Chỉ trong vòng 4 ngày từ 24 - 27.5, liên tiếp có 5 vụ tai nạn đường sắt xảy ra làm chết 3 người, bị thương 10 người, đồng thời khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng ngành đường sắt đang nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả của vụ va chạm giữa 2 tàu chở hàng xảy ra tại ga Núi Thành, đoạn thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VĂN LUẬN
Trong lúc phải tung hàng nghìn công nhân để khắc phục sự cố tại mấy điểm, ngành đường sắt cũng thừa nhận, bên cạnh lỗi ý thức của người tham gia giao thông trong 4 vụ thì lỗi chủ quan do nhân viên trong ngành chiếm tỉ lệ không nhỏ và việc ngăn chặn nguy cơ này tái diễn không dễ khi mà quy trình đúng nhưng phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố con người.
Liên tiếp tai nạn, đường sắt “tang thương”
Trong lúc gần 300 công nhân nỗ lực tách rời 2 đầu máy bị mắc vào nhau cũng như đưa các toa xe bị trật bánh ra khỏi vị trí ghi tại ga Núi Thành, Quảng Nam, thì vào 13h chiều 27.5 trên đường ngang dân sinh Km289+515, thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tàu hoả lại va chạm với xe bồn khi chiếc xe này cố vượt qua đường ngang dù có biển báo và thấy tàu sắp đến. Cú đâm ngang đầu khiến chiếc xe bồn văng xoay dọc đường sắt, nát đầu, lái xe bị thương nặng trong cabin. Đây là vụ tai nạn đường sắt thứ 5 trong vòng 4 ngày vừa qua làm 3 người chết, 10 người bị thương và khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam liên tục bị tê liệt.
Trước đó, cũng tại Nghệ An, vào chiều 26.5, một tàu hỏa chở đá chạy hướng Nam - Bắc bị trật bánh ở gần ga Yên Xuân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Sự cố này không có thiệt hại về người nhưng buộc ngành đường sắt phải huy động hơn 100 cán bộ, nhân viên khắc phục hậu quả.
Gần như cùng thời điểm, vào lúc 16h18’, ngày 26.5.2018, tại Ga Núi Thành (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam) hai tàu hàng đấu đầu làm trật bánh 2 đầu máy và 5 toa xe khiến đoạn qua ga này tê liệt. Còn 2 ngày trước đó, 3 người đã chết trong 2 vụ tai nạn ở huyện Thường Tín, Hà Nội và huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, trong đó, vụ tai nạn ở Thanh Hoá là đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết 9 người bị thương khi tàu khách mang số hiệu SE19 va chạm với một xe ôtô tải lúc nửa đêm.
Lái xe coi thường tính mạng, nhân viên đường sắt lỗi tác nghiệp
Đánh giá về những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra vừa xảy ra, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - cho rằng, phần nhiều liên quan tới nguyên nhân chủ quan, trong đó, có vụ “rõ luôn nguyên nhân chủ quan từ phía việc thực hiện các quy trình tác nghiệp để đảm bảo an toàn đường sắt”. Ông Hùng cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu khẩn trương tổng hợp những vụ tai nạn đường sắt có liên quan tới các nguyên nhân chủ quan từ đầu năm để phân tích đánh giá và xem xét đến việc đánh giá lại toàn bộ quy trình thực hiện, cũng như kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy trình để đảm bảo ATGT đường sắt, thậm chí nếu phát hiện sai sót, sai phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan.
Theo ông Hùng, trong vụ hai tàu hàng đối đầu, thì ngành đường sắt không có gì để có thể bao biện, từ chối trách nhiệm, mà phải đánh giá lại toàn bộ quy trình để tìm ra được nguyên nhân và xử lý vì quy trình thì đúng nhưng quá trình giám sát thực hiện quy trình an toàn có đúng không?
