4 thủy thủ Liên Xô trải qua 7 tuần sinh tồn gian khổ khi một cơn bão cuốn chiếc sà lan của họ ra Thái Bình Dương.
4 thủy thủ Liên Xô sau khi trở về từ Mỹ. Ảnh: RBTH.
Đầu năm 1960, Liên Xô triển khai sà lan tự hành T-36 tới gần đảo Iturup thuộc quần đảo Nam Kuril, để biến nó thành một điểm trung chuyển nổi, cung cấp đạn dược và lương thực cho các tàu lớn không thể tiếp cận bờ đá của hòn đảo này.
Đêm 17/1/1960, trung sĩ Askhat Ziganshin cùng ba đồng đội đang ở trên sà lan thì một cơn bão ập đến, làm đứt dây neo và cuốn chiếc sà lan ra khơi. Đây là điểm khởi đầu cho hành trình khắc nghiệt kéo dài 49 ngày trên biển, buộc 4 người lính Liên Xô tìm cách sinh tồn trong điều kiện thiếu thốn lương thực và mất liên lạc, theo War History.
Thủy thủ đoàn trực trên sà lan không được cảnh báo trước về cơn bão, cũng như không được cấp khẩu phần ăn dài ngày. Trong 10 giờ sau khi bị cuốn ra biển, Ziganshin cùng các đồng đội gồm Philip Poplavsky, Anatoly Kryuchkovsky và Ivan Fedotov ba lần cố gắng điều khiển sà lan trở lại đảo dưới những cơn sóng biển cao tới 15 m.
"Tôi quyết định cho sà lan ủi bãi nhưng bất thành. Nó bị thủng một lỗ do va vào đá, nước bắt đầu tràn vào khoang động cơ. Trong lần thứ ba, đáy sà lan đã chạm vào bờ cát gần đảo, nhưng chúng tôi cạn sạch nhiên liệu và bị kéo ngược ra biển", Ziganshin nhớ lại.
Họ chỉ kịp gửi về sở chỉ huy thông điệp cho biết sà lan gặp nạn và không thể trở về bờ trước khi thiết bị liên lạc vô tuyến bị hỏng hoàn toàn.
Ziganshin và các đồng đội tìm cách nhanh chóng vá lỗ thủng. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn là thực phẩm gần cạn kiệt. Những gì còn sót lại là một ổ bánh mì, một ít đậu xanh, hạt kê, một rổ khoai tây và một lọ mỡ. Trên sà lan có nước ngọt, nhưng số nước này đã dùng để làm mát động cơ và trở nên đục ngầu.
Khi cơn bão suy yếu, hải quân Liên Xô bắt đầu tìm kiếm chiếc sà lan mất tích. Đội cứu hộ phát hiện nhiều mảnh vỡ sà lan T-36 ở gần bờ, khiến họ tin rằng nó đã bị chìm. Người thân của các thủy thủ được thông báo rằng họ đã hy sinh.
Trong lúc đó, sà lan T-36 bị trôi dạt về phía đông nam quần đảo Kuril. Nó lọt vào dòng hải lưu ấm Kuroshio, nơi không có cá sinh sống vì tốc độ dòng chảy quá lớn. "Chúng tôi không bắt được con cá nào, dù đã thử nhiều cách khác nhau", Ziganshin nhớ lại.
Hành trình trôi dạt của các thủy thủ Liên Xô. Ảnh: RBTH.
Chiếc sà lan T-36 dường như đã trôi vào khu vực thử tên lửa trên biển của Liên Xô, nơi cấm tàu thuyền qua lại. Điều này có nghĩa là họ không có cơ hội được phát hiện và giải cứu.
Nhóm thủy thủ bắt đầu phân chia khẩu phần ăn. Ban đầu, mỗi ngày họ chỉ ăn một bữa, trong đó mỗi người được một bát súp nấu từ hai củ khoai tây và một thìa mỡ. Họ cũng phải uống số nước làm mát động cơ, trước khi chuyển sang hứng nước mưa.
Lương thực nhanh chóng cạn kiệt, dù họ đã giảm xuống chỉ ăn hai ngày một lần. Ziganshin nghĩ ra cách ăn những thứ như thắt lưng da, ủng, xà phòng và kem đánh răng. "Chúng tôi cắt thắt lưng da thành các sợi nhỏ và nấu súp từ đó. Một vài đôi ủng được nhúng vào nước biển để loại bỏ lớp xi đánh giày, cắt vụn và cho vào lửa rồi ăn", Ziganshin cho biết.
Do trời lạnh, 4 người trên sà lan phải ôm nhau ngủ trên một chiếc giường để ủ ấm. Dù rơi vào cảnh đói khát, họ vẫn giữ được tính kỷ luật và không xảy ra cãi vã.
Ngày 23/2, thủy thủ đoàn muốn kỷ niệm Ngày bảo vệ Tổ quốc, ngày lễ quốc gia của Liên Xô. Tuy nhiên, theo kế hoạch phân chia khẩu phần, họ không được ăn trong ngày đó, nên Ziganshin đề nghị 4 anh em chia nhau hút điếu thuốc lá cuối cùng trên sà lan.
Ngày 7/3, sau 49 ngày trôi dạt trên biển, các thủy thủ Liên Xô chỉ còn lại nửa ca nước ngọt, một chiếc ủng da và ba que diêm. Cơ thể họ lúc này đã suy nhược và bắt đầu xuất hiện ảo giác. Đúng lúc này, họ được tàu sân bay USS Kearsarge của Mỹ phát hiện.
Hai thủy thủ Liên Xô (trái và giữa) kể lại hành trình cho sĩ quan Mỹ. Ảnh: RBTH.
"Chúng tôi đang nằm thoi thóp trong khoang lái thì nghe được tiếng ồn và thấy một chiếc trực thăng đang bay trên đầu. Dù không hiểu họ nói gì, chúng tôi cố giải thích rằng mình cần lương thực và một tấm bản đồ để tự di chuyển", Ziganshin hồi tưởng.
Trực thăng Mỹ đề nghị giúp đỡ, nhưng thủy thủ đoàn Liên Xô từ chối vì sợ bị coi là kẻ phản bội. Đến lần thứ ba, họ mới quyết định rời sà lan để lên tàu sân bay Kearsarge.
Các thủy thủ Liên Xô được đưa đến thành phố San Francisco, nơi họ được thị trưởng tặng một chiếc chìa khóa mang tính biểu tượng. Họ được coi là những người hùng ở cả Liên Xô và Mỹ vì đã sống sót một cách kỳ diệu sau chuyến hành trình khắc nghiệt.
4 thủy thủ Liên Xô được Mỹ đề nghị cho tị nạn chính trị, nhưng đều từ chối. Sau khi trở về Moskva, họ được đích thân bộ trưởng quốc phòng Liên Xô đón và trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Ziganshin sau này cho biết ông không hối tiếc về sự cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Quyết định suýt gây chiến tranh hạt nhân Mỹ - Liên Xô năm 1973
Việc Liên Xô định triển khai quân giải cứu Syria trong xung đột với Israel khiến nước này suýt rơi vào cuộc đối đầu hạt ... |
Hình ảnh hiếm về cuộc thi hoa hậu thời Liên Xô cũ
Khi mà phong trào #MeToo ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng, Hoa hậu Mỹ đã phải bỏ đi phần thi áo tắm, trở thành ... |
Duy Sơn