Trong sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có cây gạo cổ thụ.
Dự án bảo tàng 11.000 tỷ dở dang: Ngân sách khó kham nổi... |
Bảo tàng 11.000 tỉ đồng: Xây hay dừng hẳn? |
Tháng Ba âm lịch, hoa gạo đỏ ối một khoảng trời bên đê Yên Phụ, rụng xuống thành một thảm cánh hoa rực rỡ dưới chân người.
Bên cạnh cây hoa gạo là tòa nhà Bác Cổ, một trong những khối kiến trúc cổ quý giá nhất của thủ đô. Bên trong tòa nhà ấy, là vàng bạc châu báu, là bảo vật quốc gia, là những hiện vật lịch sử phong phú và cả những nỗi niềm dân tộc.
Sẽ rất khó giải thích rằng tại sao một không gian như thế lúc nào cũng vắng hoe. Năm ngoái, theo thông tin trên báo, thì mỗi ngày tòa nhà tráng lệ thời thuộc địa này, chỉ đón hơn 100 khách.
Khi người ta nhắc đến con số 11.000 tỷ đồng để xây Bảo tàng Lịch sử mới, tôi tự hỏi rằng lần cuối cùng tôi đến Bảo tàng Lịch sử là lúc nào. Lâu rồi, và không phải để tham quan. Anh Quốc Trung, một trong những nhạc sĩ hay tỏ ra khó tính nhất nước, chọn khuôn viên nơi này làm một buổi trình diễn ánh sáng cho một số lượng khách hữu hạn. Nếu nói đến niềm tự hào về khung cảnh của Hà Nội, thì chắc chắn nhà Bác Cổ có tên trong tốp đầu.
Hãy gạt qua yếu tố lịch sử: cứ cho rằng giới trẻ bây giờ vì nhiều lý do, trong đó có giáo dục nhà trường, không quan tâm đến lịch sử. Nhưng với cây gạo ấy, khuôn viên ấy, tòa nhà ấy, khung cảnh ấy, chỉ xét đơn giản là một chỗ đi dạo thôi, thì tại sao nó vắng? Tại sao thanh niên phải chen chúc xếp hàng trong quán trà sữa, khách du lịch quốc tế thì vật vờ cả buổi chiều quanh những quán cà phê dọc Hồ Tây? Tại sao chính tôi, năm nào cũng tự hẹn lòng sẽ đến nhà Bác Cổ vào tháng Ba, rồi không đi? Tại sao chính tôi, khi hết chỗ đi chơi, cũng xếp hàng nửa tiếng đồng hồ trong một quán trà sữa dù chắc chắn không có chỗ ngồi?
Chắc bởi vì bảo tàng không bán trà sữa.
Anh Quốc Trung tổ chức được sự kiện, mời được khách VIP phóng Ferrari đến bảo tàng, vì anh ấy có cả tiệc buffet. Còn quán trà sữa so với nhà Bác Cổ, thì chắc chắn chỉ hơn trà sữa.
Lần gần nhất tôi ăn một bữa ăn trong bảo tàng, là ở tầng trên cùng của MOMA - Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York. Trên cái đĩa, có vài lát batê mỏng dính, vài miếng rau và nước sốt được rưới điệu nghệ, trông như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Tôi ăn xong, vẫn đói, cố cho nhiều đường vào cà phê, nhìn con số trên hóa đơn và tự hỏi: mình vừa làm gì với túi tiền của mình thế này?
Tất nhiên, con số không quan trọng, đấy là MOMA, một trong những thương hiệu bảo tàng lớn nhất thế giới. Chỗ đồ ăn đấy, ở Hà Nội chắc chỉ bán 75 cent.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội, thật ra không thiếu hiện vật để trình diễn. Nhưng không có khách. Cái nó thiếu, có lẽ là việc tồn tại với tư cách một địa điểm tham quan.
Tất nhiên sẽ có người khẳng định rằng bảo tàng là bảo tàng, là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc, không phải là chỗ chơi. Anh đến đó để cảm thụ các tầng sâu văn hóa, không phải để uống trà sữa hay ăn batê.