Thừa nhận trách nhiệm trong vụ hai tàu hàng đối đầu, nhưng ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên TCty Đường sắt Việt Nam - cho rằng, tổng hợp 5 vụ, mỗi vụ có một vấn đề khác nhau nhưng chia thành hai nhóm nguyên nhân, trong đó, nhóm 1 là do phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là ý thức của một số chủ phương tiện, bất chấp quy định, thấy biển báo, đèn báo, thấy tàu đến vẫn cố tình vượt và gây ra tai nạn. Nhóm 2 do lỗi chủ quan “quy trình đúng nhưng tác nghiệp sai” và các vụ việc như hai tàu hàng đấu đầu là hy hữu khi cùng lúc có cả mấy lỗi từ nhân viên ga tới lái tàu vì an toàn đường sắt có nhiều lớp, lỗi 1 người không gây ra được tai nạn. “Ở đây có nhiều lỗi tích hợp vào, giống như 3-4 ông trong 1 thời điểm cùng mắc lỗi”. Ông Minh thừa nhận, qua phân tích sơ bộ thấy rằng, lỗi tác nghiệp do chủ quan chiếm tỉ lệ không nhỏ và quy trình an toàn của đường không sai nhưng đang phụ thuộc rất nhiều vào tác nghiệp của từng cá nhân, áp dụng KHCN trong công tác an toàn của đường sắt hiện ở mức độ hạn chế nên khó ngăn chặn từ xa. Dù ngành đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong an toàn đường sắt như từ năm 2017 đã lắp điện thoại trong đầu máy để tăng khả năng liên lạc, lắp hệ thống camera cho đầu máy quan sát ở đường để khi sự cố xảy ra thì xác định rõ hơn, lỗi ở đâu, lắp camera trên các đầu máy kiểm soát tình trạng lơ là của tài xế rồi lắp camera tại ga, lắp camera tại các ghi, đồng thời đang xây dựng 1 đề án lắp đặt hệ thống tín hiệu đường sắt kiểm soát bằng GPS trên đầu tàu, dự kiến thí điểm cho đoạn Nha Trang - TPHCM nhưng chưa thể ngày 1 ngày 2 hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào tác nghiệp của con người.
Ông Mai Thành Phương - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam:
Tất cả các chức danh nghề trong ngành Đường sắt đều phải qua đào tạo. Hằng năm, Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức thi tay nghề cho các chức danh để NLĐ ôn luyện, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay thu nhập của NLĐ chưa đảm bảo cuộc sống, nhất là khối tuần gác, duy tu và phục vụ trên tàu; đặc biệt là các đơn vị kết cấu hạ tầng và vận tải ở khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của ngành cũng vất vả nặng nhọc, nguy cơ rủi ro cao. Vì vậy, có một số NLĐ đã bỏ nghề. Nhiều người trong số họ chuyển sang công việc khác không chỉ do thu nhập mà còn vì nghề mới ít tiềm ẩn rủi ro hơn.
Trong ngành Đường sắt, Công đoàn và chuyên môn thường xuyên phối hợp, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ qua đối thoại, thi tay nghề, tổ chức đi nghỉ dưỡng, trang bị các trang thiết bị sinh hoạt đời sống… nhưng vẫn chưa khắc phục hết khó khăn. Khi xảy ra các vụ tai nạn, lãnh đạo Công đoàn Đường sắt Việt Nam kịp thời có mặt tại hiện trường, tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả; thăm hỏi các nạn nhân; thăm hỏi, động viên CNLĐ tham gia khắc phục sự cố…
B.C.Đ ghi
Hai tàu hàng tông nhau ở Quảng Nam do tác nghiệp dồn toa
Lãnh đạo TCty Đường sắt VN cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ va chạm của hai tàu hàng tại Quảng Nam là do tác nghiệp dồn dịch (quá trình dồn các toa tàu lại với nhau) trong ga Núi Thành.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, TCty Đường sắt Việt Nam cho biết, nguyên nhân sơ bộ ban đầu của vụ va chạm giữa 2 đoàn tàu hàng được xác định do tác nghiệp dồn dịch trong ga Núi Thành. Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, các quy trình tác nghiệp của đường sắt hiện nay lạc hậu, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp.
Một ngày sau khi vụ 2 tàu hỏa đâm nhau tại Núi Thành, Quảng Nam, hơn 100 công nhân cũng được huy động đến hiện trường nỗ lực, khẩn trương khắc phục hơn 100m đường ray hư hỏng.
* Theo TCty Đường sắt, đến 16h30 ngày 27.5, đoạn đường sắt qua ga Núi Thành (nơi xảy ra tai nạn) đã chính thức thông tuyến với vận tốc 5km/h. Được biết, tuyến đường sắt 2 tại ga Núi Thành, Quảng Nam đã được thông và dự kiến trong ngày mai 28.5, tuyến số 1 cũng sẽ thông trở lại. Trước đó, để đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa, ngành đường sắt đã thực hiện việc chuyển tải 13 chuyến tàu với 4738 hành khách an toàn qua khu đoạn xảy ra tai nạn.
THÙY TRANG
4 ngày 4 vụ tai nạn, đường sắt vắt tay suy nghĩ?
Trong khi lãnh đạo ngành đường sắt đã từng nhận định đây là loại hình an toàn cao thì hàng loạt các vụ tai nạn ... |
Tai nạn đường sắt liên tiếp: \'Trong nhà có ông già bị ốm\'
Đại diện Cục Đường sắt thừa nhận hạ tầng đường sắt hiện cũ kỹ, lạc hậu nên kém hiệu quả, ẩn chứa nhiều nguy cơ ... |
Tàu hỏa tông văng xe bồn băng qua đường sắt
Chiếc xe bồn đang băng qua đường sắt thị bị tàu hỏa húc văng. Vụ tai nạn khiến lái xe bị thương, giao thông đường ... |