\"Bao Công\" Trần Đăng Ninh và vụ án gián điệp H122

Trong lịch sử của ngành an ninh-bảo vệ nội bộ, có một chuyên án lớn xảy ra vào thu đông năm 1948 gây chấn động. Đó là tại Chiến khu Việt Bắc có cuộc truy tìm một tên gián điệp mang bí số H122 được cho là người của Phòng Nhì, Pháp, trà trộn vào đội ngũ của ta.

Trong khoảng thời gian đó, hàng trăm cán bộ, đảng viên ở các đơn vị, cơ quan liên đới bị bắt. Tiếng kêu oan cũng rộ lên dai dẳng không dứt. Lòng quân, lòng dân xôn xao. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương và Hồ Chủ tịch đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp kiểm tra, xem xét lại vụ án này…

bao cong tran dang ninh va vu an gian diep h122

Tại Chiến khu Việt Bắc năm 1949. Từ trái sang, hàng ngồi: Đồng chí Trần Đăng Ninh, Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng; hàng đứng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh. Ảnh tư liệu.

Vụ án gián điệp H122 diễn ra vào giai đoạn thế và lực của ta đang lớn mạnh, hình thành các trung đoàn chủ lực, chuẩn bị chiến dịch phản công lớn giải phóng các tỉnh biên giới Cao-Bắc-Lạng. Không phải những người có trách nhiệm trong công tác bảo vệ nội bộ ngày đó không biết tới kế “ly gián” của địch, song khi đã có những đồn đại, cùng một vài chứng cớ tuy không thật thuyết phục, thì ắt có cuộc rà soát lại lực lượng. Tất nhiên, ngày đó còn không tránh khỏi những ấu trĩ về nghiệp vụ của một số người thi hành công vụ. Đầu tiên có một sự việc là anh N - nhân viên một cơ quan bị “bắt quả tang” dùng khăn mặt trắng làm ám hiệu khi máy bay địch bay qua. Ban đầu anh ta khai, khi ấy thấy ai đó phơi cái khăn giữa chỗ trống thì chạy đến định cất đi, đúng lúc có máy bay địch bay qua. Ngay lập tức anh bị khép vào tội gián điệp. Và phải chăng đây chính là tên gián điệp mang bí số H122? Sau một thời gian ngắn bị bắt, N khai thêm một số người khác. Và cứ thế, diện “hiềm nghi” tăng lên nhanh chóng và đã có người tự nhận mình chính là điệp viên H122. Trong vòng có một tháng cuối năm 1948, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng một số quần chúng có cảm tình với cách mạng ở cơ quan và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Yên… bị bắt, xét hỏi. Cũng từ đây, nhiều đơn kêu oan tới tấp gửi lên cấp trên. Lòng quân, lòng dân xôn xao. Đồng chí Trần Đăng Ninh với cương vị Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ nhận nhiệm vụ làm sáng tỏ vụ án này để sớm ổn định tình hình nội bộ.

bao cong tran dang ninh va vu an gian diep h122

Đồng chí Trần Đăng Ninh (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.

Đoàn kiểm tra còn phối hợp với các cơ quan chấp pháp, có sự tham gia của Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản. Sau này trong một bài hồi ký, đồng chí Lê Giản đã có nhận xét, lúc đầu thấy trưởng đoàn xuất thân công nhân, không được đào tạo về nghiệp vụ, thì nghĩ khó có thể phá án, sau thấy cách làm việc của đồng chí ấy khoa học, thận trọng và quyết đoán thì rất tâm phục, khẩu phục. Trước hết kiểm tra các hồ sơ, tài liệu, nhất là bản kế hoạch quân sự thu-đông 1948 không thấy có biểu hiện bị lộ. Hầu hết những người bị bắt đều chưa từng phạm khuyết điểm nghiêm trọng và họ đều một mực kêu oan. N-đầu mối đầu tiên của vụ án, thì vốn là người chăn ngựa, không biết chữ, anh ta không thể nắm được những công việc của cấp chỉ huy. Đồng chí Trần Đăng Ninh lại trực tiếp đến hiện trường, nơi “người chăn ngựa vẫy khăn làm hiệu” xung quang là khu rừng rậm, chỉ có khoảng trống phơi khăn rất nhỏ hẹp, cho dù có thật việc chỉ điểm, phi công địch cũng không thể nhận ra được. Đồng chí còn phát hiện một điều vô lý trong vụ này, nếu có các gián điệp thâm nhập thì chúng phải hoạt động đơn tuyến chứ không dại gì lại có liên hệ với nhau một cách lộ liễu như vậy (có người tố nhau và có người tự nhận là H122)… Cuối cùng đã tìm ra điểm mấu chốt của vụ án oan. Đó là người cán bộ chấp pháp vì muốn lập công, lại có cách nghĩ đơn giản, thiển cận “nhìn đâu cũng thấy địch” nên đã vi phạm công tác nghiệp vụ một cách nghiêm trọng là dùng biện pháp tra tấn, ép cung, mớm cung không chỉ với N mà với nhiều người khác. Mọi việc đã được sáng tỏ. Chỉ một tháng sau khi đoàn kiểm tra vào cuộc, vụ án khép lại, tất cả những người bị bắt đều được trả tự do, còn kẻ chấp pháp sai nguyên tắc đã bị kỷ luật thích đáng.

