường trong khu vực và có chủ quyền với vùng đất này.
Vị trí của Doklam. Đồ họa: BBC |
Các cuộc chạm trán giữa hai quốc gia nhiều lần xảy ra ở biên giới dài hơn 3.500 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với phần lớn chưa được phân định rõ ràng. Tuy nhiên, hai bên đã không nổ súng vào nhau trong nửa thế kỷ.
Các nhà phân tích cho rằng tranh chấp gần đây đáng lo ngại hơn vì mối quan hệ giữa hai cường quốc khu vực đang suy giảm. Không chỉ vậy, cuộc đối đầu này còn liên quan đến nước thứ ba là quốc gia nhỏ bé Bhutan, theo Washington Post.
Không chỉ ở Doklam, nguy cơ xảy ra chạm trán nguy hiểm ở những nơi khác trên biên giới của hai nước cũng gia tăng. Ngày 15/8, ở phía tây dãy Himalaya, quân đội hai bên ẩu đả, ném đá vào nhau khi binh sĩ Ấn Độ tìm cách ngăn chặn nhóm lính Trung Quốc cầm theo gậy sắt và đá đi vào khu vực Ladakh, gần hồ Pangong của Ấn Độ. Cuộc xô xát đã khiến lính cả hai bên bị thương nhẹ.
"Sẽ rất chủ quan nếu cho rằng leo thang căng thẳng không xảy ra. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Trung - Ấn trong 30 năm", Shashank Joshi, một nhà phân tích của Viện Hoàng gia Anh tại London, nói.
Cuộc đối đầu phản ánh cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai quốc gia đông dân nhất châu Á. Khi Trung Quốc có những hành động quyết liệt ở Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng của họ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trên khắp châu lục, New Delhi được xem như thế lực duy nhất trong khu vực có thể đối trọng Bắc Kinh.
"Thách thức quan trọng nhất đối với Ấn Độ là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi thấy rõ ràng là Trung Quốc tìm cách thu hẹp không gian chiến lược của Ấn Độ bằng cách thâm nhập vào khu vực lân cận chúng ta. Đó là điều đang xảy ra", cựu ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran nói tại một sự kiện ở New Delhi.
New Delhi nói rằng con đường Bắc Kinh muốn xây dựng sẽ làm cho quân đội Trung Quốc tiến gần đến Hành lang Siliguri quan trọng của Ấn Độ, còn được biết đến với cái tên Cổ Gà, vùng đất hẹp nối vùng đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.
Gốc rễ
Nguồn gốc của sự không tin tưởng giữa hai quốc gia là chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 và quyết định của Ấn Độ khi che chở cho Dalai Lama vào năm 1959. Mối quan hệ xấu đi rõ rệt sau khi Ấn Độ ký kết một thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mỹ vào năm 2005.
55 năm tranh chấp biên giới Trung - Ấn. Đồ họa: Việt Chung |
Năm 2014, ông Narendra Modi lên nắm quyền. Giới phân tích đánh giá ông là thủ tướng Ấn Độ thân Trung Quốc nhất từ năm 1962. Modi không chỉ muốn học theo tiến bộ kinh tế của Trung Quốc mà còn muốn thu hút đầu tư từ nước này.
Tuy nhiên, Modi nhận thấy Bắc Kinh là một đối tác không đáng tin cậy, khi Trung Quốc chặn đơn xin vào Nhóm các nhà cung cấp Hạt nhân của Ấn Độ và chặn nỗ lực của New Delhi tại Liên Hợp Quốc để tuyên bố chiến binh Pakistan Masood Azhar là khủng bố, theo Washington Post. (Azhar từng tổ chức một cuộc tấn công vào đồn cảnh sát Ấn Độ).
Thế cạnh tranh giữa hai bên càng gia tăng khi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bổ sung thêm một hành lang kinh tế đi qua địa phận Kashmir do Pakistan quản lý - khu vực mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Ông Modi đã không tham dự một hội nghị thượng đỉnh lớn ở Bắc Kinh về Vành đai và Con đường trong năm nay.
Ngoài ra, Ấn Độ làm Trung Quốc bực tức khi New Delhi năm nay cho phép Dalai Lama thăm viếng một tu viện Phật giáo quan trọng ở bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ - khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần của Tây Tạng.
Hai tháng sau khi căng thẳng nổ ra ở Doklam, khoảng một trăm binh lính Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn ở trên cao nguyên, nguy cơ bạo lực ngày càng hiện ra rõ ràng.
Xu Guangyu, một tướng PLA nghỉ hưu, cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị để đẩy quân đội Ấn Độ ra khỏi khu vực nếu New Delhi không chịu nhượng bộ, nhưng ông hy vọng mục tiêu có thể đạt được mà không có đổ máu.
"Chúng tôi sẽ không phải là người nổ súng trước", ông nói. "Nhưng Trung Quốc không phải là bên quyết định. Việc có chiến tranh hay không phụ thuộc vào Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu họ nổ súng trước, họ sẽ mất kiểm soát và thế chủ động".
Truyền thông Trung Quốc đã có những phản ứng gay gắt về căng thẳng. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đăng video chế giễu Ấn Độ như một người hàng xóm tồi tệ, với một diễn viên đội khăn, đeo râu giả và nói giọng Ấn Độ. Người dùng mạng Ấn Độ ngay lập tức tố cáo video này là phân biệt chủng tộc.
Báo Trung Quốc Global Times còn đưa tin rằng Bắc Kinh đang lập các trung tâm hiến máu và chuyển nguồn cung cấp máu đến gần khu vực ở Tây Tạng.
Nhà phân tích Joshi cho biết Ấn Độ đã tiến hành một loạt biện pháp ứng phó khi theo dõi các động thái của Trung Quốc, trong đó có việc nâng mức cảnh báo về quân sự tại khu vực Doklam.
"Rõ ràng, họ đã thực hiện một loạt biện pháp thận trọng nhất có thể để bảo vệ bản thân trước Trung Quốc", Joshi nói.
Người Ấn tức tối vì video giễu nhại của Tân Hoa xã |
Binh sĩ Trung Quốc, Ấn Độ ẩu đả tại biên giới |
Trung Quốc rút Hoa Kiều, chiến tranh Trung-Ấn hiện hình? |
Nga hay Mỹ sẽ tháo ngòi nổ Trung - Ấn? |
(http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/cang-thang-dai-dang-o-bien-gioi-trung-an-3629120.html)