Tôi lại hỏi: Thế tôi kiểu gì cũng vẫn muốn uống trà sữa thì làm thế nào?
Người đó có thể trả lời: Thì mời anh ra quán trà sữa.
Thế là rốt cục thanh niên chen cứng ở quán trà sữa.
Thật ra, dùng hình ảnh trà sữa cho dễ hiểu. Bảo tàng, cũng giống như những rạp chiếu phim quốc doanh (mà bây giờ phần lớn đã chết hoặc đang vật vờ tồn tại), chưa bao giờ hiện lên đầy đủ với tư cách một chủ thể kinh doanh. Người ta sẽ cần gì khi kinh doanh một địa điểm? Họ sẽ cần một thương hiệu. Họ sẽ cần bài trí không gian trưng bày ấn tượng. Họ sẽ cần một hệ thống giá trị gia tăng dày đặc - như những shop đồ lưu niệm phong phú bám vào thương hiệu như bạn sẽ thấy ở hầu hết các bảo tàng trên thế giới. Họ cần dịch vụ, để tạo sự thoải mái cho khách hàng. Họ thậm chí sẽ muốn tạo ra thông điệp: hãy cứ đến đây đi dù không làm gì cũng được.
Tôi không nói tới việc biến bảo tàng thành nhà hàng - mà ngược lại, dùng những dịch vụ giá trị gia tăng để biến bảo tàng trở lại thành chính cái bảo tàng, có khách khứa ra vào xem hiện vật chứ không hoang vu như bây giờ. Khách khứa, đôi khi chỉ cần những chỗ nghỉ chân được bài trí hợp lý. Dẫu sao thì người ta sẽ đi bảo tàng vào một buổi chiều rảnh rỗi, có thời tiết đẹp, người ta sẽ muốn được tạo điều kiện thoải mái tận hưởng buổi chiều ấy trước. Làm thế nào, thì người kinh doanh sẽ biết.
Nhưng bảo tàng Việt Nam thì sao? “Chúng tôi chỉ là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu” - một lãnh đạo bảo tàng than thở.
Xây lên một khối nhà 3.000 tỷ, 10.000 tỷ, rồi sau đó biến nó thành một “đơn vị hành chính sự nghiệp có thu”, là cách làm bảo tàng bây giờ.
“Sự nghiệp” ấy chắc chắn không tuân theo các nguyên tắc thị trường. Nó ra đời từ thời nước ta còn chưa có nền kinh tế thị trường. “Sự nghiệp” ấy bó cứng trong việc nhận ngân sách, đi sưu tập hiện vật, trưng bày nó và ngồi chờ đợi. “Sự nghiệp” ấy không cho phép bảo tàng tự quảng bá chính mình và những giá trị nó lưu giữ.
Tất nhiên, nói đến cách trưng bày và giới thiệu hiện vật ấn tượng ở nước ngoài là một điều xa xỉ, vì cơ quan hành chính sự nghiệp có thu thì lấy đâu ra tiền. Thậm chí nó còn không cho phép lãnh đạo bảo tàng thu 5.000 đồng với khách Việt Nam, như một lãnh đạo bảo tàng tha thiết lên báo tỏ bày - vì có vẻ đấy là phản bội “sự nghiệp”.
Câu chuyện bảo tàng sẽ còn được nói đến dài lâu, nếu hai từ khóa “hành chính” và “sự nghiệp” vẫn còn gắn chặt với số phận của những khối nhà nghìn tỷ. Và cái kịch bản của bảo tàng sẽ còn ứng lên nhiều khu vực công tại nước ta, tạo ra nhiều thứ lãng phí. Vì nước ta, còn rất nhiều thứ sinh ra để phục vụ cho một “sự nghiệp” duy ý chí, di sản của thời đại phi thị trường, kể cả các công ty nhà nước.
Bảo tàng thua quán trà sữa, không phải bởi vì trà sữa. Là bởi cô chủ quán trà sữa không được dựa "ngân sách nhà nước". Là bởi não trạng của những người tin rằng cái ngân sách ấy là vĩnh cửu và vạn năng, kể cả trong công tác văn hóa.
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/bao-tang-cho-ai-3640139.html