Để thấy thêm tính cách công minh chính trực của “Bao Công” Trần Đăng Ninh, xin kể thêm hai câu chuyện nhỏ dưới đây. Chuyện thứ nhất xảy ra vào giữa năm 1951. Trưởng ban Kiểm tra Trần Đăng Ninh đang trên đường công tác, nghe tin ở Bắc Kạn có một trạm trưởng mới bị bắt giam vì tội tham ô công quỹ, ông liền quay lại, đến Chi cục Vận tải Bắc Kạn đề nghị báo cáo sự việc. Chi cục trưởng vốn là bạn tù với ông từ năm 1945, kể là anh trạm trưởng làm thụt két của đơn vị và đã bị tạm giam 2 tuần nay. Ông hỏi có đủ chứng cứ để giam giữ chưa? Chi cục trưởng cười xòa nói mới nghe anh em báo cáo vậy, chứ bận quá chưa kiểm tra được cụ thể về chứng cứ. Ông liền nghiêm mặt nói: Chưa có chứng cớ đã bắt giam người ta là phạm luật, yêu cầu phải thả ngay. Thì ra người trạm trưởng kia chỉ vì cách làm việc luộm thuộm, nhập tiền quỹ mà chưa kịp đưa vào sổ sách, tiền vẫn để trong két, chứ không hề có ý định biển thủ và số tiền không mất đồng nào. Người trạm trưởng chỉ bị phê bình về tác phong làm việc, không bị cách chức, còn chi cục trưởng bị kỷ luật vì đã tự ý bắt giam người khi chưa có bằng chứng cụ thể.

Câu chuyện thứ hai do ông Vũ Thơ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình kể. Lần ấy đồng chí Trần Đăng Ninh từ Chiến khu Việt Bắc về tỉnh Hòa Bình công tác, biết tin ông C, Phó chủ tịch huyện Lương Sơn đánh một người dân, liền đến tận nơi tìm hiểu sự việc. Ông C giải trình, kiểm điểm và nhận một hình thức kỷ luật, một số Tỉnh ủy viên có ý kiến cần “chiếu cố” vì ông C hoạt động từ thời bí mật và mới phạm lần đầu. Trưởng ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là một khuyết điểm nặng, vi phạm về đạo đức, tác phong của người cách mạng, cần kỷ luật thích đáng để làm gương. Cuối cùng, ông C bị mất chức và chuyển công tác.

Đồng chí Trần Đăng Ninh còn thể hiện con người “thiết diện vô tư”, kiên quyết đưa kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa dù ở cấp nào, trong vụ án nổi tiếng thời chống Pháp mà sau này đã được viết thành tiểu thuyết, kịch sân khấu. Đó là vụ Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Quân nhu tham ô và dung túng cho cấp dưới làm sai trái. Vụ việc được phát hiện, tòa án quân sự xử với mức án cao nhất và chính Hồ Chủ tịch sau đó đã bác đơn xin được miễn tội chết của kẻ tham nhũng, biến chất. Cuối năm 1950, y đã bị xử bắn công khai tại sân vận động Thái Nguyên…

Tiếc thay, "Bao Công" Trần Đăng Ninh sống không thọ. Ông bị bệnh hiểm nghèo và mất ngày 6-10-1955, ở tuổi 45, tuổi làm việc có hiệu quả nhất của đời người. Bác Hồ đến thăm lúc ông trên giường bệnh và Người đã khóc trong lễ khâm liệm ông.

Cuối năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu trong cuộc hội thảo 55 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, 85 năm Ngày sinh đồng chí Trần Đăng Ninh: “Anh Trần Đăng Ninh là người con của Đảng, của Cách mạng… Là người của công lý, của nhân lý, của lẽ phải. Phải chăng anh là một mẫu người mà Bác Hồ muốn xây dựng…”.

bao cong tran dang ninh va vu an gian diep h122 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ: Bữa tiệc sang trọng và kế hoạch hoàn hảo nhằm qua mắt cơ quan công an

Dường như dự cảm về việc mình đang bị công an điều tra, bác sĩ Chính đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà mình, ...

bao cong tran dang ninh va vu an gian diep h122 Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Chân dung vị bác sĩ tài giỏi

Nhằm mục đích đi theo người tình, vị giám đốc Bệnh viện nhi - Nhân tài của nền y học Việt Nam đã lập kế ...

/ Phạm Đào Ly / Quân đội nhân dân